Sân bay Long Thành tạo động lực phát triển kinh tế phía Nam

26/05/2020 18:11

Sân bay quốc tế Long Thành nhận mức đầu tư lớn, được xem là động lực phát triển cho Đồng Nai, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Với tổng diện tích đất 25.000 ha, riêng cảng có diện tích 5.000 ha, mức đầu tư khổng lồ, dự án sân bay quốc tế Long Thành được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ và tiện ích phụ trợ, trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia và khu vực.

Cơ sở hạ tầng, vùng phụ trợ phát triển đồng bộ

Thực tế, các sân bay quốc tế lớn trên thế giới đều được quy hoạch bài bản nhằm đảm bảo an toàn cũng như tạo ra một hệ sinh thái đồng bộ cho kinh tế khu vực. Trong bán kính 5 – 10km tính từ sân bay tập trung các doanh nghiệp kinh doanh, các khu công nghiệp phụ trợ thuộc nhiều ngành công nghệ cao, nhóm ngành logistic, kho bãi…

Tiếp giáp vùng phụ trợ sân bay là các thị trấn và khu dân cư, các đô thị mới, các khu tái định cư. Tiếp đó là vùng tập trung để phát triển dịch vụ, thương mại và vui chơi giải trí. Diện tích còn lại dùng để phủ xanh cũng như phát triển nông – lâm nghiệp và an ninh quốc phòng.

Điển hình xung quanh sân bay Istanbul, vùng Arnavutkoy (Thổ Nhĩ Kỳ) có hơn 120 cơ sở công nghiệp hoạt động. Còn vùng Frankfurt-Flughafen là khu vực phục vụ riêng cho sân bay Frankfurt, Đức, với dân số thấp nhất bang Hessen (218 người, năm 2010) nhưng lại có hơn 70.000 lao động, gấp 320 lần dân số vùng cùng 500 doanh nghiệp, 5 KCN lớn.

Quận Đại Hưng – nơi sở hữu sân bay quốc tế Bắc Kinh Đại Hưng (Trung Quốc) tập trung tới 8 KCN quy mô cấp quốc gia của Bắc Kinh. Riêng với sân bay Incheon, Hàn Quốc, tuy khu vực thương mại tự do Incheon FEZ cách sân bay 20km nhưng quanh sân bay vẫn tập trung rất nhiều các doanh nghiệp logistic và kho bãi.

Tương tự, sân bay quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai với diện tích hơn 5.000 ha cũng được quy hoạch dựa theo mô hình chuẩn này. Theo kế hoạch, vùng 1 có bán kính 5-10 km quy hoạch thành khu chức năng hỗ trợ, các kho trung chuyển, dịch vụ logistics. Lợi thế kinh tế đến từ sân bay sẽ được tận dụng tối đa bởi huyện Long Thành đang có 5 khu công nghiệp, ngoài ra còn hàng chục khu công nghiệp giáp ranh ở khu vực TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương.

polyad
Sân bay quốc tế Long Thành sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế quốc gia và khu vực.

Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, tại vùng 2, các khu đô thị, cụm đô thị xung quanh sân bay Long Thành sẽ được quy hoạch theo mô hình vệ tinh gồm các khu dân cư hiện hữu, khu tái định cư và các đô thị thông minh với diện tích dự kiến 15.000 ha.

Năm 2020, địa phương này cũng thông qua hơn 300 dự án khu dân cư trên toàn tỉnh hướng tới việc phát triển hạ tầng đô thị bài bản và đồng bộ, nhất là khu vực quanh sân bay Long Thành đang quy tụ các dự án đô thị của những chủ đầu tư uy tín như Gem Sky World của Tập đoàn Đất Xanh, Aqua City của Novaland…

Tỉnh cũng dành ra 5.000 ha để quy hoạch thành vùng 3 gồm khu thương mại tự do, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ hỗ trợ đặt ở cửa ngõ sân bay nhằm phục vụ khách du lịch cũng như nâng cao chất lượng sống cho cư dân địa phương. Khu vực phụ cận cách sân bay 10 km, giáp với Biên Hòa đang được tính toán quy hoạch khoảng 2.000 ha để xây dựng các trung tâm triển lãm, dịch vụ, thể thao… nhằm tạo thành một quần thể tương tự mô hình ở các nước phát triển.

Động lực phát triển Đồng Nai và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Để triển khai quy hoạch các đô thị sân bay quy mô hàng nghìn hecta, các dự án sân bay quốc tế lớn trên thế giới đều được đầu tư nguồn kinh phí khổng lồ, lộ trình triển khai thận trọng và quy hoạch, thiết kế bài bản theo từng giai đoạn. Với sân bay Long Thành, theo kế hoạch, quá trình xây dựng sẽ có 4 đường băng, được chia làm ba giai đoạn với vốn đầu tư khoảng 16 tỷ USD. Ở giai đoạn một 2020-2025, với kinh phí đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD, dự kiến đạt công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm.

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giải phóng mặt bằng để thi công hai tuyến đường kết nối vào sân bay. Tuyến số 1 dài 3,8 km nối phía Tây sân bay và Quốc lộ 51; tuyến số 2 dài 3,5 km đi thẳng ra cao tốc Long Thành – Dầu Giây; chạy song hành với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Tổng chi phí xây dựng khoảng 4.802 tỷ đồng.

Với mức đầu tư tương tự, sân bay Istanbul được rót vốn khoảng 12 tỷ USD đã vận hành từ năm 2019 và đang phục vụ 90 triệu lượt khách một năm. Sân bay Frankfurt cũng đang trong quá trình mở rộng với chi phí đầu tư là 4,5 tỷ USD cho 21 triệu lượt hành khách một năm.

Incheon khi hoàn tất nhà ga số 2 vào năm 2018, có mức đầu tư rơi vào 4,3 tỷ USD với công suất 18 triệu lượt khách một năm (5,9 triệu USD cho 25 triệu lượt khách một năm). Sân bay Bắc Kinh Đại Hưng đầu tư ở mức 17 tỷ USD với 7 đường băng, công suất 72 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa một năm, dự kiến đạt 100 triệu hành khách vào 2025.

Nhìn chung, sân bay Long Thành có sự tương đồng nhất định trong quy hoạch cũng như vốn đầu tư và năng lực khai thác so với các sân bay quốc tế lớn. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng thứ cấp từ sân bay mang lại như phát triển dịch vụ, đô thị, công nghiệp sẽ là động lực phát triển cho Đồng Nai, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Minh Anh/VE

Đọc nhiều