Sau Thái Lan, đến lượt Indonesia xem Việt Nam là đối thủ kinh tế “đáng gờm” nhất Đông Nam Á

Minh Thư 05/09/2019 17:34

Chỉ trong một buổi tối ngày 04/09, trang Facebook của CNBC Indonesia đã đăng liên tiếp 6 bài có nhắc tới Việt Nam chủ yếu đề cập tới việc Việt Nam đã trở thành ốc đảo đón chào các nhà đầu tư đang rút chân ra khỏi Trung Quốc, còn Indonesia thì không.

Du-bao-Kinh-te-Viet-Nam

Đây cũng là điều mà Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo chua xót thừa nhận trước nội các của ông khi trích dẫn một báo cáo từ World Bank cho thấy khi khảo sát 33 doanh nghiệp quốc tế đang rời bỏ Trung Quốc bởi cuộc chiến tranh thương mại, 23 trong số doanh nghiệp đã chọn Việt Nam, số còn lại thì chuyển tới Malaysia, Thái Lan và Campuchia, “nhưng không ai tới Indonesia cả. Nhìn nhận vào mặt này chúng ta có vấn đề”. Ông Jokowi Widodo cũng nhấn mạnh việc một doanh nghiệp FDI chỉ mất 2 tháng để hoàn thiện các thủ tục đầu tư tại Việt Nam, trái ngược với Indonesia có thể mất tới vài năm trời.

Tổng thống Indonesia cũng mang chuyện cũ vào năm 2017 ra để nhắc lại, khi 73 doanh nghiệp Nhật Bản muốn di dời sản xuất sang địa điểm mới thì 43 doanh nghiệp tới Việt Nam, 11 tới Thái Lan, chỉ có 10 doanh nghiệp đặt chân tới Indonesia. Thất vọng với việc không thu hút được FDI, lại chịu cảnh kinh tế trầm lắng bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang phủ bóng đen lên toàn cầu, ông Widodo đã phải triệu tập toàn bộ các Bộ trưởng có liên quan tới kinh tế, dành ra một tuần để thảo luận vấn đề yếu kém trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Vào trung tuần tháng 8, Tổng thống Widodo đã chỉ trích Bộ trưởng Bộ thương mại, ông Enggartiasto Lukita vì đã để cho Việt Nam vượt mặt Indonesia trong xuất khẩu. Ông Lukita thừa nhận Việt Nam đã đi trước Indonesia khi cố gắng thâm nhập vào các thị trường lớn trên thế giới bằng các hiệp định FTA như EVFTA hay CPTPP. Trong khi đó, Indonesia mới chỉ cởi mở với các hiệp định tự do thương mại trong 10 năm đổ lại đây, tức là đã quá muộn.

Ông Budi Susanto Sadiman, Tổng thư ký hiệp hội sản xuất nhựa và chất dẻo Indonesia mới đây cũng phải thừa nhận dù giá nhân công Myanmar rẻ hơn Indonesia rất nhiều, nhưng đất nước ông lo ngại nhất chính là Việt Nam. Trước đây tại Indonesia từng có sự lo ngại, rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rời bỏ Batam để tới Myanmar, nhưng sau khi có chuyến công tác tới Việt Nam, ông Budi đã phải thừa nhận Việt Nam hấp dẫn hơn cả, từ thủ tục, hàng rào thuế quan, tới nhân công.

Nhìn thấy nền kinh tế Việt Nam vượt mặt Indonesia quá nhiều, khiến Phó Tổng thống Jusuf Kalla phải lên tiếng hối thúc các bộ, ngành phải cải cách khả năng cạnh tranh trước các nền kinh tế trong khu vực. “Việt Nam đang bùng nổ, tại sao chúng ta không như vậy. Tại sao Thái Lan xuất khẩu nhiều hơn, tại sao kinh tế Malaysia tăng trưởng tốt hơn chúng ta? Cứ như vậy, người ta dần quên mất vài năm trước Việt Nam còn bị xếp vào nhóm 4 thành viên sau cùng của ASEAn và 4 nền kinh tế kém phát triển”

Cuộc chạy đua giữa các quốc gia thực chất là chạy đua về tài nguyên con người, nhưng cả về giáo dục, Indonesia cũng không hơn được Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Mulyani cho biết “mặc dù dành tới 20% ngân sách quốc gia để chi cho giáo dục, nhưng lại không đạt được kết quả to lớn như ở Việt Nam, kết quả rất tệ khiến chúng tôi rất thất vọng”.

Minh Thư

Đọc nhiều