Giáo sư kinh tế Mỹ: Sai lầm đằng sau cáo buộc ‘thao túng tiền tệ’ của Mỹ với Việt Nam

23/12/2020 19:39

Giáo sư Jason Furman – nhà kinh tế nổi tiếng nước Mỹ – nhận định việc Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam “thao túng tiền tệ” là một sai lầm.

Hôm 16/12, Bộ Tài chính Mỹ ban hành báo cáo “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, qua đó đưa Việt Nam vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.

Cũng trong báo cáo này, Việt Nam (cùng với Thụy Sĩ) bị phía Bộ Tài chính Mỹ xác định “thao túng tiền tệ”. “Việc cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là một sai lầm cơ bản và cho thấy những vấn đề lớn của khái niệm thao túng tiền tệ”, giáo sư Furman khẳng định trong bài viết đăng trên trang web của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Nhà kinh tế Furman là giáo sư Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và là thành viên Viện Kinh tế Quốc tế Peterson. Hồi năm 2013, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Mỹ.

“Sai lầm cơ bản”

Đánh giá gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về định giá đồng tiền Việt Nam được đưa ra vào năm 2018. IMF sử dụng phiên bản đơn giản của mô hình “Đánh giá cân bằng đối ngoại”, so sánh cán cân tài khoản vãng lai ước tính và thực tế.

Mô hình cũng ước tính mức điều chỉnh tỷ giá hối đoái cần thiết để thu hẹp khoảng cách trên. Kết quả chỉ ra đồng tiền của Việt Nam bị định giá thấp 8,4%. Điều này sẽ hỗ trợ xuất khẩu, giúp gia tăng cán cân thương mại và tài khoản vãng lai.

IMF cũng đưa ra một phương pháp tính toán khác theo mô hình “Tỷ giá hối đoái hiệu quả thực”, dựa trên phân tích thống kê về tỷ giá hối đoái. Mô hình này chỉ ra đồng tiền của Việt Nam được định giá cao 15,2%, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của đất nước.

Bo Tai chinh My anh 2
Ông Jason Furman – chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

IMF chuộng mô hình “Đánh giá cân bằng đối ngoại” hơn. “Hai kết quả trái ngược cho thấy các phương pháp này đưa ra những câu trả lời thô sơ và mù mờ về định giá tỷ giá hối đoái”, giáo sư Furman khẳng định.

Tỷ giá đồng tiền Việt Nam gần như không đổi so với đồng USD kể từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, giá đồng tiền Việt Nam tăng lên so với những ngoại tệ khác.

“Dĩ nhiên, một phần nguyên nhân là đồng USD mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác kể từ năm 2018. Tuy nhiên, Việt Nam đã can thiệp rất ít để tránh đồng tiền tăng giá. Thay vào đó, nước này cho phép tỷ giá hối đoái tăng lên theo cơ sở toàn cầu”, ông Furman bình luận.

Một số lập luận khác nhằm hỗ trợ quan điểm của Bộ Tài chính Mỹ cũng rất yếu ớt. Năm ngoái, Việt Nam tích lũy một lượng dự trữ ngoại hối đáng kể, nhưng vẫn chỉ chiếm 25% GDP, ít hơn so với các quốc gia láng giềng như Malaysia, Thái Lan và tương đương những nền kinh tế mới nổi khác.

Việt Nam cũng được dự báo sẽ có thặng dư tài khoản vãng lai tương đối nhỏ, chỉ 1,2% GDP vào năm 2020. Hồi năm 2019, tỷ lệ này là 3,4% GDP. Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ chủ yếu dựa trên thặng dư thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ quả thật có tăng.

Tuy nhiên, giáo sư Furman khẳng định nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam, chứ không phải là vì bất kỳ thay đổi chính sách nào của đất nước.

Bo Tai chinh My anh 3
Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có đồng tiền không giảm giá so với đồng bạc xanh. Ảnh: PIIE.

“Tài khoản vãng lai tổng thể, cán cân thương mại và cán cân thương mại song phương đều chỉ ra rằng những tiêu chí song phương về định giá sai tiền tệ không có nhiều ý nghĩa”, vị chuyên gia tại PIIE lập luận.

Cuối cùng, tính từ đầu năm đến nay, sự thay đổi tỷ giá tiền tệ của Việt Nam vẫn không có gì đáng chú ý, nhất là khi so sánh với các nền kinh tế G20 mới nổi.

Tất nhiên, các quốc gia khác nhau sẽ có áp lực cân bằng tỷ giá hối đoái khác nhau. Tuy nhiên, đồng tiền của Việt Nam là một trong số ít tiền tệ không giảm sức giá so với đồng bạc xanh trong năm 2020.

Hậu quả của cáo buộc sai

Theo giáo Furman, việc Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn Việt Nam “thao túng tiền tệ” nói lên hai vấn đề. Thứ nhất, Việt Nam cố định tỷ giá đồng VND/USD. Việt Nam sử dụng đồng thời thay đổi dự trữ và kiểm soát vốn để duy trì tỷ giá này.

“Đối với nhiều nền kinh tế nhỏ phụ thuộc vào thương mại, tỷ giá hối đoái cố định có thể là lựa chọn chính sách hợp lý. Đó là vấn đề trong nước chứ không phải vấn đề quốc tế”, giáo sư Furman giải thích.

Thứ hai, giáo sư Furman cho rằng theo một khía cạnh nào đó, tất cả chính sách tiền tệ đều là “thao túng tiền tệ”. Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất, đồng USD sẽ suy yếu và điều đó có lợi cho xuất khẩu Mỹ.

Một quốc gia sử dụng tỷ giá hối đoái cố định có thể đạt mục tiêu tương tự bằng cách giảm tỷ giá. Trong cả hai trường hợp, các chính sách đều thay đổi lãi suất và tỷ giá. “Và không có nhiều cơ sở để phân biệt rõ ràng hai cách tiếp cận”, giáo sư Furman nhấn mạnh.

Bo Tai chinh My anh 4
Thông qua hạ lãi suất, FED có thể làm giảm giá đồng USD và thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, các chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Việt Nam chỉ có tác động rất nhỏ đến Mỹ. Nguyên nhân là cán cân vãng lai, cán cân thương mại và tỷ giá thực của Mỹ chủ yếu chịu ảnh hưởng từ những yếu tố trong nước (chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quyết định tiết kiệm và đầu tư của hộ gia đình và doanh nghiệp Mỹ).

Khi sức mạnh của đồng tiền Việt Nam giảm, tác động lớn nhất đối với Mỹ là chuyển nguồn nhập khẩu của Mỹ từ các quốc gia khác sang Việt Nam. Nhưng điều đó cũng không làm thay đổi tổng nhập khẩu của Mỹ.

Trong khi đó, việc cáo buộc sai lại là một vấn đề đáng chú ý. Điều này sẽ khiến Mỹ giảm tập trung vào các khía cạnh quan trọng hơn của mối quan hệ kinh tế với Việt Nam.

“Cái giá cuối cùng mà Mỹ phải trả là thay vì tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, Mỹ lại chuyển mối lo ngại sang những tác nhân bên ngoài”, ông Furman cảnh báo.

Phản ứng với tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Theo NHNN, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Việc NHNN mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

NHNN khẳng định Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế – thương mại ổn định và bền vững với Mỹ. NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến đến quan hệ thương mại hài hòa, công bằng theo Kế hoạch hành động hợp tác giữa hai nước.

Thảo Cao/ZNS

Đọc nhiều