425
category
333475

Sách giáo khoa mới không là pháp lệnh như sách cũ

23/11/2019 08:08

Đại diện Bộ GD-ĐT nói rằng, điểm khác biệt cơ bản của sách giáo khoa (SGK ) mới so với SGK hiện hành là tiếp cận theo năng lực, đa dạng và phong phú…

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố các bộ sách giáo khoa lớp 1 viết theo chương trình giáo dục phổ thông mới, để sử dụng từ năm học 2020 2021. Chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đang từng bước đi vào thực tiễn với nhiều cơ hội và cả thách thức.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chương trình Góc nhìn thẳng của VietNamNet đã có trao đổi với Tiến sĩThái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo Dục và Đào tạo.

Mời quý vị và các bạn theo dõi video cuộc trao đổi với Tiến sĩ Thái Văn Tài dưới đây:

Nhà báo Như Quỳnh: Xin ông cho biết, sau khi công bố các bộ SGK đủ điều kiện sử dụng trong nhà trường vào năm học tới, việc lựa chọn các bộ sách này trong thời gian tới sẽ triển khai ra sao?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Chúng ta đã biết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công bố các bản thảo SGK, được hội đồng quốc gia thẩm định là đạt. Với bản thảo SGK đầy đủ cho tất cả các môn học này, nó thể hiện sự thành công bước đầu của xã hội hóa giáo dục, theo nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương.

Trách nhiệm sắp tới của các nhà trường và địa phương sẽ có những nội dung chính sau:

Thứ nhất, các Sở GD&ĐT phải tổ chức cho nhà trường tìm hiểu SGK. Trước khi tìm hiểu SGK, phải tìm hiểu chương trình quy định các môn học, từ đó chúng ta tiếp cận các nội dung SGK và biết được ý tưởng của tác giả khi thể hiện chương trình là như thế nào.

Từ trước tháng 3 năm 2020, các hội đồng phải thực hiện các bước như: Thành lập hội đồng lựa chọn SGK, công bố kết quả lựa chọn SGK.  Việc thành lập hội đồng, lựa chọn SGK và các bước làm việc tiếp theo của hội đồng được Bộ GD&ĐT quy định trong thông tư lựa chọn SGK và ngay tuần sau sẽ được lấy ý kiến rộng rãi trên mạng, và dự kiến công bố vào cuối tháng 12-2019. Khi triển khai các bước tại địa phương, theo đúng các quy định tại thông tư này.

Nhà báo Như Quỳnh: Nhiều sách giáo khoa thì dù qua thẩm định nhưng chất lượng, nội dung khó mà tương đồng hay ở cùng một mặt bằng nào đó. Điều này có thể tạo ra những hiệu ứng khác nhau đối với người học theo các bộ khác nhau. Ông có thể nói gì về điều này?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Chúng ta thấy, đổi mới giáo dục lần này có điểm khác rất căn bản. Chương trình và SGK hiện hành thì sách giáo khoa là pháp lệnh, là duy nhất, thể hiện đồng nhất trên toàn quốc. SGK chương trình hiện hành tiếp cận chuẩn kiến thức kỹ năng. Còn hiện nay, chương trình được công bố thì chương trình tiếp cận phẩm chất, năng lực người học.

Vì vậy, sự thể hiện và tiếp cận của tác giả đối với chương trình cũng đa dạng, phong phú. Hội đồng thẩm định quốc gia có trách nhiệm thẩm định  SGK đúng với chương trình, đạt chương trình, còn sự đa dạng trong  thống nhất trong chương trình là phải đảm bảo. Vì vậy, rất khó để đưa ra một sự so sánh về chất lượng đồng nhất, vì có những cách tiếp cận rất phù hợp với miền Nam, đồng bằng, nhưng có cách tiếp cận nội dung lại phù hợp với các tỉnh miền núi, dân tộc hoặc những vùng biên giới.

