Sẽ giải cứu thị trường bất động sản như thế nào?

Mạnh Hải 13/02/2023 15:14

Bước sang năm 2023, những tín hiệu khởi sắc trên thị trường bất động sản vẫn khá mờ nhạt và nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này tiếp tục phải chật vật. Do đó, cần phải có những chính sách đúng đắn cho thị trường vô cùng đặc biệt này!

Có nên giải cứu thị trường bất động sản

Tại phiên họp Chính phủ ngày 2/2, Thủ tướng đã yêu cầu sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngày 6/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp về tình hình vốn cho thị trường bất động sản. Đến ngày 8/2, tiếp tục diễn ra hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, ngày 7/2, Bộ Xây dựng cũng có cuộc họp nội bộ về lĩnh vực này.

Những khó khăn mà hiện nay thị trường bất động sản đang phải đối mặt bao gồm: sự mất cân đối về cung cầu khiến doanh nghiệp không bán được sản phẩm; những rào cản, vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính; dòng vốn tín dụng thu hẹp do lãi suất tăng lên và những biến động trên thị trường trái phiếu. Và thực tế chúng ta thấy rằng nỗ lực liên tục của Chính phủ thời gian qua cũng chính là tập trung tháo gỡ những khó khăn nêu trên.

Về sự mất cân đối cung cầu trên thị trường, đây có thể xem là nguyên nhân gốc rễ đưa đến tình hình hiện nay, vì việc không bán được sản phẩm làm doanh nghiệp bị ách tắc dòng vốn đã đầu tư trước đó. Thông tin do Bộ Xây dựng công bố về nhà ở và thị trường bất động sản quý 4 và cả năm 2022 cho thấy, lượng tồn kho hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Trước vấn đề này, việc đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội có thể xem như một hướng đi hiếm hoi có tính khả thi đối với các doanh nghiệp bất động sản. Với nhu cầu lớn thì những sự án thuộc phân khúc giá rẻ như nhà ở xã hội sẽ rất mau chóng được hấp thụ trên thị trường. Dù tỷ suất lợi nhuận của các dự án loại này thấp hơn nhưng trong bối cảnh như hiện nay, ít nhất là các doanh nghiệp vẫn có thể có lãi, có thể quay vòng vốn đầu tư thay vì điêu đứng với những sản phẩm không tiêu thụ được như phân khúc cao cấp.

Hơn nữa, “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021-2030)” đã được Chính phủ phê duyệt. Do đó, rõ ràng các chính sách trong giai đoạn tới sẽ hướng đến việc tăng cường khả năng mua nhà phục vụ mục đích để ở.

Về những vướng mắc, rào cản liên quan đến pháp lý và thủ tục hành chính, hướng cải thiện đã rất rõ ràng. Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng thời lấy ý kiến góp ý cho các dự thảo này. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và đưa ra lấy ý kiến từ ngày 3/1. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Việc sửa đổi các luật liên quan đến thị trường bất động sản, một khi được thực thi sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023

Về việc dòng vốn tín dụng bị thu hẹp, đây là điều khiến không chỉ doanh nghiệp mà cả các cơ quan quản lý cũng phải đau đầu. Từ những cuộc họp liên tục của Ngân hàng Nhà nước, có thể thấy rõ tính quan trọng của vấn đề.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong năm nay, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỉ đồng, một con số không hề nhỏ. Trong khi đó, sau những sai phạm trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp năm qua, niềm tin của nhà đầu tư đang xuống rất thấp và không dễ khôi phục trong thời gian ngắn. Để cải thiện khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để trình Chính phủ xem xét.

Đối với lãi suất ngân hàng, rất khó để có thể điều chỉnh giảm đáng kể trong bối cảnh hiện nay, vì nhìn chung, ngân hàng trung ương các nước đa phần đang duy trì lãi suất ở mức cao. Dù vậy, Chính phủ vẫn liên tục yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm chi phí hoạt động, để qua đó giữ ổn định lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phần nào cho doanh nghiệp.

Nhìn chung, trên cơ sở các chính sách đến thời điểm hiện tại, có thể thấy rõ quan điểm của Chính phủ đó là không đi theo hướng bơm tiền để giải cứu thị trường bất động sản, mà thay vào đó, đưa ra chính sách, cơ chế theo phương pháp tiếp cận giúp thị trường tự điều tiết, sau đó sẽ dần dần phục hồi một cách lành mạnh, hướng đến những người có nhu cầu sử dụng nhà ở thật sự. Điều này tất nhiên là phù hợp với nền kinh tế thị trường, tức là những công ty kinh doanh bất động sản có khả năng quản trị tốt, lành mạnh sẽ vượt qua khó khăn, còn những công ty yếu kém thì chính phủ vẫn để cho phá sản bình thường.

Mạnh Hải

Đọc nhiều