Sáng nay, Quốc hội chất vấn Thủ tướng Phạm Minh Chính
Sáng 8/11, sau khi trình bày Báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, trong ba đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, “Chính phủ không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn”.
Chất vấn Thủ tướng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khẳng định, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong 3 đột phá chiến lược và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vẫn còn chưa rõ cải cách quan trọng nhất và trọng tâm nhất ở đây là gì? Bên cạnh đó, thủ tục hành chính thì vẫn còn rườm rà và sức ì của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn là cản trở cho sự phát triển.
Vì vậy, đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là nếu được xếp thứ tự ưu tiên ba vấn đề quan trọng nhất trong thời gian tới thì Thủ tướng sẽ chọn vấn đề gì và giải pháp gì để xử lý những tồn tại, hạn chế nêu trên?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong ba đột phá chiến lược là thể chế, nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng, chính phủ không chọn ưu tiên nào trong 3 đột phá này “mà cần đảm bảo hài hòa, hợp lý phù hợp với hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn”.
“Chọn 3 đột phá chiến lược tức là chúng ta đã ưu tiên, nhưng chọn cái nào hơn cái nào thì theo tôi phải hài hòa, hợp lý, tháo gỡ được thể chế thì tháo gỡ được nguồn lực; phát triển được hệ thống hạ tầng thì tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa, giảm chi phí logistic, nguồn nhân lực là quan trọng. Cả 3 cái này chúng ta đều đang tiến hành và tôi nghĩ phải hài hòa, hợp lý. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn để chúng ta lựa chọn cái nào là ưu tiên, cái nào ưu tiên hơn và cái nào vẫn triển khai theo tinh thần của Đảng là 3 đột phá chiến lược”- Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng khẳng định có tình trạng, thủ tục hành chính rườm rà, chính là việc gây tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức xử lý công việc theo thẩm quyền của mình mà chúng ta cứ phê phán nhiều là đùn đẩy, sợ trách nhiệm, v.v..
“Chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, đối với cán bộ, công chức phải đảm bảo lợi ích tinh thần, vật chất cho họ. Trên cơ sở đó, họ đảm bảo được nhiệm vụ, chức trách được giao họ làm tốt hơn. Bên cạnh đó chúng ta cũng có các giải pháp về tư tưởng, phải giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình, doanh nghiệp, xã hội trong việc giải quyết các thủ tục hành chính và yêu cầu các bộ, các ngành rà soát lại các thủ tục.
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục vào cuộc. “Đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy cũng huy động cả hệ thống chính trị vừa là thúc đẩy, vừa là giám sát, vừa là động viên, vừa định ra những nhiệm vụ cơ bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Giải pháp căn cơ, tôi nghĩ vẫn là các giải pháp liên quan đến tinh thần trách nhiệm, năng lực cán bộ, xử lý cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng chế tài xử lý”- Thủ tướng nói.
Mạnh dạn phân cấp, phân quyền; không né tránh, đùn đẩy
Cũng về chỉ đạo, điều hành, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho biết, cử tri và dư luận xã hội rất vui mừng vì ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chủ trương tập trung nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực bộ máy và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, thực tiễn trong nhiều lĩnh vực vừa qua chưa thực sự đạt được mục tiêu như kỳ vọng.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết nguyên nhân, định hướng và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để thực hiện thành công chủ trương lớn trên?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, chủ trương đã rất rõ. “Chúng ta phải tăng cường phân cấp, phân quyền để phân định rõ hơn trách nhiệm của các cấp, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động của các cấp. Về nguyên lý là như vậy, tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận là như vậy. Chính quyền của chúng ta có chính quyền trung ương, chính quyền cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện, chính quyền cấp xã, ngoài ra còn có các các cơ quan gọi là cánh tay nối dài. Như vậy việc phân cấp, phân quyền rất quan trọng để chúng ta tăng tính linh hoạt, sáng tạo đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các cấp”- Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta cũng thấy việc phân cấp phân quyền, việc tổ chức thực thi chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân. Nguyên nhân như sau:
Thứ nhất là, chúng ta chưa thực hiện triệt để và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai là, các cơ quan trung ương, một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự muốn phân cấp, phân quyền trong quá trình xây dựng quy định của pháp luật.
Thứ ba là, năng lực cán bộ cũng có những hạn chế, bất cập, nhất là những việc lớn, việc mới chúng ta phân cấp, phân quyền xuống cũng có khó khăn.
Thứ tư là, việc đáp ứng các yêu cầu của người dân cũng liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Về giải pháp, Thủ tướng khẳng định, chính phủ sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc phân cấp, phân quyền. Phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra, nâng cao khả năng thực thi của cấp dưới, hoàn thiện thể chế, các cấp cũng phải mạnh dạn để thực hiện phân cấp, phân quyền, tránh né tránh, đùn đẩy.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu
Tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Kim Nhung – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong báo cáo của Thủ tướng đã nhấn mạnh: Sẽ kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính quy định về điều kiện kinh doanh mà gây khó khăn, tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đại biểu bày tỏ nhất trí cao với sự kiên quyết này của Chính phủ, tuy nhiên từ thực tế phản ánh của cử tri, đại biểu cũng ấn tượng với giải pháp của Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra, đó là quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, căn cơ để nhận diện đúng, trúng, kịp thời các mối quan hệ doanh nghiệp sân sau để có cơ sở thiết kế quy phạm pháp luật, tăng chế tài xử lý, hoàn thiện pháp luật liên quan.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, “Vấn đề là chúng ta nhận diện ra cũng đã có các chủ trương, định hướng của Đảng, các Nghị quyết, các kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị, v.v. bây giờ chúng ta phải cụ thể hóa để tổ chức thực hiện cho tốt, trên tinh thần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ này, quyết liệt thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật”.
Hiện đại hóa lực lượng nòng cốt về phòng cháy, chữa cháy
Theo Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của. Điển hình như vụ cháy “chung cư mini” tại quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như nào để chấn chỉnh tình trạng này?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết “Chúng ta cũng đã được chứng kiến những vụ cháy nổ rất thương tâm, từ karaoke và gần đây là chung cư mini, tình trạng này nhận diện ra và thực trạng cũng đã biết. Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cũng đã có những hành động để góp phần phòng chống, ngăn chặn việc này cụ thể”.
Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu, làm tốt công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nâng cao ý thức của người dân. Trong đó, đề cao hiểu biết và tham gia của người dân vào công tác phòng cháy, chữa cháy. Nâng cao kỹ năng khi có cháy xảy ra, bao gồm cả kỹ năng phòng và kỹ năng chống cháy.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Đầu tư cơ sở vật chất để khi xảy ra cháy, có thể xử lý được.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện công tác quy hoạch. “Phải quy hoạch cả phương tiện giao thông, quy hoạch cả vấn đề sử dụng nguồn nước khi phòng cháy, chữa cháy”-Thủ tướng nói.
Thu hút sự tham gia của người dân, của tổ dân phố, các tổ chức chính trị xã hội cũng phải vào cuộc, vừa phòng, vừa chống.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh “phải hiện đại hóa các lực lượng nòng cốt phòng cháy, chữa cháy”.
Bích Vân