Rút đề xuất nghỉ ngày 27/7, có bổ sung thêm ngày nghỉ khác trong năm?

02/07/2019 19:51

Đề xuất bổ sung ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong năm đã được Chính phủ xin Quốc hội rút khỏi Dự thảo Luật Lao động sửa đổi, song vẫn còn nhiều tranh cãi.

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thông tin về việc thực hiện chính sách lao động, người có công trong 6 tháng đầu năm 2019, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH đã trả lời những thắc mắc xung quanh vấn đề bổ sung thêm ngày nghỉ lễ trong năm.

Nói về việc Bộ này đề xuất bổ sung thêm ngày nghỉ lễ 27/7 nhưng sau đó lại xin rút lại đề xuất trong kỳ họp Quốc hội diễn ra tháng 6 vừa qua, ông Diệp cho rằng, hiện nay số ngày nghỉ của Việt Nam chưa phải là nhiều so với các nước lân cận.

rut de xuat nghi ngay 27/7, co bo sung them ngay nghi khac trong nam? hinh 1
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết hiện nay đang có nhiều ý kiến về việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ trong năm.

 

Bên cạnh đó, số ngày nghỉ lễ của Việt Nam chưa đồng đều trong năm và quãng thời gian từ tháng 5 tới tháng 9, người lao động không có 1 ngày nghỉ lễ nào.

Diễn biến Kỳ họp lần thứ 7 vừa qua cho thấy, đề xuất bổ sung ngày 27/7 vào danh mục các ngày nghỉ lễ trong năm thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu quốc hội và có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã rút lại đề xuất chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012.

“Quốc hội yêu cầu khi có đề xuất mới cần có sự trưng cầu ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đầy đủ. Trong khi đó, thời gian từ nay tới khi tổ chức Kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 (tháng 10) không còn nhiều. Chính vì thế, Ban soạn thảo hiện nay chưa có đề xuất mới nào về ngày nghỉ bổ sung nhằm thay thế cho đề xuất Ngày 27/7 đã được rút lại”, ông Diệp cho biết.

Ông Doãn Mậu Diệp cũng thông tin thêm rằng, hiện nay đang có nhiều ý kiến đề xuất nên chọn các ngày nghỉ trong khoảng từ tháng 5- tháng 9 như ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), ngày Gia đình Việt Nam (28/6),… Tuy nhiên, để chọn ra một ngày nghỉ phù hợp còn cần đánh giá các tác động đa chiều về kinh tế, xã hội.

Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 12/6 về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), việc đề xuất lấy ngày 27/7  làm ngày nghỉ lễ chung của cả nước theo tờ trình của Chính phủ, không nhận được sự đồng tình của phần đông đại biểu. Thống kê của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, có 16 ý kiến nói về vấn đề này thì đến 15 vị đại biểu không nhất trí lấy đây làm ngày nghỉ lễ.

Duy nhất đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cho rằng, bổ sung thêm ngày nghỉ lễ 27/7 hàng năm là hợp lý để người lao động có thêm ngày nghỉ, tri ân người có công, giáo dục đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Đồng thời, bà Mẫn đề xuất gọi tên ngày nghỉ này là “ngày tri ân người có công với đất nước”.

Tuy nhiên, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) thì cho rằng, nếu xem đây là ngày nghỉ thì cần cân nhắc kỹ. “Trong ngày này, có thể là tình cảm, niềm tin của người này nhưng lại bất an của người khác, động chạm đến cảm xúc và lòng trắc ẩn của nhiều người. Nếu tri ân, liệu có tác động gì đến tư tưởng tình cảm của người dân và khối đại đoàn kết dân tộc không?” – ông Thưởng nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng không đồng ý xem đây là ngày nghỉ, thậm chí theo bà trong ngày này, mọi người cần làm việc gấp 2 – 3 lần để đền đáp hy sinh của anh hùng liệt sĩ, thay vì nghỉ ngơi. Hơn nữa, lý do “tri ân” là thiếu thuyết phục, bởi việc tri ân phải làm thường xuyên trong cả năm.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội) cũng nhấn mạnh, nên lấy ngày này động viên cán bộ công chức viên chức, người lao động làm việc bằng 2, bằng 3. “Dùng của cải vật chất để tăng cường thăm hỏi người có công đó mới là việc tôn vinh giá trị đối với người có công” – ông phân tích.

Giải trình thêm một số vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, về đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ trong năm, trong Dự thảo Luật, cũng đề cập nêu rõ ý nghĩa tính văn. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu phát biểu, tranh luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ xin tiếp thu, lắng nghe và xin chính thức rút nội dung này ra khỏi Dự thảo.

(Theo VOV)

Đọc nhiều