128036
category
430135

Sàn giao dịch Blockmax: Chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư?

15/09/2020 19:04

Nhiều nhà đầu tư đã đi vay mượn, gom góp được hàng tỷ đồng, dùng mua đồng tiền ảo Etherum (ETH) và đồng Bitcoin (BTC) theo lời tư vấn của các “cò mồi”, sau đó đem quy đổi ra đồng OCB trên sàn giao dịch Blockmax, tại địa chỉ blockmax.io.

Mới đây, nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt ký tên gửi đơn đến cơ quan báo chí tố cáo về chiêu trò lừa đảo tiền tỷ của tập đoàn tài chính OCB.

Sàn giao dịch Blockmax: Chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư? - Ảnh 1.
Sàn giao dịch Blockmax, tại địa chỉ blockmax.io

Tin lời “cò mồi”, tiền mất tật mang

Cụ thể, theo chị Nguyễn Thị Tuyết (TP. Hà Nội), một trong những nhà đầu tư phản ánh thì chị và nhóm đầu tư nêu trên đã bị La Đức Quỳnh (sinh năm 1981) cùng Đàm Văn Quang (sinh năm 1983) và Lê Thị Thu Hạnh (sinh năm 1982, ngụ tòa nhà CT4, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) tư vấn và lôi kéo để đầu tư vào đồng tiền ảo OCB, với khoản lợi nhuận hứa hẹn vô cùng hấp dẫn.

Chị Tuyết và nhóm đầu tư đã đi vay mượn, gom góp được gần 500 triệu đồng, dùng mua đồng tiền ảo Etherum (ETH) và đồng Bitcoin (BTC) theo lời tư vấn của các “cò mồi”, sau đó đem quy đổi ra đồng OCB trên sàn giao dịch Blockmax, tại địa chỉ blockmax.io.

Sau đợt “rót vốn” đầu tiên, nhóm của chị Tuyết được Quang giới thiệu tới Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1986, ngụ TP HCM) là người phụ trách tài chính của OCB. Người này là đầu mối tiếp nhận thông tin và làm việc chủ yếu với nhóm chị Tuyết.

Theo đó, trong những đợt đầu tư tiếp theo, nhóm chị Tuyết đều chuyển tiền qua số tài khoản 19035113620012, chủ tài khoản Nguyen Thanh Tuan, thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Đồng thời, toàn bộ việc nhận hoa hồng, lợi nhuận hàng tháng đều do Tuấn tiếp nhận và gửi qua bộ phận kỹ thuật của OCB xử lý.

Sàn giao dịch Blockmax: Chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư? - Ảnh 2.
Nhiều người chuyển hàng tỷ đồng qua tài khoản của Nguyễn Thanh Tuấn.

 

Hòng củng cố niềm tin của nhóm đầu tư chị Tuyết, Tuấn tiếp tục kết nối cho nhóm đến gặp Phạm Văn Tâm, người được giới thiệu chức danh Chủ tịch của tập đoàn OCB. Tại buổi gặp gỡ, Tâm chia sẻ thêm về các chính sách hoa hồng, lợi nhuận khủng, cùng loạt hứa hẹn về tương lai của khoản đầu tư. Bên cạnh đó, Phạm Văn Tâm còn khẳng định về việc chi trả hoa hồng, lợi nhuận một cách đều đặn.

“Chúng tôi mờ mắt tham lam, nên đầu tư thêm với tổng số tiền lên đến chục tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều được chuyển vào tài khoản của Tuấn”, chị Tuyết ngậm ngùi.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhận được khoản chi trả hoa hồng một thời gian thì tập đoàn tài chính OCB quyết định dừng việc chi trả lợi nhuận cho nhóm của chị Tuyết, với lý do… dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Nhưng công ty vẫn động viên nhóm tiếp tục tin tưởng, đồng hành và giới thiệu nhà đầu tư mới cho công ty.

“Chúng tôi cố gắng chờ theo hứa hẹn của tập đoàn tài chính OCB, nhưng không ngờ rằng tài khoản trên blockmax.io của chúng tôi bị khóa ID, không truy cập được nữa”, chị Tuyết nói.

Đến lúc này, nhóm mới liên hệ làm việc với Nguyễn Thanh Tuấn và Phạm Văn Tâm, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. “Hiện nay nhóm đầu tư đang rất hoang mang, lo sợ khoản đầu tư chục tỷ đồng đã “không cánh mà bay”, viễn cảnh phải cầm cố nhà cửa, xe cộ để trả nợ hiện rõ ra trước mắt”, chị Tuyết đãi đằng.

