Sắp tới hạn mà chưa nộp tiền, Tân Hoàng Minh chấp nhận mất cọc?

11/01/2022 18:26

Trước đó, nhiều người đã đặt câu hỏi nghi vấn, với mức giá đấu thành công đến 1,1 tỷ USD cho 1 ha đất Thủ Thiêm, được cho quá sức tưởng tượng, thị trường đang đặt dấu hỏi liệu Tân Hoàng Minh có chịu mất gần 600 tỷ để rút lui. Bởi tới hiện tại đã qua 10/01 được cho là thời hạn cuối cùng để các doanh nghiệp nộp 50% số tiền mua tài sản, Tân Hoàng Minh vẫn bặt vô âm tín…

Nếu tự chấm dứt hợp đồng sẽ mất hàng trăm tỷ tiền đặt cọc

Trước đó, nhiều thông tin cho biết, thị trường đang đặt ra nhiều câu hỏi, với mức giá mà hầu hết dân kinh doanh bất động sản đều cho rằng ngoài sức tưởng tượng, liệu Tân Hoàng Minh và 3 doanh nghiệp trúng đấu giá có chấp nhận mất cọc.

Tại cuộc đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm, các doanh nghiệp tham gia đấu giá phải nộp trước số tiền tương ứng 20% giá khởi điểm của lô đất. Nếu trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền cọc, để đảm bảo thực hiện giao kết, hoặc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Nếu khách hàng trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá – không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sau 5 ngày, hoặc không nộp đủ tiền theo thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế, thì sẽ bị chế tài bằng biện pháp tịch thu số tiền này để nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo giá khởi điểm, Công ty TNHH Đầu tư BĐS Ngôi Sao Việt – thành viên của Tân Hoàng Minh, đã phải nộp trước hơn 588 tỷ đồng. Và sau 5 ngày quy định, nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, thì sẽ mất số tiền này.

Tương tự, số tiền đặt trước của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh là hơn 145 tỷ đồng. Công ty cổ phần Sheen Mega cũng phải nộp trước số tiền hơn 203 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Dream Republic phải nộp trước số tiền hơn 115 tỷ đồng.

Trước khi trả giá 2,4 tỷ đồng/m2 đất Thủ Thiêm, Tân Hoàng Minh từng ‘bỏ’ kết quả đấu giá đôi choé 6 tỷ đồng và dùng dằng đấu giá khu ‘đất vàng’ 3.000 m2 tại Quận 1

Trước đó, vào năm 2016, Chủ tịch Tân Hoàng Minh – ông Đỗ Anh Dũng từng đấu giá thành công đôi choé Tứ Linh giá 6 tỷ đồng rồi bất ngờ từ chối mua.

Theo thông tin ghi nhận, trong phiên đấu giá ngày 28/5/2016, cặp choé này được đề xuất giá khởi điểm là 900 triệu (sản phẩm giá đấu cao nhất). Cuộc đấu giá sau khi trải qua 29 lần “nâng lên” không “đặt xuống” giữa hai đại gia Bất động sản của Việt Nam là ông Đỗ Anh Dũng và ông Đỗ Quý Hải. Cuối cùng người thắng cuộc là ông chủ Tân Hoàng Minh với mức giá chốt là 6 tỷ 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến ngày 6/6, ông Vũ Mạnh Hùng – người đại diện trả giá thay ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phản hồi Lạc Việt về việc từ chối mua tài sản nói trên.

Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, ông Đỗ Anh Dũng chỉ ủy quyền cho ông Hùng đi đấu giá với giới hạn tối đa 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, có thể trong quá trình đấu giá, ông Hùng do “hưng phấn” nên đã trả giá cao hơn so với mức đã được giao.

Kết quả là ông Dũng chỉ bị xử lý theo quy định là không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc 50 triệu đồng và tài sản Cặp chóe Tứ Linh sẽ được bán cho người trả giá liền kề

Thời điểm khác, hồi tháng 6/2015, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng tham gia đấu giá khu đất vàng diện tích 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP Hồ Chí Minh và trúng với giá đấu cao nhất 1.430 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Tập đoàn gửi đơn đề nghị hủy kết quả đấu giá lên chính quyền TP Hồ Chí minh, với lý do phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.

Vụ việc dùng dằng một thời gian thì đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại đổi ý đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Tuy nhiên, do quá thời gian quy định, nên ngoài số tiền trúng đấu giá tập đoàn này phải nộp thêm hơn 260 tỉ đồng tiền phạt trễ hạn để được mua lô đất.

Kế bên lô đất 3-12 mà Tân Hoàng Minh vừa “chốt giá”, một dự án căn hộ cao cấp đang hoàn thiện với giá bán khoảng 130 triệu đồng/m2.

Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco cho rằng, nếu có việc Tân Hoàng Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng chắc chắn sẽ khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Bởi trước đó, lãnh đạo của Tập đoàn này rất quyết tâm trong việc đấu giá. Trong trường hợp tự nguyện chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp sẽ bị mất toàn bộ tiền đặt cọc đất trước đó đã nộp để tham gia đấu giá. Khi đó, tiền đặt trước được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, theo Luật sư Hà Huy Phong, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt trúng đấu giá lô đất số 3-12 (diện tích 10.059,7 m2) với 24.500 tỷ đồng là số tiền đấu giá cao kỷ lục cho mỗi m2 từ trước đến nay. Việc họ trúng thầu với giá như vậy không chỉ truyền thông trong nước mà truyền thông quốc tế cũng tốn không ít giấy mực. Chính vì vậy, bất cứ thông tin nào liên quan đến phiên đấu giá đó sẽ tạo nên những ảnh hưởng nhất định đối với thị trường bất động sản.

Ngọc Hoa

Đọc nhiều