Sân bay Việt Nam tiếp tục lọt top thế giới, mừng nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng
Vừa qua, hãng Skytrax đã công bố kết quả Giải thưởng Sân bay Thế giới 2024 (Skytrax World Airport Awards), trong đó liệt kê 100 sân bay tốt nhất thế giới theo bình chọn của du khách toàn cầu. Giải thưởng năm nay đánh dấu sự thăng hạng của hai sân bay của Việt Nam là Nội Bài và Đà Nẵng.
Skytrax World Airport Awards 2024 được coi như “giải Oscars” của ngành hàng không, bắt đầu từ năm 1999, khi Skytrax tiến hành cuộc khảo sát hài lòng khách hàng sân bay toàn cầu đầu tiên của mình. Đây được xem là một tiêu chuẩn chất lượng cho các sân bay trên toàn thế giới, đánh giá dịch vụ khách hàng và cơ sở vật chất tại hơn 500 sân bay. Không có phí tham gia hoặc bất kỳ hình thức thanh toán nào từ sân bay (hoặc bên thứ ba khác) trong quá trình khảo sát. Hành khách từ khắp nơi trên thế giới tham gia vào cuộc khảo sát sân bay để quyết định các giải thưởng, bảo đảm khách quan, minh bạch.
Bảng xếp hạng của Skytrax được đưa ra dựa trên ý kiến của hàng triệu hành khách tới từ hơn 100 quốc gia đối với hàng loạt các tiêu chí cụ thể về chất lượng dịch vụ tại các nhà ga hành khách quốc tế, độ thuận tiện, thoải mái, khả năng ngôn ngữ, thái độ phục vụ của nhân viên,…
Năm nay, sân bay Đà Nẵng xếp thứ 94, cải thiện 17 bậc từ vị trí 111 trong bảng xếp hạng năm 2023. Trong khi đó, Sân bay Nội Bài xếp thứ 96, thăng hạng từ vị trí 127 trong bảng xếp hạng năm ngoái. Với kết quả này, Nội Bài đã vượt qua những sân bay nổi tiếng của Mỹ, Đức, Trung Quốc để chính thức bước vào top 100 trong bảng xếp hạng của Skytrax.
Đây là những kết quả có thể nói là rất ấn tượng đối với các cảng hàng không Việt Nam, đặc biệt là với Nội Bài. Còn nhớ, một thập kỷ trước, Nội Bài từng hứng chịu rất nhiều sự phê bình từ hành khách và bị xếp hạng một trong 10 sân bay tệ nhất châu Á. Hàng loạt những vấn đề được chỉ ra như hệ thống điều hòa không đủ, các khu vực vệ sinh thiếu sạch sẽ, thiếu bảng chỉ dẫn thông tin, thiếu ghế ngồi, xe đẩy…
Khi đó, tuy đánh giá một phần nguyên nhân do tình trạng quá tải khi công suất 9 triệu hành khách nhưng phải tiếp đón hơn 14 triệu lượt khách, lãnh đạo sân bay Nội Bài đã thể hiện tinh thần cầu thị và tích cực cải thiện. Chỉ một năm sau khi nhận được đánh giá tiêu cực, sân bay Nội Bài đã vương lên thứ hạng 28 trong các sân bay tốt nhất Châu Á.
Ngoài hạ tầng, Cảng hàng không (CHK) Nội Bài đã chuẩn bị về nguồn nhân lực. Từ năm 2013 đến năm 2014 CHK đào tạo nhân viên, đồng thời giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chặt chẽ, các trường hợp nhân viên tiếp xúc với khách hàng không đạt tiêu chuẩn đều buộc phải làm lại. Đáng ghi nhận nhất là việc dù đã cải thiện vượt bậc trên bảng xếp hạng, lãnh đạo CHK Nội Bài luôn khẳng định “tự cảm thấy chưa làm tốt toàn bộ nên vẫn còn ý kiến chê và cố gắng để ý kiến khen ngày càng nhiều hơn và chê ngày càng ít hơn”.