Đây là một trong những nội dung mà hội đồng thẩm định quốc gia vừa qua đã thể hiện rất rõ đánh giá ở mức đạt, mà chúng ta không xếp loại SGK theo thứ tự 1, 2,3,4. Những SGK được đánh giá Đạt có giá trị pháp lý, có nội dung như nhau và thể hiện đảm bảo chương trình, tức đúng với chương trình, còn tùy vào đặc điểm địa lý, văn hóa của địa phương từng vùng miền mà hội đồng lựa chọn SGK tại địa phương đó lựa chọn cách tiếp cận nào của tác giả.

Sách giáo khoa mới không là pháp lệnh như sách cũ
Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo Dục và Đào tạo 

Nhà báo Như Quỳnh:Có thể thấy là ngay cả đối với giáo viên, và cả các trường nữa, việc thích ứng với nhiều bộ sách khác nhau cũng là thách thức không nhỏ. Điều này sẽ được khắc phục như thế nào?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Bộ GD&ĐT đã có rất nhiều hướng dẫn, chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học trong thời gian vừa qua.

Đối với tiểu học, thầy cô đã thực hiện các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, qua việc triển khai mô hình trường học mới, phương pháp dạy học bàn tay nặn bột, khăn trải bàn, những phương pháp dạy học đổi mới trong kiểm tra, đánh giá theo sự tiến bộ người học. Đây là những hướng tiếp cận rất sát với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Qua quá trình triển khai chương trình giáo dục hiện hành, những kỹ năng, phương pháp dạy học đổi mới đó đã được hình thành nhờ các thầy cô. Lần này, chương trình đã tạo ra  cơ hội lớn cho thầy cô thể hiện thêm tính chủ động của mình trong triển khai phương pháp dạy học. Chúng ta phải thống nhất quan điểm, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đi ra từ thực tiễn, từ ưu điểm cốt lõi chương trình hiện hành và chính vì việc này, đội ngũ giáo viên đã có những bước làm quen ngay chương trình hiện hành cùng những quy định của chương trình giáo dục phổ thông 2018, và SGK được thiết kế mở.

Với tư cách là một giáo viên, tôi thấy đây là một cơ hội rất thuận lợi cho giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học của mình mà chúng ta đã triển khai trong chương trình hiện hành.

Về phía Bộ GD&ĐT , có những chương trình tập huấn. Trong chương trình tập huấn lần này, chúng tôi đang triển khai ở nhiều đối tượng khác nhau. từ cán bộ quản lý cấp Sở, phòng, tổ trưởng chuyên môn. Điều đặc biệt, tập huấn cho 100% giáo viên tìm hiểu chương trình, SGK, bước đầu hình thành nên những phương pháp đổi mới để tiệm cận SGK cho 100% giáo viên trước khi triển khai chương trình,  trước tháng 5 năm 2020.

Nhà báo Như Quỳnh:Với vai trò quản lý, Bộ GD-ĐT sẽ làm gì trước các lo ngại về tiêu cực xung quanh lựa chọn sách giáo khoa như: Vận động để cả tỉnh, hay cả 1 trường chỉ lựa chọn 1 bộ sách; sách của Nhà xuất bản Giáo dục trực thuộc Bộ sẽ được ưu tiên hơn sách của NXB khác, v.v..?

Tiến sĩ Thái Văn Tài:  Nếu nhìn ở góc độ này, chúng ta cũng phải rất công bằng giữa khách hàng với người cung ứng về dịch vụ. Nếu khách hàng thông thái, chúng ta thấy rằng, sẽ có những bước triển khai tại địa phương để chính sản phẩm mà địa phương lựa chọn sẽ được đón nhận từ nhiều lực lượng xã hội như người dạy, người học, phụ huynhnhững người bỏ tiền ra để mua SGK. Vì vậy tôi nghĩ, địa phương sẽ suy tính và có trách nhiệm trong việc lựa chọn SGK minh bạch, công khai, công bằng dựa trên các quy định hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Thứ 2, đối với SGK, lần này chúng ta thấy, các SGK được Bộ trưởng công bố đều có những giá trị pháp lý như nhau. Đây là một trong những thông tin mà người dân quan tâm, có thể biết, vì vậy, chúng ta tin tưởng rằng, với những việc làm như: truyền thông, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc quy định các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn địa phương thì . Hy vọng những vấn đề tiêu cực sẽ không diễn ra và các địa phương sẽ làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình, để chọn ra những SGK phù hợp với địa phương, được mọi người đón nhận, đánh giá cao với hội đồng thẩm định tại địa phương.

