“Sân sau” của Nga bị “chọc thủng” trước đòn chính sách của ông Biden?
Nga có thể không hoan nghênh hướng đi trong các chính sách của chính quyền ông Biden, nhưng dự đoán có một sự thay đổi đáng kể sau 4 năm cầm quyền của ông Trump.
Theo Conversation, trước thông báo chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân Chủ Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, Nga im lặng.
Tổng thống Nga, Vladimir Putin, vẫn chưa chính thức chúc mừng tổng thống đắc cử Mỹ.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, đối thủ chính trị của ông Putin, Alexei Navalny, đã nhanh chóng tweet lời chúc mừng tới người thắng cử, dí dỏm nhận xét rằng cuộc bầu cử tự do và công bằng là một “đặc ân không phải quốc gia nào cũng có”.
Sự im lặng của Nga trong mùa bầu cử năm nay hoàn toàn trái ngược với sự nhiệt tình Nga từng dành cho chiến thắng của ông Trump vào năm 2016.
Những hộp đường có hình khuôn mặt ông Trump và có cửa hàng thậm chí giảm giá 10% cho bất kỳ người Mỹ nào tới mua vào ngày ông Trump nhậm chức.
Vladimir Zhirinovsky, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do của Nga còn xuất hiện trong hình ảnh uống sâm panh với các thành viên trong đảng để ăn mừng chiến thắng bầu cử của ông Trump.
Sự im lặng của ông Putin không có gì đáng ngạc nhiên. Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden mô tả Nga là “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh và liên minh của Mỹ. Ông hứa sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh của các nền dân chủ để hợp lực chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài trên khắp thế giới.
Điện Kremlin có thể không hoan nghênh hướng đi dự kiến trong các chính sách của chính quyền ông Biden, nhưng dự đoán có một sự thay đổi đáng kể sau 4 năm cầm quyền nhiều biến động của ông Trump.
Có hai vấn đề nổi bật đối với Nga trong sự thay đổi sắp tới trong Nhà Trắng: Cam kết của ông Biden trong việc đưa nền dân chủ trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và mong muốn cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Nato, củng cố liên minh Euro-Đại Tây Dương của tổng thống đắc cử. Điện Kremlin coi cả hai điều này là những thách thức tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của mình.
Ngưỡng cửa của những bất an
Lời hứa của ông Biden về việc quay trở lại chính sách đối ngoại dựa trên các giá trị dân chủ phương Tây sẽ khiến Điện Kremlin bất bình.
Có thể Nga nhìn nhận nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ có chủ ý nhằm làm suy yếu các quốc gia đối thủ. Điện Kremlin tin rằng công việc nội bộ của Nga có thể trở thành mục tiêu tấn công của phương Tây.
Trong những tháng gần đây, các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và các cuộc nổi dậy phổ biến ở Belarus, Kyrgyzstan và gần đây nhất là Gruzia, cũng như giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan về lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh tác động lớn đến nền chính trị Nga.
Belarus có thể trở thành tâm điểm cho cuộc đối đầu giữa Washington và Moscow. Ông Biden đã chỉ trích sự im lặng của chính quyền Trump trước sự bạo lực của chính quyền Lukashenko. Ông Biden hứa sẽ sát cánh với người dân Belarus và ủng hộ nguyện vọng dân chủ của họ cũng như mở rộng đáng kể các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ Lukashenko.
Belarus là một đồng minh quan trọng của Nga và việc ông Putin cam kết hỗ trợ tài chính, quân sự cho chính quyền Lukashenko khiến Nga rơi vào thế đối đầu với Mỹ. Điện Kremlin khó có thể tiếp tục hoạt động nếu chính quyền ông Biden tăng cường hỗ trợ các nhóm đối lập.
Tăng cường mở rộng NATO
Thách thức cốt lõi thứ hai đối với chính sách đối ngoại của Nga liên quan đến NATO. Moscow đã liên tục lên tiếng phản đối việc NATO mở rộng ảnh hưởng phạm vi toàn cầu. Moscow cho rằng liên minh vốn là “di tích” của Chiến tranh Lạnh sẽ đe dọa lợi ích quốc gia của Nga.
Sự mở rộng của NATO được xác định là rủi ro chính đối với an ninh quốc gia Nga, theo học thuyết quân sự năm 2014 của Điện Kremlin.
Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2015 của Nga cũng đề cập đến NATO, bao gồm cả việc liên minh này phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở biên giới với Nga.
Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông Biden đã lên tiếng ủng hộ việc mở rộng NATO. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden cũng nói rất rõ về mong muốn của mình trong việc cải thiện mối quan hệ của Mỹ với NATO.
Nga và các nước láng giềng thời hậu Xô Viết khó có thể tạo thành các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden sắp tới.
Nhưng, một số ưu tiên của chính quyền sắp tới, chẳng hạn như củng cố sức mạnh của NATO và thúc đẩy dân chủ là những thách thức đối với Moscow.
Việc “án binh bất động” của chính quyền Trump trong khu vực hậu Xô Viết vốn được Moscow giải thích là không quan tâm có khả năng được thay thế bằng một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn nhiều.
Điều này cho thấy, quan hệ giữa Moscow và Washington có thể trở thành đối kháng và đối đầu hơn, khi Mỹ tăng cường can dự vào sân sau của Nga.
Vũ Thu Hương/NDT