Đến nay, CHK Nội Bài đã lần thứ 6 có mặt trong Top 100 Sân bay tốt nhất không chỉ của châu Á mà toàn thế giới. Điều đó cho thấy tinh thần cầu thị, lắng nghe luôn là chìa khóa cho mọi thành công, dù là ngành dịch vụ hay sản xuất, kinh doanh. Ở một góc độ, cảng hàng không là một trong những “bộ mặt” đầu tiên của một địa phương, quốc gia trong mắt du khách quốc tế. Điều đó càng khiến việc xây dựng và gìn giữ hình ảnh đẹp trong lòng du khách càng phải được chú trọng. Nội Bài như vậy đã thể hiện được vị thế CHK của Thủ đô, phản ánh chân thực gương mặt của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, điều quan trọng là các CHK không vì những thành tích và đánh giá cao mà “ngủ quên trong chiến thắng”, nếu không muốn mất đi vị thế đang có của mình. Dù đã vượt qua được các sân bay nổi tiếng của các cường quốc, chúng ta cũng không quên rằng điều quan trọng không phải là thứ hạng, thành tích mà là chất lượng dịch vụ mà CHK mang lại. Các CHK lớn đều luôn nỗ lực cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, do đó vị trí top 100 của Nội Bài và Đà Nẵng hoàn toàn có thể bị soán ngôi nếu chỉ dậm chân tại chỗ.
Theo kế hoạch, Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài sẽ được mở rộng để nâng công suất thêm 5 triệu hành khách mỗi năm. Dự án hoàn thành năm 2026 sẽ nâng tổng công suất của sân bay Nội Bài lên 30 triệu hành khách (hiện là 25 triệu). Đơn vị chủ quản đang mở rộng sân đỗ máy bay trước khi khởi công mở rộng nhà ga T2. Quy hoạch tổng thể sân bay Nội Bài hiện đã được tư vấn quốc tế (ADPi) nghiên cứu thông qua nguồn vốn tài trợ của Chính phủ Pháp, đến nay về cơ bản đã hoàn thành. Bộ GTVT đang phối hợp với Hà Nội rà soát, thống nhất phương án quy hoạch và thẩm định, phê duyệt trong năm 2024.
Tại sân bay Đà Nẵng, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã chuẩn bị nguồn lực để đầu tư mở rộng Nhà ga hành khách T1 và xây mới Nhà ga T3 sau khi quy hoạch sân bay này được phê duyệt. Quy hoạch sân bay này do tư vấn trong nước thực hiện, cơ bản đã hoàn thành. Bộ GTVT đề nghị Chính phủ Australia tài trợ, lựa chọn đơn vị tư vấn quốc tế rà soát, dự kiến phê duyệt quy hoạch năm 2024.
Bên cạnh mở rộng quy mô, nâng cao nghiệp vụ của nhân viên điều cần được chú trọng phát triển. Cảng hàng không Nội Bài đã có thành tựu trong việc đào tạo nhân viên và quản lý chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, việc liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ chuyên nghiệp sẽ giúp duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, trong tương lai, các CHK có thể sẽ cần thêm khả năng giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ, đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả các yêu cầu của hành khách, cũng như cung cấp thông tin chính xác và dễ hiểu về các dịch vụ và tiện ích của sân bay.
Ngoài ra, Cảng hàng không Nội Bài có thể tăng cường hợp tác với các hãng hàng không, đối tác dịch vụ và cơ quan chính phủ để cải thiện chất lượng và phát triển bền vững.
Đổi mới và áp dụng công nghệ: Sử dụng công nghệ thông tin và tự động hóa để tối ưu hóa quy trình làm việc và cải thiện trải nghiệm của hành khách. Điều này có thể bao gồm việc áp dụng trí tuệ nhân tạo, Internet of Things (IoT) và phát triển ứng dụng di động.
Những nỗ lực không ngừng này sẽ giúp Cảng hàng không Nội Bài tiếp tục duy trì vị thế trong top 100 sân bay tốt nhất thế giới và đáp ứng được mong muốn của hành khách ngày càng cao về chất lượng dịch vụ và trải nghiệm tại sân bay.
Hạnh Văn