Ở trong một hoàn cảnh tương tự, chị Đặng Thị Thảo (TP. Hà Nội) cũng là một nạn nhân của cặp đôi chuyên viên tư vấn của OCB – Đàm Văn Quang và Lê Thị Thu Hạnh. Cả tin vào những lời hứa hẹn mơ hồ về lãi suất, chị Thảo giấu chồng đem 1 tỷ đồng đầu tư vào blockmax.io, và rủ rê thêm vài người bạn cùng chung “chí hướng”, tổng cộng số tiền đầu tư của nhóm chị Thảo là vài chục tỷ đồng.

Hiện tại, tài khoản của chị Thảo và nhóm bạn cũng đã bị khóa trên blockmax.io và không nhận được bất kỳ một lời đảm bảo nào từ phía tập đoàn tài chính OCB.

Có thể thấy, đây là hành vi có chủ đích của tập đoàn tài chính OCB, khi tập đoàn này “bình chân như vại” trước các trường hợp của nhóm đầu tư nêu trên, ngoài ra còn tiếp tục “dụ dỗ” thêm các nhà đầu tư mới bằng loạt chương trình ưu đãi bạt ngàn như tặng thêm ô tô hoặc tăng mức chiết khấu khủng…

Sàn giao dịch Blockmax: Chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư? - Ảnh 4.
Nhiều nhóm trên mạng xã hội được lập để thảo luận hình thức giao dịch đồng tiền ảo OCB

 

Lập nhiều nhóm “cùng làm giàu” trên mạng xã hội

Theo tìm hiểu, người đứng đầu sàn tiền ảo OCB là Phạm Văn Tâm (sinh năm 1983, quê Thanh Hóa, hiện đang sinh sống tại TP. HCM). Để “lùa gà”, Tâm đã chủ động bỏ tiền ra để mua vé máy bay và chi phí ăn ở cho các nhà đầu tư tiềm năng tới tham dự các chương trình diễn giải về tiền ảo OCB tại Singapore.

Bên cạnh đó, Tâm tổ chức nhiều lớp đào tạo đầu tư tài chính dưới hình ảnh của tập đoàn OCB, chủ yếu ở các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa… để thu hút học viên – đối tượng đầu tư tiềm năng. Và “giảng viên” chính của các lớp đào tạo này, không ai khác là Đàm Văn Quang và Lê Thị Thu Hạnh.

Ngoài ra, tập đoàn tài chính OCB còn lập nhiều nhóm trên mạng xã hội để giao dịch đồng tiền ảo OCB. Qua thâm nhập thực tế, Dân Việt nhận thấy các hội nhóm này tương tác rất sôi nổi, lưu lượng giao dịch lớn với hàng loạt mức giá được đưa ra.

Tuấn Quang (nhà đầu tư đang phát triển hệ thống – PV) cho biết, hiện tại công ty đang trong giai đoạn lending, tức là nhà đầu tư mua OCB trên các sàn giao dịch, sau đó gửi lại vào ví điện tử do tập đoàn này cung cấp.  Đây là một hình thức tập đoàn OCB vay lại chính đồng coin của mình phát hành, sau đó trả lãi hàng ngày cho nhà đầu tư.

“Có nhiều gói đầu tư, với mức lãi suất khác nhau. Ví dụ, gói đầu tư thấp nhất là 5.000 USD, tương đương 455 đồng OCB (1 OCB = 11 USD), nhà đầu tư sẽ nhận được khoản lãi 0,3% giá trị gói đầu tư mỗi ngày. Tương tự, gói đầu tư cao nhất là 500.000 USD có mức lãi suất 1,2%/ngày”, Quang cho hay.

Hiện nay, đồng OCB đang được giao dịch trên 2 sàn tiền điện tử, đó là Latoken và Coinbene. Nhà đầu tư sẽ mua đồng OCB trên đây, sau đó chuyển vào ví OCB theo hướng dẫn. Mọi khoản lãi nhận được hàng ngày cũng thông qua ví điện tử này.

