86
topics
420272

Sao lại cứ tranh nhau để “được nghèo”?

15/08/2020 06:09

Một bài viết trên báo ngày 12/8 đã cho thấy ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 đối với người lao động, tới mức “sức người… cũng ế”.

Sao lại cứ tranh nhau để “được nghèo”? - 1

Họ là những người lao động phổ thông. Bình thường, cuộc sống của họ vốn đã vất vả, thì nay càng chồng chất khó khăn.

Ông Vũ Đức Chính quê ở Thọ Xuân (Thanh Hoá) chia sẻ với phóng viên rằng, chưa bao giờ ông thấy khó khăn như năm nay. Hơn 30 năm làm nghề cửu vạn tại Hà Nội, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông cùng một số người khác dậy từ 6 giờ sáng đứng ở cầu Mai Động (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chờ người đến thuê làm việc.

Người đàn ông 60 tuổi này nói, ông có thể làm được hầu hết mọi việc chân tay. Thế nhưng, dù cuộc sống trở nên bấp bênh với chi phí nhà trọ, sinh hoạt đắt đỏ ở Hà Nội, ông Chính vẫn phải bám trụ thành phố vì dẫu sao vẫn còn “đồng ra, đồng vào”, hơn là trở về quê không thể làm gì hơn ngoài làm ruộng.

Trong một bài viết khác đăng ngày 13/8, nhóm PV ở TPHCM ghi lại cuộc sống ở một xóm trọ công nhân. Họ rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu do công ty cho nghỉ làm liên tục mà không hỗ trợ tiền lương, ngày nào đi làm thì hưởng lương ngày đó, có đợt nghỉ 20 ngày và tới đây nghỉ nguyên cả tháng.

Thu nhập giảm sút nghiêm trọng khiến có những người tha hương bị sụt giảm nguồn thu nghiêm trọng, không có tiền gửi về quê nuôi con cái.

Tôi tin rằng, bối cảnh hiện tại sẽ vẫn còn có nhiều hoàn cảnh như ông Chính, như những người công nhân nọ. Nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn hơn nữa, thì có thể sẽ khiến nhiều hộ gia đình rơi vào diện cận nghèo và diện nghèo.

Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng dù có quy mô lớn và là nỗ lực lớn của Nhà nước để hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng chủ yếu vẫn mang tính động lực là chính. Người dân vẫn cần có kế sinh nhai, cần một “cần câu cơm” để thoát khỏi nghịch cảnh, còn các khoản hỗ trợ mang tính chất tình thế chính là “bàn đạp” để họ vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Chính vì vậy, khi làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 trở lại, hơn hết, cần phải hỗ trợ đúng và trúng đối tượng. Có như vậy mới lan toả được ý nghĩa của chính sách tốt đẹp mà Nhà nước ban hành.

Còn nhớ, hồi tháng 4 khi bắt đầu tiến hành giải ngân gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho khoảng 20 triệu đối tượng thụ hưởng, người viết đã nêu rõ quan điểm tại bài: Không thể để tiền cứu trợ “lạc lối, lầm đường” (10/4/2020).

Ở bài viết nói trên có dẫn phát biểu đáng chú ý của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung: “Việc triển khai số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng, quá trình triển khai khó tránh được sai sót dù nhỏ nhất. Nhưng không vì thế mà để những đồng tiền của người dân đi “lạc đường” như câu chuyện những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa đã xảy ra ở một số nơi, dù rằng đó là rất cá biệt. Đừng để những con Covid xấu ăn chặn của người dân…”.

Thế nhưng, kết quả thanh tra của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội về một số sai phạm liên quan đến công tác triển khai chương trình gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng cho thấy, vẫn có không ít nơi để xảy ra tình trạng “nhà giàu”, người nhà lãnh đạo xã lọt danh sách hộ cận nghèo, hộ nghèo (Thanh Hoá), cán bộ thôn chi thiếu tiền hỗ trợ cho người nghèo (Ninh Phước, Ninh Thuận)…

Rồi như ở huyện Lạc Sơn (Hoà Bình) cũng xác định tại 2 xã trên địa bàn có 12 cán bộ, đảng viên “lọt” danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để hưởng gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng (báo Người lao động, 23/5/2020).

Có cái gì mà người ta lại “tranh nhau” được “nghèo” như vậy? Như đã nói ở trên, trước mắt là trục lợi từ gói 62 nghìn tỷ đồng. Nhưng còn bởi, nếu được công nhận là hộ nghèo, cận nghèo thì sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi của Chính phủ về vay vốn; miễn, giảm học phí; được giảm các khoản đóng góp ở nông thôn và còn được hỗ trợ từ 50-100% bảo hiểm y tế. Chưa kể là các hỗ trợ gián tiếp khác từ y tế, giáo dục đến nhà ở…

Kết quả, người nghèo thật sự bị thiệt thòi, còn những người không hề nghèo lại ung dung xà xẻo ngân sách Nhà nước. Do vậy, thiết nghĩ, với những cán bộ “ăn không từ thứ gì” như vậy, cướp cả miếng ăn của người nghèo, cần phải bị xử lý nghiêm khắc chứ không thể kiểm điểm, kỷ luật khiển trách, cảnh cáo chung chung.

Chẳng hạn như tại xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.

“Trong đó, Ban Thường vụ huyện ủy Thiệu Hóa đã quyết định dừng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Thiệu Thành để chuẩn bị lại phương án nhân sự Đại hội, yêu cầu không tái cử cấp ủy đối với Bí thư Đảng ủy xã; đưa ra khỏi nhân sự đối với Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã và Bí thư Đoàn xã”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Than ôi, dẫu biết tiền là quý, nhưng hãy nhìn vào những người lao động phổ thông, những người công nhân vẫn mòn mỏi chờ cơ hội để được lao động, đổ mồ hồi sôi nước mắt… để biết tự trọng hơn. Tay làm thì hàm nhai, đừng bớt xén những phần hỗ trợ ít ỏi của những người nghèo hơn nữa, họ khổ lắm rồi!

Bích Diệp/DT

Tags :
Đọc nhiều