Theo Tiến sĩ Thái Văn Tài, địa phương sẽ suy tính và có trách nhiệm trong việc lựa chọn SGK minh bạch, công khai, công bằng, dựa trên các quy định hướng dẫn của Bộ GD&ĐT

Nhà báo Như Quỳnh: Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc xem xét lai quá trình thẩm định các bộ sách giáo khoa phục vụ chương trình mới và đối thoại về chương trình thực nghiệm. Liệu như vậy bộ sách Công nghệ giáo dục sẽ có cơ hội được xem xét lại trong thời gian tới?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Bộ GD&ĐT nhận được văn bản của Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, có các nội dung sau:

Tiến hành tổ chức đối thoại, tôn trọng tác giả để lắng nghe tác giả. Chúng ta thấy, trong các vòng thẩm định của hội đồng, chúng ta đã làm bước này.

Thứ nhất, tác giả được mời lên, trình bày ý tưởng và việc biên soạn SGK của mình theo chương trình. Trong buổi đó, Hội đồng thẩm định đã trao đổi với tác giả để làm rõ những  nội dung và ý tưởng được tác giả thể hiện trong SGK. Sau đó, hội đồng thẩm định làm việc độc lập trong khoảng thời gian 7 ngày. Qua 7 ngày làm việc, thảo luận, có những kết luận  và hướng dẫn tại thông tư 33 và thông tư 32 về mạch nội dung. Khi công bố kết luận của vòng 1, cũng mời tác giả lên để thông báo kết quả của hội đồng. Tại lần này, tác giả có quyền có những ý kiến để trao đổi.

Khi mời Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại, là tác giả của các bộ sách, tác giả hoàn toàn đồng ý với những nhận xét, đánh giá của hội đồng, và tác giả cũng từng phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng, biết chắc bộ sách của chính tác giả biên soạn không phù hợp với chương trình. Sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại là không đáp ứng được chương trình.

Thông tư 33 cũng quy định rất rõ điều đó và lần thẩm định vừa qua cũng có rất nhiều bản thảo SGK được đánh giá là không đạt. Những bản thảo SGK này có quyền tiếp thu, chỉnh sửa ý kiến của hội đồng để được đề nghị thẩm định lại. Còn với ý kiến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là đối thoại với tác giả, chúng ta đã tiến hành đối thoại. Nếu thấy cần thiết, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên hệ với tác giả. Nếu tác giả có nhu cầu đối thoại, chúng tôi sẽ đối thoại.

Nhà báo Như Quỳnh: Thế giới làm đổi mới sách giáo khoa trong ổn đinh. Ở nước ta câu chuyện sách giáo khoa thường gây tranh cãi, thậm chí gay gắt. Các ông hy vọng gì ở lần thay đổi này?

Tiến sĩ Thái Văn Tài: Một sự đổi mới nào cũng có sự phản biện xã hội. Về mặt khoa học, chuyện này là chuyện đương nhiên khi diễn ra trên một phương diện rộng, với đối tượng được nhiều lực lượng xã hội quan tâm và chúng ta phải nhìn nhận thực tế.

Chúng tôi theo dõi và thấy rằng, các nước đang phát triển hoặc tương đồng với những điều kiện của chúng ta, khi đổi mới giáo dục thì cũng có những tranh cãi và những phản biện tương tự như Việt Nam. Bộ GD&ĐT luôn luôn thành tâm lắng nghe và bổ sung vào các văn bản chỉ đạo của mình và tăng cường, hướng dẫn địa phương cũng như kiểm tra địa phương để làm tốt trong thời gian tới và Bộ GD&ĐT cũng đã từng làm trong thời gian vừa qua.

Lê Hạnh Như Quỳnh (thực hiện)

(Theo Vietnamnet)

Đọc nhiều