Việt Nam sẽ lập 80 trường đào tạo lao động chất lượng cao

11/11/2021 08:09

Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội, các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

[youtube]https://www.youtube.com/watch?v=981SBtNiqcA[/youtube]

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về các vấn đề xoay quanh việc thực hiện các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19,…

Lập 80 trường đào tạo lao động chất lượng cao

Đại biểu nêu thực trạng đang có làn sóng “di chuyển kép” – người lao động về quê tránh dịch, một bộ phận lao động chân tay đơn thuần bị đảo thải trong cuộc cách mạng công nghệ. Vậy vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động thời gian tới được sẽ được thực hiện như thế nào? Làm sao trong thời gian ngắn để người lao động ngang tầm ASEAN?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Dung bày tỏ đồng tình về làn sóng kép người lao động rời thành phố. Ông thừa nhận, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Việt Nam còn thấp. Theo dự báo, thời gian tới, 30% công việc yêu cầu kỹ năng lao động phải nâng lên.

Chúng ta đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 40-45% lao động có chứng cử, bằng cấp đào tạo, Bộ trưởng cho rằng, đây là chỉ tiêu rất khó, phải quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc đào tạo tại doanh nghiệp mới làm được.

Về chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao, Bộ trưởng cho biết, Trung ương đã đồng ý chủ trương lập 80 trường đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, tập trung vào những ngành, lĩnh vực đang thiếu lao động, phân bố ở 3 khu vực trọng tâm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, đào tạo nghề cũng sẽ được thiết kế theo hướng mở, học tập suốt đời; triển khai hợp tác công tư trong đào tạo nghề. Việc này có ý nghĩa quan trọng khi nhà nước xác định con người là trung tâm, là động lực cho phát triển.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 5 năm tới, ngành giáo dục cũng như hệ thống đào tạo nghề phải đạt được bước tiến nổi bật so với hiện tại.

Mô hình “3 tại chỗ” chỉ phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Về vấn đề sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, Bộ trưởng cho biết, trước Việt Nam, các nước Singapore, Malaysia đã áp dụng mô hình này. Sau đó, khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, 2 địa phương này cũng đã áp dụng.

Tuy nhiên, nhà nước không áp đặt mô hình với doanh nghiệp mà điều hành trên nguyên tắc đảm bảo an toàn mới sản xuất để doanh nghiệp và địa phương chủ động lựa chọn.

Bộ trưởng nêu quan điểm: “Mô hình này chỉ đúng với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan điểm cá nhân của tôi là không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp. Tôi cũng có đọc các kiến nghị và thấy mô hình này chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải vì chi phí để vận hành rất lớn”.

Chủ tịch Quốc hội: “Phải xác định rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân”.

Lao động về quê tránh dịch, trách nhiệm quản lý Nhà nước như thế nào?

Trả lời chất vấn của của đại biểu về trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu? Có sự lúng túng, bị động và không khi nhiều lao động từ các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch? Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, Bộ LĐTBXH có một phần trách nhiệm chứ không phải chịu trách nhiệm chính, vì vấn đề này còn liên quan liên quan đến cả việc di dân, vấn đề an ninh, trật tự, đi lại… liên quan rất nhiều bộ, ngành…

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, làn sóng lao động rời bỏ TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần, mà là ba lần và theo số liệu của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thì con số này vào khoảng 3 triệu người. Đây là ý kiến đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và những ý kiến của cử tri đã được tổng hợp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn đại biểu Quốc hội gửi về Kỳ họp thứ Hai.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, từ nay cho đến kết thúc phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ tranh thủ báo cáo giải trình, làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và trước cử tri.

“Chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân vì sao, trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan như thế nào, nhất là trách nhiệm của Nhà nước đối với dân”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này. Thứ hai là giải quyết sinh kế là việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh. Quan trọng hơn nữa là qua việc này chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo.

“Chúng ta có cam kết là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không, nhất là khi tình hình dịch bệnh đang rất khó lường? Chúng ta không được chủ quan, cần phải thảo luận về các nguyên nhân và trách nhiệm giải quyết các vấn đề sắp tới như thế nào và cần làm gì để không tái diễn thực trạng trên? Trách nhiệm của chính quyền Trung ương và cả chính quyền địa phương nơi có lao động rời đi và địa phương trở về và cách thức tổ chức nhận lại lao động như thế nào? Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Làm gì để kéo 1,3 triệu lao động trở lại làm việc?

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lực lượng lao động trở về quê trong đợt dịch thứ tư là tương đối lớn, có ý kiến khác nhau về số liệu nhưng sau khi đã nghe và xem trực tiếp tổng kết tất cả báo cáo của các địa phương cùng với thống kê tiến hành rà soát, phân loại ban đầu thì con số chính thức lao động về quê của chúng ta khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TPHCM, Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê.

Qua khảo sát và làm việc với các tỉnh phía Nam cho thấy khoảng 30% người dân các địa phương đã về quê có nhu cầu quay trở lại TPHCM và các tỉnh phía Nam làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác, còn lại phần đông là muốn ở lại quê. Nhưng trong số ở lại quê thì cũng chỉ có khoảng 40% muốn có công việc tại quê.

Trên cơ sở đó, Bộ đã liên hệ và sau khi trao đổi với các địa phương thì thấy có ba vấn đề lớn. Thứ nhất, các địa phương cùng với TPHCM và các tỉnh lân cận, vùng kinh tế trọng điểm có kết nối để vận động, thuyết phục, giới thiệu người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ hai, các địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm. Đơn cử như tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã giới thiệu người lao động về quê đi làm việc ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam. Riêng Bắc Giang, cho đến thời điểm này đã tăng hơn 50 nghìn lao động so với thời điểm trước dịch.

Thứ ba, là tạo việc làm tại chỗ, như Quảng Trị, Quảng Nam tiếp nhận toàn bộ những công nhân nghề may và một số lĩnh vực khác cho công nhân làm việc tại địa phương mình.

Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung triển khai các chính sách như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động có thể ổn định, tạo công việc mới ở địa phương.

Vì sao chính sách hỗ trợ chưa đồng đều, có nơi có, có nơi không?

Liên quan đến kết quả triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 42/NQ-CP, trong Nghị quyết 68, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phải tạo ra sự linh hoạt cho địa phương.

Vì vậy, sau khi khảo sát, đánh giá, Bộ mới đưa ra đề xuất một chính sách như chỉ quy định sàn mức hưởng cho lao động tự do, còn đối tượng và mức như thế nào là do địa phương xem xét, quyết định trên cơ sở ngân sách cũng như đối tượng cụ thể.

Thực tiễn, nếu năm 2000 chúng ta chỉ hỗ trợ được 1 triệu người, thì với Nghị quyết 68 đã có 56 tỉnh, thành phố báo cáo đã hỗ trợ cho 12,99 triệu lao động tự do, kinh phí tới 16,99 nghìn tỷ đồng.

Nhưng vì sao chính sách hỗ trợ chưa đồng đều, có nơi được có nơi không?

Bộ trưởng cho rằng, điều này phụ thuộc vào quy định chính sách, ngân sách của địa phương, người lao động có nằm trong nhóm mà địa phương quy định hay không. Có những địa phương ngân sách dự phòng không còn, do đó chưa hỗ trợ hoặc chậm hỗ trợ lao động tự do cũng là một nguyên nhân.

Bộ trưởng cho biết, sau khi tổng kết Nghị quyết 68 sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể điều chỉnh những vấn đề chính sách cho phù hợp hơn.

Mạnh An