8
category
563380

Sau 10 năm chờ đợi, người dân Hà Nội chuẩn bị có phương tiện công cộng mới

04/11/2021 13:42

Ngày 6/11, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố, sau 10 năm thì người dân Hà Nội đã có phương tiện công cộng mới.

Dự án được phê duyệt năm 2008 với tổng chiều dài 13 km đi trên cao, gồm 12 ga, tốc độ tối đa 80 km/h. Kế hoạch ban đầu hoàn thành vào năm 2013. Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc vay vốn theo Hiệp định khung, bên tài trợ vốn chỉ định tổng thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, thực hiện theo hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng). Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư.

Tới tháng 10/2011 dự án mới được khởi công, thời hạn hoàn thành lùi tới năm 2015. Cùng với tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải và TP Hà Nội kỳ vọng hai dự án giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, đạt mục tiêu giao thông công cộng đáp ứng 35-45% nhu cầu đi lại của nhân dân thủ đô.

Sau lễ khởi công tại quận Hà Đông, dự án gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Hà Nội phải giải tỏa hơn 100 ha để xây dựng các nhà ga, khu bảo dưỡng. Khoảng 2.000 hộ dân tại ba quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông phải di dời. Hàng chục km đường điện, ống cấp thoát nước, viễn thông phải di chuyển. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án lên tới 915 tỷ đồng. Vì thế, phải đến tháng 5/2015, Hà Nội mới bàn giao toàn bộ mặt bằng cho tổng thầu.

Quá trình triển khai thực tế cũng phát sinh một số bất cập, buộc phải thay đổi thiết kế nhà ga từ 2 lên 3 tầng, bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot, thêm hạng mục đường tránh quốc lộ 6, điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox, thêm chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ…

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc chậm giải phóng mặt bằng, cộng với việc thay đổi thiết kế, trượt giá làm tăng kinh phí đền bù giải tỏa, tăng chi phí nguyên vật liệu. Tổng mức đầu tư dự án phải điều chỉnh từ 552 lên 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc tăng từ 419 lên 669 triệu USD, vốn đối ứng trong nước tăng từ 133 lên 199 triệu USD.

Quá trình thi công, nhà thầu để xảy ra một số sự cố. Ngày 6/11/2014, tại đoạn đường Nguyễn Trãi, đơn vị thi công đang cẩu thép thì bị đứt cáp. Thanh thép rơi khiến một người đi đường chết tại chỗ, hai người bị thương.

Sau đó hơn một tháng, tại ga bến xe Hà Đông, khi thi công xà mũ trụ H7, hệ thống sàn, đà giáo và bê tông xà mũ bị sụt xuống đường, đè bẹp chiếc taxi. Bốn người bên trong may mắn được giải cứu an toàn. Nhiều cán bộ công trường sau đó bị đình chỉ công tác, lãnh đạo Ban Quản lý dự án bị chuyn công tác.

Đoàn tàu tuyến Cát Linh – Hà Đông chạy thử qua đoạn hồ Hoàng Cầu, tháng 12/2020. Ảnh:Giang Huy

Việc kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế và sự cố khiến tiến độ thi công bị chậm. Tháng 7/2015, tổng thầu Trung Quốc báo cáo các nhà ga trên tuyến mới đạt 30% khối lượng, xin lùi mốc hoàn thành. Đáp lại, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu thay tổng thầu, đưa dự án cán đích đúng mốc 30/6/2016.

Đến giữa năm 2016, dự án vẫn chưa hoàn thành xây dựng cơ bản. Bộ Giao thông Vận tải ra “tối hậu thư” yêu cầu ngày 31/12/2016, tổng thầu hoàn thành xây lắp để cuối quý II/2017 vận hành chính thức. Tuy nhiên, tổng thầu EPC một lần nữa thất hứa và xin lùi đến đầu năm 2018.

Sau 4 lần trễ hẹn, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đóng điện và chạy thử liên động vào tháng 9/2018, đánh dấu hoàn thành cơ bản phần xây dựng, bước vào giai đoạn đánh giá an toàn và nghiệm thu, bàn giao. Thời gian thực hiện các thủ tục này kéo dài tới gần 3 năm.

Lý giải việc chậm trễ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết do hồ sơ dự án của phía Trung Quốc chưa đủ nên phải thời gian chạy thử toàn tuyến được lùi lại. Cùng với đó, dự án có quy mô lớn, phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam nên quá trình hoàn thiện thủ tục, nghiệm thu bàn giao kéo dài.

Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 khiến chuyên gia của nhà thầu Trung Quốc và Tư vấn ACT (Pháp) không thể đến Việt Nam. Đến cuối năm, những người này mới bắt đầu giám sát công tác chạy thử toàn hệ thống. Các bên đã nghiệm thu 11 công trình thành phần, ghi nhận còn có một số tồn tại, song không ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ, khả năng chịu lực của công trình.

Cuối tháng 4, Tư vấn độc lập ACT (Pháp) cấp chứng nhận an toàn hệ thống kèm 16 nội dung khuyến cáo về an toàn cho dự án. Đây là chứng chỉ quan trọng, cơ sở cho các cơ quan nghiệm thu dự án. Tháng 10 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước đã chấp nhận kết quả nghiệm thu của Bộ Giao thông Vận tải, bước đánh giá cuối cùng để đưa dự án vào khai thác thương mại.

Các mốc triển khai dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Đồ họa: Tạ Lư

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông để lại nhiều bài học lớn về công tác đầu tư xây dựng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế. Hợp đồng EPC được ký kết ban đầu giữa hai bên thiếu chặt chẽ, khiến sau đó phải bổ sung, điều chỉnh; đến năm 2016 mới có thông tư hướng dẫn.

Quy định về thiết kế kỹ thuật làm cơ sở lập tổng dự toán của Trung Quốc và Việt Nam khác nhau. Trung Quốc sử dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể là cơ sở lập tổng tổng dự toán để ký hợp đồng EPC, trong khi thiết kế kỹ thuật của Việt Nam quy định chi tiết hơn mới có thể xác định chính xác tổng dự toán.

Dự án sử dụng vốn ODA của nhà tài trợ nước ngoài, có tính đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên các cơ quan thực hiện phía Việt Nam chưa lường hết yêu cầu về kỹ thuật công nghệ. Các đơn vị tư vấn lập, thẩm tra dự án cũng chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn đến thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết được quy mô, tính chất, công năng nên phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật.

Về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu Trung Quốc thì Bộ, Ban Quản lý dự án đường sắt cũng chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành. Tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư.

UBND Hà Nội chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm giám sát thi công, quản lý tiến độ.

Sau 10 năm chờ đợi, người dân Hà Nội sắp có thêm một phương tiện công cộng sức chứa lớn, giá vé lượt chỉ 8.000 đồng nếu đi chặng ngắn, 15.000 đồng đi toàn tuyến.

Khai Tâm

Đọc nhiều