8
category
536890

Sẽ đồng loạt tiêm vắc xin Covid-19 tại các tỉnh, thành

28/07/2021 07:34

Tính đến nay, hơn 4,7 triệu mũi vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm, trong đó gần 430.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Bộ Y tế ước tính số lượng lớn vắc xin Covid-19 sẽ về trong các tháng tới và công tác tiêm chủng sẽ tăng tốc để bao phủ toàn dân. Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), Bộ Y tế phối hợp Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành khác đã tổ chức các kho bảo quản vắc xin, tại các quân khu, với những phương tiện như tủ lạnh, tủ âm sâu đạt tiêu chuẩn và xe vận tải chở vắc xin được tăng cường.

“Cùng lúc chúng ta có thể bảo quản được hàng chục triệu liều vắc xin trên cả nước; vì các kho của quân đội có dung tích lớn, đảm bảo lượng lớn vắc xin cũng như vận chuyển kịp thời. Ngay tại NIHE cũng có hệ thống kho lạnh âm sâu đáp ứng yêu cầu bảo quản khắt khe”, GS Đặng Đức Anh cho biết.

Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM /// Ảnh: Khả Hòa
Tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho người dân tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, Q.11, TP.HCM

Tăng tốc để đạt bao phủ toàn dân

GS Anh cho hay Việt Nam hướng đến đạt mục tiêu bao phủ vắc xin Covid-19 đến 70% dân số vào cuối năm 2021, đầu 2022. Với tốc độ như hiện nay và triển khai tích cực hơn nữa, đồng thời tiếp nhận các lô vắc xin mới về kịp thì sẽ đạt tiêu chí. “Hằng ngày, mỗi điểm tiêm cho ít nhất 100 người, chúng ta có khoảng 11.000 – 12.000 điểm tiêm trên cả nước, tức là số tiêm hằng ngày rất nhiều, do đó tiêu chí bao phủ vắc xin sẽ đạt được”, ông Anh nói.

Về vấn đề tiến độ tiêm thời gian qua còn chậm, trung bình 20.000 – 30.000 mũi tiêm/ngày, ông Anh cho biết các điểm tiêm chủng sẽ được tăng thêm và mở rộng, số lượng người được tiêm trong ngày sẽ nhiều hơn so với hiện tại. “Trong đầu tháng 8 tất cả các điểm tiêm sẽ hoạt động hết công suất, khi đó, số lượng được tiêm, tiến độ tiêm sẽ đạt được theo như kế hoạch chúng ta đề ra”, ông Anh nói.

Về phản ứng sau tiêm, GS Anh cho biết đã có các tập huấn về tổ chức điểm tiêm, thực hành tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm. Các điểm tiêm đều có đội trực cấp cứu. Trường hợp có phản ứng sau tiêm sẽ xử lý kịp thời. An toàn là tiêu chí hàng đầu và hiện đang thực hiện hết sức bài bản. “Từ khi tiêm đến nay hơn 4 triệu liều, đã ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm trong giới hạn Tổ chức Y tế thế giới công bố. Tỷ lệ này cũng như các quốc gia khác, khoảng từ 1 – 4 ca phản ứng nặng/1 triệu liều tiêm”, GS Đặng Đức Anh thông tin.

Theo hướng dẫn mới nhất về an toàn tiêm chủng Covid-19 do Bộ Y tế ban hành, các điểm tiêm chủng cần bố trí tiêm theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách. Đối với điểm tiêm chủng lưu động có thể huy động nhân lực y tế địa phương hoặc địa phương khác đảm bảo đúng quy định theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1.6.2016 của Chính phủ.

Sở Y tế các tỉnh, TP lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; xây dựng kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.

Các đơn vị sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế để thực hiện đăng ký tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch tiêm chủng; chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi tiêm chủng, các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng và bảo đảm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chiến dịch.

Bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động, bố trí nhiều đội/kíp tiêm chủng tại các nhà máy, khu công nghiệp… để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm trong trường hợp cần thiết nhưng phải đảm bảo khoảng cách.

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng NIHE, chia sẻ trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, các điểm tiêm chủng nên huy động tối đa các lực lượng khác ngoài ngành y tế hỗ trợ triển khai tiêm chủng, được tập huấn về an toàn phòng, chống dịch, thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các địa phương khẩn trương triển khai

Theo báo cáo chưa đầy đủ, tính đến 19 giờ 30 ngày 27.7, TP.HCM đã tiêm được hơn 279.000 liều vắc xin Covid-19 đợt 5. Trong đó, tại các bệnh viện (BV) đã tiêm cho 26.908 người trên 65 tuổi, có bệnh nền; tiêm tại cộng đồng là 231.800 liều và các đối tượng khác là hơn 20.800 liều. TP.HCM được Bộ Y tế phân bổ 902.000 liều vắc xin đợt 5 và TP dự kiến tiêm trong khoảng 2 – 3 tuần.

