Samsung, Mitsubishi, Daikin….sản xuất vũ khí ??? Bạn không nhầm đâu
Một số công ty sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi nghe thấy những thiết bị mà họ sản xuất cho quân đội là gì.
Mitsubishi
Nhật Bản có nhiều công ty sản xuất mọi thứ, từ sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự tới cả quân sự. Mitsubishi là một trong số đó, dù khá kín tiếng.
Cụ thể, Mitsubishi Heavy Industries (MHI) là công ty chuyên về công nghiệp nặng, một trong những đơn vị cốt lõi của tập đoàn Mitsubishi. Đây là một công ty kỹ thuật, thiết bị điện và điện tử đa quốc gia có trụ sở tại Tokyo.
Từ năm 2010, MHI đã bắt đầu sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực loại Type 10 cho Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản, với chi phí 11,3 triệu USD mỗi chiếc, để thay thế mẫu xe tăng Type 90 cũ kỹ.
Còn đây là xe chiến đấu bộ binh Type 89, do Mitsubishi hợp tác cùng nhà thầu phụ Komatsu hợp tác chế tạo và trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản từ năm 1989. Xe này có động cơ diesel 600 mã lực đặt ở phía trước, cùng hộp số tự động.
Đây là Mitsubishi F-3, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nhật Bản với khả năng tàng hình tiên tiến.
Daikin
Công ty sản xuất ra những chiếc điều hòa không khí nổi tiếng cũng chế tạo lựu đạn, đạn dược và các loại đầu đạn. Trong bức ảnh bên dưới, một người lính đang cầm một khẩu súng trường Type 89 Assault với lựu đạn súng trường Type 06 từ Daikin.
Toyota
Trong hình dưới là khẩu súng trường tấn công Howa Type 89, vũ khí tiêu chuẩn của một người lính Nhật Bản. Nó được sử dụng bởi Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, các đơn vị thuộc Đội an ninh đặc biệt của Cảnh sát biển Nhật Bản và Đội tấn công đặc biệt. Nhưng món vũ khí này không bao giờ được xuất khẩu ra bên ngoài Nhật Bản do chính sách cấm xuất khẩu nghiêm ngặt.
Nó được chế tạo bởi Howa Machinery, công ty được tạo ra từ sự hợp nhất của Toyoda’s Automatic Loom Works với Showa Heavy Industries. Nếu để ý thì bạn có thể biết rằng năm 1933, Kiichiro Toyoda thành lập bộ phận sản xuất ô tô nằm trong công ty dệt Toyoda Automatic Loom Works và bắt đầu sản xuất động cơ. Đây chính là tiền thân của công ty nổi tiếng thế giới ngày nay, Toyota.
Daewoo
Tập đoàn đã phá sản này của Hàn Quốc cũng từng sản xuất vũ khí. Giống như các tập đoàn lớn khác ở quốc gia này, Daewoo đi theo hướng làm ra mọi thứ. Họ là một nhà sản xuất ô tô, nhưng cũng sản xuất đồ điện tử, tham gia lĩnh vực xây dựng, chế tạo các thiết bị hạng nặng và cả viễn thông.
Trên hình là một khẩu súng trường K2, hiện do S&T Motiv sản xuất, từng là sản phẩm của Daewoo Precision.
Husqvarna
Đây là một công ty Thụy Điển nổi tiếng với xe đạp, xe máy, máy may và các dụng cụ điện ngoài trời. Tuy nhiên, công ty này đã sản xuất súng cho cả thị trường quân sự và thương mại cho đến khoảng năm 1989. Trong hình dưới là Ak 4, phiên bản súng trường chiến đấu Heckler & Koch G3A3 do công ty Thụy Điển này sản xuất.
Subaru
Nhiều người biết Subaru là một nhà sản xuất xe hơi lớn. Nhưng công ty này cũng nhận hợp đồng quốc phòng từ Boeing và Lockheed Martin để chế tạo máy bay trực thăng tấn công và các máy bay quân sự khác.
Trên thực tế, Subaru đã nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo vũ khí từ Thế chiến 2. Hồi đó, Subaru được biết đến là Công ty máy bay Nakajima và chế tạo bất cứ thứ gì từ máy bay chiến đấu đến máy bay ném bom cho Quân đội Đế quốc Nhật Bản. Máy bay của họ đã được sử dụng rộng rãi trong suốt cuộc chiến, bao gồm cả vụ đánh bom Trân Châu Cảng.
