Sau Big C, đến lượt các hãng CNTT quay lưng với doanh nghiệp Việt Nam
Không chỉ BigC, nhiều doanh nghiệp nước ngoài hiện nay đang quay lưng với doanh nghiệp Việt Nam dù trước đó họ đã có quá trình hợp tác lâu dài và hiệu quả.
Sự việc Tập đoàn Central Group – Chủ chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam ngừng nhập hàng dệt may của 200 doanh nghiệp Việt Nam đang làm dấy lên cơn phẫn nộ từ người tiêu dùng Việt.
Theo các chuyên gia kinh tế, hành động của Big C có dấu hiệu cạnh tranh thiếu lành mạnh, là lời cảnh báo đối với các cơ quan chức năng trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trước sự đổ bộ của các thương hiệu nước ngoài.
Sự việc vẫn khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo lắng. Không ít ý kiến cho rằng, nếu không có cơ chế giải quyết dứt điểm sự việc đối với Big C, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn do các tập đoàn nước ngoài gây ra.
Thực tế, hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài lấy cớ “thay đổi chiến lược” để “hất” vị trí của doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang diễn ra.
Nguồn tin của VTCNews cho biết, tập đoàn CNTT nổi tiếng toàn cầu đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam “sốc” vì thay đổi chiến lược kinh doanh.
Theo đó, một số đối tác gắn bó nhiều năm nay có khả năng bị loại ra khỏi chiến lược phát triển sắp tới của nhãn hàng này.
Điều đáng nói, việc kinh doanh và lợi nhuận do các doanh nghiệp Việt mang lại cho những hãng tại Việt Nam rất lớn. Doanh số mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đô, mức tăng trưởng đều và rất tốt.
Thời gian gần đây, một số hãng công nghệ Thông tin nước ngoài tại Việt Nam lại thực hiện việc cắt bỏ các công ty tư nhân trong nước, có doanh thu lớn và tiếng nói trong ngành IT. Theo đó, các công ty này chuyển đổi cho các doanh nghiệp vốn nước ngoài khác vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
Thực tế, thị trường Việt Nam rất đặc thù, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Nếu doanh nghiệp nước ngoài không có sự am hiểu cũng như thiếu các mối quan hệ khách hàng thì sẽ rất khó khăn trong việc mở rộng thị trường cũng như hoạt động tại Việt Nam.
Dù phía các công ty công nghệ Thông tin nước ngoài cho rằng những thay đổi này nhằm phục vụ cho chiến lược mới thì đó chỉ là sự biện minh cho kế hoạch “hất” vai trò và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam để nhường “sân” cho doanh nghiệp nước ngoài.
Sự thay đổi mang tính chất “qua mặt” đối với doanh nghiệp nội địa của các công ty CNTT nước ngoài đã làm ảnh hưởng tới nền CNTT Việt Nam cũng như uy tín của các doanh nghiệp trong nước. Nếu chính sách này tiếp tục sẽ tạo điều kiện cho các DN nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường VN.
Việc làm này là không công bằng và gây sức ép, tạo khó khăn cho các DN Việt Nam trong việc phát triển và chứng minh vị thế của mình trong thị trường quốc Tế. Thực tế cho thấy, các công ty nước ngoài sử dụng tài nguyên của Việt Nam để xây dựng mở rộng thị trường rồi hất thẳng người Việt đi. Điều này thể hiện sự coi thường của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, chính các hãng CNTT này cũng hào hứng tham dự vào các dự án TP Thông Minh, công nghiệp 4.0…. và rất nhiều các dự án lớn khác sử dụng ngân sách nhà nước hay nói cách khác là từ nguồn nộp thuế của chính doanh nghiệp Việt Nam.
Sự thay đổi này dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn: Sự bắt tay chuyển giá ra nước ngoài giữa các Tập đoàn lớn, dẫn đến thất thu thuế cho nhà nước. Đồng thời, sau khi thôn tính xong thị trường PP (sẽ diễn ra rất nhanh so với bán lẻ), doanh nghiệp nước ngoài sẽ bắt tay với chính các tập đoàn bán lẻ để thao túng giá khiến người tiêu dùng thiệt hại, các doanh nghiệp bán lẻ vừa & nhỏ phá sản, người lao động mất việc.
Nếu doanh nghiệp CNTT nước ngoài vào thao túng, chiếm lĩnh thị trường CNTT tại Việt Nam, các mục tiêu công nghiệp 4.0 sẽ khó đạt hơn vì mất đi những nguồn lực quan trọng; không có doanh nghiệp VN tham gia chuỗi cung ứng có thể tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn thông tin; doanh nghiệp nội mất niềm tin đầu tư kinh doanh, trái với những khuyến khích của Chính Phủ.
(Theo VTC News)