Theo Sở Y tế Hải Phòng, Bộ Y tế đã phân bổ cho TP.Hải Phòng hơn 61.000 liều vắc xin. Hải Phòng sẽ tiêm đồng loạt tại 15 quận, huyện và sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có (các BV trong ngành, BV tư nhân, bộ, ngành) và huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Dự kiến, thời gian bắt đầu tiêm vắc xin từ hôm qua đến đầu tháng 8.2021.

Theo Sở Y tế Thanh Hóa, đến ngày 27.7, Thanh Hóa đã tiêm vắc xin cho 22.503 người. Trong đó, tiêm mũi 1 là hơn 20.000 người, tiêm mũi 2 là gần 2.000 người. Ngày 26.7, tỉnh Thanh Hóa đã nhận thêm 60.470 liều. Khoảng 2 tuần nữa tỉnh này sẽ tiêm số vắc xin vừa được phân bổ.

Đến ngày 27.7, Quảng Ninh đã nhận khoảng 260.000 liều vắc xin phòng Covid-19; đã tiêm cho 109.345 người, trong đó tiêm mũi 1 là 106.333 người, tiêm đủ 2 mũi là 3.012 người. Quảng Ninh dự kiến sẽ tiêm hết số vắc xin còn lại trong tháng 7 và 8.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết hiện đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, người dân. Bình Dương đã được Bộ Y tế phân bổ 307.000 liều vắc xin để tiêm cho trên 1,45 triệu người trong năm 2020 – 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng. Trả lời câu hỏi của PV về việc Bộ Y tế đã cấp 307.000 liều vắc xin nhưng đến nay Bình Dương mới triển khai tiêm được trên 67.000 liều, như vậy có chậm quá không, ông Nguyễn Hồng Chương cho biết chỉ trong khoảng 2 tuần là tiêm hết 307.000 liều vắc xin.

Sở Y tế Đồng Nai cho biết đã lên kế hoạch tiêm hơn 311.000 liều vắc xin đợt 4. Thời gian tiêm từ 27.7 – 15.8. Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nói rằng đây là đợt tiêm vắc xin quy mô lớn nhất trước giờ trên địa bàn. Để thực hiện kế hoạch, ngoài các BV và trung tâm y tế công lập, ngành y tế Đồng Nai còn huy động các BV ngoài công lập tham gia tiêm chủng. Hiện Đồng Nai đã tiêm xong vắc xin đợt 3 (tổng cộng hơn 75.000 liều).

Theo Sở Y tế Bình Thuận, tỉnh này vừa tiếp nhận 15.000 liều vắc xin trong đợt này. 1.170 liều tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên. 13.440 liều tiêm mũi 2 cho các đối tượng ưu tiên đã tiêm mũi 1. Khoảng hơn 900 liều dùng để tiêm cho các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại Bình Thuận. Thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 31.7 – 5.8.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết Bộ Y tế vừa phân bổ thêm cho Cần Thơ khoảng 89.000 liều. Sở Y tế chuẩn bị triển khai tiêm, từ ngày 2 – 12.8 sẽ triển khai tiêm ở 18 điểm. Đến nay, Cần Thơ đã tiêm 44.781 liều. Ước tính nhu cầu sử dụng vắc xin của Cần Thơ hơn 1,7 triệu liều.

Ưu tiên vắc xin cho doanh nghiệp tài trợ Quỹ vắc xin Covid-19

Ngày 27.7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng trước đề xuất của nhiều doanh nghiệp, tổ chức về việc cho phép được đàm phán, tìm nguồn và nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 để tiêm miễn phí cho nhân dân và xin được giữ lại một phần sau khi đóng góp vào Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ và có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung vắc xin trên thế giới. Bộ Y tế được giao chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vắc xin, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm vắc xin kịp thời, khoa học, an toàn và hiệu quả; có văn bản hướng dẫn và thực hiện thống nhất về tỷ lệ ưu tiên sử dụng vắc xin đối với các tổ chức, cá nhân đã chuyển tiền tài trợ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19.

Chí Hiếu

Đọc nhiều