TP.HCM đang trải qua những ngày cao điểm của dịch bệnh. Cảng hàng không nhộn nhịp nhất cả nước cũng không thoát khỏi cảnh tượng ảm đạm đến xót xa.
Trái ngược với hình ảnh nhộn nhịp, xe cộ nối đuôi nhau trả/đón khách, khu vực trước cửa Ga quốc nội – sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua vắng lặng như tờ.
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng bay đi/đến tại các cảng hàng không tiếp tục giảm mạnh, đạt 122.000 chuyến, giảm 5,9% so với cùng kỳ 2020. Lượng khách thông qua các cảng hàng không đạt 25,5 triệu, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2020.
Từ khoảng nửa cuối tháng 5 đến nay, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến hết sức phức tạp. Số ca nhiễm tăng nhanh, lây lan ra nhiều quận, huyện khiến một số địa phương đã ban hành quyết định giảm số chuyến bay đến/đi từ TP.HCM. Sân bay Tân Sơn Nhất từ đó rơi vào cảnh vắng lặng chưa từng thấy.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong năm 2020, 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo lỗ khoảng 16.000 tỉ đồng. Đến nay, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỉ đồng (riêng VNA 20.000 tỉ đồng). Để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỉ đồng/ngày. Trong khi đó, đợt bùng phát dịch lần 3 và thứ 4 vào dịp cao điểm tết cổ truyền và hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5 và tháng 6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) làm các hãng càng suy kiệt.
Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) dự báo các hãng hàng không đang vật lộn với các khoản lỗ từ cú sốc năm 2020 sẽ phải tiếp tục gồng mình chống đỡ với sự ảm đạm của thị trường và các gánh nặng tài chính đang mang và có thể sẽ cần hai đến ba năm để thị trường hồi phục trở lại trạng thái bình thường.
Hà Mai