Sau tuyên bố “bỏ cọc”: Tân Hoàng Minh hưởng lợi
Không phải ngẫu nhiên mà Tân Hoàng Minh sẵn sàng bỏ 588,5 tỷ đồng ‘chạy làng’ sau khi làm mọi cách để trúng thầu lô đất với giá ‘trên trời’.
Với những ai có một chút kiến thức về lĩnh vực đầu tư bất động sản, hẳn sẽ nhận ra tác động của kết quả đấu giá lô đất vàng Thủ Thiêm vừa qua. Với việc thắng đấu giá lô đất với giá “trên trời” (2,45 tỷ đồng một m2), Tân Hoàng Minh đã tạo ra một đỉnh giá mới cho thị trường bất động sản, đồng thời đẩy giá đất tại khu vực này lên cao chóng mặt.
Thế nhưng, chiều tối ngày 11/1, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất đã trúng thầu trước đó với giá 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm, đồng thời chấp nhận mọi chế tài về hành động này. Theo Luật Đấu giá tài sản, Công ty Ngôi Sao Việt, một thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng – bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tâm lý “lướt sóng” bắt đầu nổ ra khi nhiều người ham làm giàu đã lao vào ôm đất chờ tăng giá. Từ đó, tạo nguy cơ bong bóng bất động sản, và làm đóng băng những dự án mới. Vậy ai sẽ được lợi từ sự việc này?
Thị trường chứng khoán cũng chịu ảnh hưởng lớn từ những diễn biến của vụ việc này khi giá cổ phiếu bất động sản cũng liên tục nhảy múa theo mỗi động thái của Tân Hoàng Minh. Người chịu tác động lớn nhất chính là các nhà đầu tư lướt sóng. Việc trúng thầu lô đất với giá khó tin của Tân Hoàng Minh đã kéo theo một lượng lớn nhà đầu tư mua cổ phiếu chờ thời. Để rồi, khi công ty này bất ngờ tuyên bố bỏ cuộc chơi, chính những người đang ôm cổ phiếu sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề khi giá tụt dốc.
Tôi tin, sau tất cả, doanh nghiệp Tân Hoàng Minh vẫn sẽ không lỗ.
Tân Hoàng Minh được bao nhiêu sau cuộc đấu giá đất trước đó? Doanh nghiệp này được hưởng lợi ra sao sau khi trúng thầu? Vì sao họ sẵn sàng bỏ khoản tiền cọc gần 588,5 tỷ đồng để rút khỏi cuộc chơi? Theo tôi, đây là những câu hỏi cần phải được làm rõ, truy cứu trách nhiệm những cá nhân, tổ chức có liên quan để tránh những hệ lụy tiêu cực sau này.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu lại Luật Đấu giá tài sản và các quy định liên quan sau vụ việc này. Chuyện một công ty đẩy giá thầu lên mức không tưởng để thắng đấu giá rồi sau đó lại xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán sẽ trở thành tiền lệ, kéo theo nhiều hậu họa khôn lường.
Chưa rõ việc trả lại lô đất đã trúng thầu là vì mục đích gì, nhưng chắc chắn nó đã gây biến động lớn trong thị trường, ảnh hưởng đến việc cân đối kinh tế vĩ mô, nên cần phải được siết chặt quản lý.
Tân Hoàng Minh bỏ cọc: Mất tiền, mất uy tín?
Nói với PV, CEO một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội cho biết không cảm thấy quá ngạc nhiên khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Bởi số tiền phải đóng là con số rất lớn, hơn 1 tỷ USD. Theo vị này, để huy động số tiền này với một doanh nghiệp là không “hề đơn giản”. Chưa kể còn vô số bài toàn kinh doanh sau đó để đảm bảo hiệu quả dòng tiền.
Còn nhớ thời điểm mua được đất vàng Lê Duẩn, quận 1, TPHCM trước đây, sau đó ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh lại tiết lộ, cuộc đấu giá thành công do… lỡ lời. Khu đất này khởi điểm 550 tỷ đồng và giờ doanh nghiệp phải trả tới 1.430 tỷ đồng – gấp 2,6 lần để sở hữu nó. “Dù ở góc độ kinh tế, đây là cuộc đấu giá thất bại”, ông Dũng nói.
Sang đến vụ đấu giá ở Thủ Thiêm, mặc dù đã đọc những lý giải của ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – về việc vì sao bỏ giá cao rồi lại bỏ cọc, song một số doanh nghiệp cùng ngành vẫn thấy sự “khó hiểu”.
Song nhìn chung, một số ý kiến cho rằng cơ bản sẽ tốt cho thị trường bất động sản. “Nó sẽ đưa về giá trị thực hơn. Các khu vực xung quanh theo đó sẽ hạ nhiệt hơn”, vị này nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho rằng sau khi xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, cái mất lớn nhất của Tân Hoàng Minh là uy tín, ngoài số tiền cọc mất.
Trước đó, trong tâm thư được ghi ngày 10/1/2022 gửi đến các lãnh đạo cấp cao Trung ương, TPHCM, ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – đã xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3.
Tiết lộ lý do bỏ cọc, ông Dũng viết trong “tâm thư”: Sau khi trúng đấu giá với giá cao như vậy, chúng tôi đã suy nghĩ và lắng nghe rất nhiều dư luận theo nhiều chiều khác nhau và thấy rằng đấu giá trúng ở mức cao như vậy có thể dẫn tới hệ lụy không tốt. “Đặc biệt sau khi tiếp thu ý kiến nhận định của Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất vừa qua”, ông Dũng nêu trong thư.
Ông chủ Tân Hoàng Minh cũng nói thêm, việc này để “bảo đảm một phần ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, lợi ích của tập thể, của xã hội lên trên…”. Đồng thời Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng gửi đến các lãnh đạo cấp cao “lời xin lỗi chân thành nhất”.
[youtube]https://www.youtube.com/watch?v=pd_GjzMMEPY[/youtube]
Nguyên Mạnh
*Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả