439
category
432241

Sài Gòn những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến

23/09/2020 07:05

0h ngày 23/9/1945, Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, bắt đầu cuộc tái chiếm khi người dân thành phố vừa hưởng không khí độc lập 21 ngày.

Trong quân phục Anh, các toán quân Pháp đánh vào cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng và các điểm xung yếu khác ở Sài Gòn, chỉ sau 3 giờ lần lượt đánh chiếm Sở Cảnh sát, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc, Nhà đèn, Bưu điện, Đài phát thanh, Kho bạc.

Trong hồi ức của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn, trên báo Nhân dân (số ra ngày 23/9/1956), chưa hửng sáng, tiếng súng trường, súng liên thanh đã nổ giòn phía cầu Thị Nghè. Mấy nghìn tù binh Pháp được Anh trang bị vũ khí đang giao chiến với tự vệ của ta.

“Bọn chúng chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ đóng tại thị sảnh Sài Gòn. Tiểu đội thân binh anh dũng bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng, đánh lui từng loạt bọn địch thực dân và sau khi hy sinh gần hết đã rút lui với ngọn cờ yêu quý. Từ đó, tiếng súng tràn lan”, ông Phạm Ngọc Thạch viết.

Chợ Bến Thành trong ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 23/9/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Chợ Bến Thành trong ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 23/9/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ý định tái chiếm Nam Bộ được Pháp tính toán từ trước. Bộ sách Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (tập 6, giai đoạn 1945-2020, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) lý giải rõ điều này.

Từ thời nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng, Charles de Gaulle, lãnh tụ kháng chiến lưu vong của Pháp đã ra Tuyên bố ngày 24/3/1945 về vấn đề Đông Dương, trong đó nêu Liên bang Đông Dương sẽ cùng nước Pháp và những nước khác trở thành một Liên hiệp Pháp mà lợi ích ở bên ngoài do Pháp đại diện.

Bốn ngày sau, Pháp đề nghị cùng Anh ký một hiệp ước về vấn đề dân sự ở Đông Dương. Đến nay, những đề nghị cụ thể của Pháp chưa được công bố, nhưng tựu trung Pháp muốn tìm sự ủng hộ của Anh trong việc thiếp lập chính quyền tại Đông Dương.

Đến cuối tháng 8/1945, Anh và Pháp đã ký một thoả thuận về nguyên tắc và cách thức khôi phục quyền hành của Pháp tại Đông Dương. Cùng thời điểm này, Charles de Gaulle sang Washington (Mỹ) gặp Tổng thống Mỹ Truman.

Được Mỹ “bật đèn xanh”, Pháp có thêm một chỗ dựa trên con đường quay lại chế độ thuộc địa ở Đông Dương là Anh – quốc gia được Đồng minh trao quyền tước khí giới quân đội Nhật ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lễ độc lập cũng được tổ chức ở Sài Gòn trong bối cảnh Anh và Pháp liên tục có những hành động khiêu khích. Tính đến đêm 22/9, quân Pháp ở Sài Gòn lên đến 11.000 người.

Theo Lịch sử Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), giữa lúc tiếng súng còn nổ ran nhiều nơi trong thành phố, sáng sớm 23/9, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại một ngôi nhà trên đường Cây Mai (nay là Nguyễn Trãi, quận 5).

Cuộc họp có các ông Trần Văn Giàu, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn, Phạm Ngọc Thạch và Huỳnh Văn Tiểng. Đại diện Ban thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh có ông Hoàng Quốc Việt.

Hai ý kiến được nêu ra tại hội nghị, được tranh luận sôi nổi. Một bên muốn đánh ngay bởi nhận định Pháp có dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, họ chiếm Sài Gòn xong sẽ đánh lan ra Nam Bộ rồi cả nước. Một bên cho rằng, chỉ nên hô hào đồng bào bãi công, bãi thị, bãi khóa để phản đối hành động xâm lược; phát động kháng chiến là quyết định hệ trọng, cần xin ý kiến Trung ương.

Hầu hết lãnh đạo Nam Bộ đứng về phe phát động ngay cuộc kháng chiến toàn dân, đồng thời điện báo xin chỉ thị từ Trung ương. Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ do Trần Văn Giàu soạn trong đêm được thông qua sau đó.

Ủy ban nhắc lại lời thề “Độc lập hay là chết” trong lễ độc lập tại Sài Gòn ngày 2/9, kêu gọi nhân dân Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng, từ già trẻ, trai gái cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược.

Ai không có phận sự do ủy ban giao phó lập tức rời khỏi thành phố, những người ở lại không làm việc, không đi lính cho Pháp; không đưa đường, không báo tin cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp. Lời kêu gọi kết thúc bằng hiệu lệnh “Cuộc kháng chiến bắt đầu”.

Ngay trong buổi sáng, văn bản Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ được in ấn, phát cho người dân, dán lên tường, cây khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân Bình, Gia Định. Một lượng lớn bản in cấp tốc chuyển đến khắp các tỉnh Nam Bộ trên những chuyến xe đò.

Người dân thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn triệt để đình công. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe dừng chạy. Chướng ngại vật mọc lên khắp nơi.

Các đội Tự vệ chiến đấu, Thanh niên xung phong, Công đoàn xung phong đã đánh trả các mũi tấn công của quân Pháp tại Dinh đốc lý, trên các tuyến đường Verdun (nay là Cách Mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là Lê Duẩn).