Máy bay ném bom hải quân B5N, do Công ty máy bay Nakajima, tiền thân của Subaru sản xuất.
Để cắt đứt quan hệ với quá khứ có phần xấu xí này, Công ty máy bay Nakajima sau đó đã đổi tên thành Fuji Heavey Industries vào năm 1953 và sau đó đổi tên một lần nữa thành Subaru như chúng ta biết đến ngày nay.
Samsung
Là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, thật dễ hiểu khi thiết bị điện tử tiêu dùng không phải là lĩnh vực duy nhất có dấu chân Samsung. Ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty này đã phát triển các hệ thống máy tính trên quy mô sản xuất hàng loạt, phục vụ cho mục đích quân sự. Ngày nay, Samsung vẫn chiếm hơn 50% nguồn cung cho quân đội Hàn Quốc. Các sản phẩm của hãng trong lĩnh vực này gồm bộ phận tên lửa, tàu, phương tiện vũ trang…
Một trong những công ty con của hãng là Samsung Techwin, được thành lập vào năm 1977. Năm 1980, công ty cùng General Electronics đã sản xuất được động cơ máy bay phản lực. Năm 1987 họ sản xuất được máy bay trực thăng, và rồi mười năm sau đó cho ra đời máy bay máy bay chiến đấu đầu tiên của Hàn Quốc KF-16 (dựa theo giấy phép F-16 Fighting Falcon của Mỹ). Năm 1999, bộ phận sản xuất máy bay của 3 ông lớn Samsung, Daewoo và Hyundai bị sát nhập vào công ty nhà nước có tên Korea Aerospace Industries.
Trên hình là robot súng máy SGR-1 sở hữu bộ cảm ứng nhiệt và phát hiện chuyển động. Nó có thể phát hiện được mục tiêu nguy hiểm trong bán kính hơn 3 km. Sản phẩm mẫu được thử nghiệm lần đầu tiên năm 2006 còn có một súng máy (cỡ đạn 5,5 mm) và một súng phóng lựu 40 mm. Tuy nhiên, SGR-1 chỉ khai hỏa khi nó nhận lệnh từ người chỉ huy.
Năm 1988, pháo tự hành 155 mm K9 Thunder được phát triển và đi vào sản xuất hàng loạt từ năm 1999. Tổng khối lượng là 47 tấn, kíp lái 5 người. K9 có tốc độ bắn tối đa 6-8 phát/phút, tầm bắn cực đại 52-56 km. Vận tốc di chuyển tối đa lên tới 67 km/h.
Xe chiến đấu bộ binh chở quân đổ bộ lội nước KAAV (Korea Amphibious Assault Vehicle) được thiết kế cho Thủy quân lục chiến, và liên tục được nâng cấp, cải tiến.
Các xe KAAV có khối lượng từ 21-24 tấn (không tải), tốc độ tối đa trên mặt đất – 72 km/h, dưới nước – 13 km/h. Chúng có thể vượt qua hào, rãnh rộng tới 2,4 m và vượt tường cao 0,91 m. Vũ trang của KAAV cũng đa dạng: từ súng phóng lựu 40 mm K4, súng máy 12,7 mm đến cả súng phóng lựu đạn khói K6 cho M257.
Ngay nay, dòng KAAV được sản xuất bởi liên doanh Samsung Techwin và BAE Systems của Anh.
Xe bọc thép bánh hơi đa mục đích của Samsung giúp bảo vệ binh lính khỏi mìn, các loại đạn súng bộ binh, súng máy và cả đạn pháo đến 155 mm. Trên nóc có gắn súng máy 12,7 mm hoặc súng phóng lựu tự động 40 mm. Ngoài ra còn có biến thể được trang bị tháp pháo giống trên xe tăng.
Một sản phẩm quốc phòng khác của Samsung Techwin hợp tác cùng tập đoàn STX (Hàn Quốc) là radar giám sát bờ biển GPS-98K. Nó có khả năng truyền tải dữ liệu và video tới trung tâm chỉ huy trong thời gian thực theo lựa chọn của trắc thủ hoặc một cách tự động khi phát hiện ra chuyển động bất thường hoặc các đối tượng không xác định.
Tham khảo Quora, Wikipedia
Cao Phúc