Khi được hỏi về việc một số nhà đầu tư phản ánh bị khóa tài khoản trên trang blockmax.io, Tuấn Quang cho biết, dự án Blockmax thuộc giai đoạn ICO của tập đoàn, nghĩa là giai đoạn đầu tiên khi đồng OCB chưa được niêm yết tại bất kỳ sàn giao dịch nào, nhà đầu tư sẽ thu mua trực tiếp từ chính tập đoàn. Tuy nhiên, giai đoạn này đã qua khá lâu, đồng nghĩa với việc blockmax không còn được sử dụng !?

Tuấn Quang cho biết thêm, ở Việt Nam tập đoàn OCB không có bất kỳ phòng giao dịch nào để làm việc với nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tham gia dự án sẽ tự phát triển theo hình thức kêu gọi thêm các nhà đầu tư khác tham gia, để hưởng mức chiết khấu. Cụ thể, nhà đầu tư F0 trực tiếp kêu gọi nhà đầu tư F1 tham gia, thì sẽ hưởng 5% giá trị của gói đầu tư đó. Nhà đầu tư F1 kêu gọi nhà đầu tư F2, thì F0 vẫn được hưởng 4% gói đầu tư của F2. Tương tự, mức chiết khấu cho F3 là 3% và F4 là 1%…

Điều này đặt ra câu hỏi rằng, liệu những đồng OCB đang được kinh doanh trên đó có phải là tiền mà chính các nhà đầu tư bị khóa tài khoản, sau đó nhà quản lý các tài khoản này của Tập đoàn tài chính OCB đem đi rao bán?

Đây là một chiêu thức lừa đảo khá an toàn cho các đối tượng. Bởi khi kêu gọi các nhà đầu tư bỏ tiền vào để mua đồng tiền ảo do tập đoàn này tạo nên, người đầu tư không hề ký kết một hợp đồng kinh tế đầu tư tài chính nào.

Sàn giao dịch Blockmax: Chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhà đầu tư? - Ảnh 5.
Các nhà đầu tư đứng trước viễn cảnh mất tiền thật vì mua tiền ảo

 

Trong khi đó, người đầu tư tiếp cận đồng tiền ảo OCB này qua những người quen thân, sau đó được tư vấn về cơ chế hoạt động, cơ chế chi trả hoa hồng, tiền lãi được hưởng. Nếu đầu tư, người đầu tư sẽ được cung cấp trang web blockmax.io để dùng tiền thật mua các đồng tiền ảo như: ETH, Bit, Usdt.

Hiện tại, có rất nhiều người đang rơi vào tình trạng mang tiền thật đi mua tiền ảo, sau đó bị khóa tài khoản giao dịch và bị chiếm đoạt tài sản. Trên mạng xã hội cũng có nhiều người đang rất bức xúc với chế độ chi trả hoa hồng cũng như các chương trình mà OCB đưa ra. Tất cả họ đều cho rằng đây là một hình thức dụ dỗ, lừa đảo các nhà đầu tư của tập đoàn tài chính OCB.

Do đó, rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ những đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật. Và đây cũng là bài học đắt giá cảnh tỉnh cho những ai ham lợi, để rồi tiền mất tật mang.

(Tên các nhà đầu tư đã được thay đổi)

Luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hiện nay, luật pháp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xem xét, chưa cho giao dịch các loại tiền ảo, Do vậy, mọi giao dịch liên quan đến tiền ảo đều không hợp lệ, hợp pháp.

Liên quan đến các giao dịch này, theo luật sư Thái, trên thị trường đang tồn tại nhiều hình thức đa cấp biến tướng, đa cấp huy động vốn, nếu như nhà đầu tư không tỉnh táo, hiểu biết cũng như “mờ mắt” trước lãi suất được mời chào rất dễ trở thành con mồi cho các đối tượng lừa đảo.

Bản chất của hệ thống này chính là lấy tiền của người sau, trả cho người trước mà không có hoạt động kinh doanh cụ thể nào. Đặc biệt, các đối tượng thường lấy các địa chỉ trang web và tài khoản ở nước ngoài, nên khi xảy ra sự cố, người đầu tư rất khó đòi hỏi được lại quyền lợi của mình.

“Mình giao tiền thật cho người ta mua một cái mơ hồ, một cái lung tung, một đồng tiền ảo mà không được nhà nước thừa nhận. Bỏ tiền thật ra để mua tiền ảo, nhận về những lời hứa hẹn, nhận về lãi suất trong tương lai, phần lớn những trường hợp như vậy là lừa đảo”, luật sư Thái nhận định.

Ngọc Minh/DV

Tags :
Đọc nhiều