Buổi chiều cùng ngày, hàng trăm công nhân Sài Gòn, Chợ Lớn hối hả in hàng chục nghìn bản Tuyên cáo quốc dân của Ủy ban nhân dân Nam Bộ, phát hành ngay trong đêm. Báo Cứu quốc số 54 ra ngày 29/9/1945 có thuật lại nội dung tuyên cáo này.

Theo Ủy ban nhân dân Nam Bộ, vì coi quân Anh là đại biểu của Đồng Minh tới nước ta giải giáp quân Nhật để đem lại hòa bình cho Đông Dương nên ủy ban giúp cho quân đội Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng.

Mặc dù có nhiều điều bất mãn, ủy ban đã nhiều lần kêu gọi quốc dân nén căm giận để chờ đợt cuộc vận động ngoại giao với Đồng minh trên trường quốc tế. Nhưng do sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, Pháp đã làm nhiều điều quá đáng. Ủy ban nhân dân Nam Bộ kêu gọi đồng bào đoàn kết bảo vệ quốc gia.

Tại Hà Nội, sau khi nhận được điện của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tại Bắc Bộ Phủ. Hội nghị nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ, quyết định thành lập các đơn vị nam tiến và cử cán bộ tăng cường cho Nam Bộ.

Ngày 26/9/1945, qua Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước.

“Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại Cách mạng Pháp: Thà chết tự do hơn sống nô lệ”, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn.

Tranh vẽ trận đánh tại cầu Thị Nghè ngày 27/9/1945 giữa lực lượng tự vệ và quân Pháp, Anh. Ảnh: Tư liệu Thư viện Tổng hợp TP HCM.
Tranh vẽ trận đánh tại cầu Thị Nghè ngày 27/9/1945 giữa lực lượng tự vệ và quân Pháp, Anh. Ảnh: Tư liệu Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM.

Sau đó là một tuần đầy khói lửa ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Ngày 26/9, lực lượng vũ trang đốt cháy cầu Lái Thiêu, chặn đánh đoàn xe chở quân Pháp đi Bình Đức lấy vũ khí tiếp tế. Chiều, lực lượng vũ trang tập kích ngã ba Nhà Làng (trụ sở Thạnh Mỹ Tây) diệt nhiều quân Pháp, bắt sống nhiều lính, đến đêm chiếm cầu Bông.

Tại cột cờ Thủ Ngữ, một tiểu đội bảo vệ cột cờ chỉ có súng săn, dao găm, lựu đạn chống chọi với một đại đội quân Anh. Cả tiểu đội hy sinh. Viên chỉ huy Anh phải tập hợp đại đội, bồng súng trước khi kéo lá cờ ba sắc của Pháp lên thay cờ đỏ sao vàng.

Các chiến sĩ thuộc Sở chữa lửa quyết hạ lá cờ ba sắc của Pháp. Cầu thang trống trơ, họ bị quân Pháp từ bót cảnh sát bên kia đường bắn sang nhưng người trước ngã, người sau vẫn cầm cờ đỏ sao vàng leo tiếp. Phải đến người thứ tư, ông Năm Hạnh mới hạ cờ Pháp xuống và treo cờ đỏ sao vàng lên đỉnh tháp.

Ngày 27/9, quân Pháp có lính Nhật đi đầu tiến quân qua cầu Thị Nghè. Lực lượng tự vệ đánh giáp lá cà, giựt mìn, ném lựu đạn. Phía Pháp, Nhật buộc phải rút chạy.

Những ngày sau đó là các trận đánh ở Khánh Hội; đường Catinat (nay là Đồng Khởi, quận 1); Nhà đèn Chợ Quán (nay thuộc quận 5); Hóc Môn, Gò Vấp…

Theo hồi ức của ông Trần Văn Giàu (Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ), trong tuần lễ đầu tiên bước vào cuộc chiến, quân dân Sài Gòn đã phá hủy được 138 xí nghiệp và công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu, diệt gần 300 quân đối phương.

Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở chủ yếu ở trung tâm nội ô. Phạm vi kiểm soát bị thu hẹp. Thành phố không họp chợ, không buôn bán, không điện nước, lương thực, thực phẩm hao cạn.

Nhiều lần dựa vào quân Anh và quân Nhật cố phá vỡ vòng vây nhưng đều thất bại, quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn. Pháp phải nhờ tướng Anh Gracey làm trung gian để thương lượng với chính quyền Nam Bộ.

Một nhà báo khi đó mô tả, du kích quân luôn luôn đột nhập tiến công các đồn lính trong châu thành. Không ngày nào không có đám cháy. Đến đêm, súng càng nổ vang, lửa bốc đỏ trời. “Lúc bấy giờ, ban ngày Sài Gòn thuộc về quyền kiểm soát của quân đội Pháp, Anh, ban đêm hoàn toàn về tay Việt quân”, một bản tin viết.

Quân dân Nam Bộ những ngày đầu chống Pháp xâm lược, tháng 9/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Quân dân Nam Bộ những ngày đầu chống Pháp xâm lược, tháng 9/1945. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Ngày 23/9/1945 đã đi vào lịch sử là ngày Nam Bộ kháng chiến, mở đầu cho cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai kéo dài 9 năm thắng lợi.

Như ông Phạm Ngọc Thạch đánh giá, ngày 23/9 sẽ còn mãi trong lòng người dân Sài Gòn, Chợ Lớn, lòng người Nam Bộ và đồng bào toàn quốc. Cái vẻ vang, cái anh dũng của ngày này còn được lưu truyền, vang dội.

Mạnh Tùng/VNE

Tags :
Đọc nhiều