128036
category
512973

Rừng đầu nguồn sông Bến Hải bị phá: Vì sao chưa tổ chức, cá nhân nào bị kỷ luật?

Tường Vi 23/04/2021 10:26

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị chỉ đạo họp để đưa ra hình thức kỷ luật tương xứng; Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết chưa họp được vì phải đợi trời mưa… Gần 20 ngày sau vụ việc phá rừng nghiêm trọng ở đầu nguồn sông Bến Hải (Quảng Trị) bị phát hiện, vẫn chưa tổ chức, cá nhân nào bị kỷ luật.

Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Phá rừng vẫn diễn ra liên tục

Vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng ở đầu nguồn sông Bến Hải, được Đoàn kiểm tra của Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị phát hiện từ đầu tháng 4. Theo báo cáo, có ít nhất 100 cây gỗ đường kính từ 30 đến trên 50 cm từ nhóm 1 đến nhóm 7 tại tiểu khu 579, 580, 581 (địa bàn xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh) và tiểu khu 600T, 598T (địa bàn xã Linh Trường, huyện Gio Linh) bị chặt hạ, vận chuyển ra khỏi rừng phòng hộ.

Phá rừng diễn ra liên tục trong 3 tháng đầu năm 2021 trong khi hàng ngày vẫn có lực lượng của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ. Ngay khi vụ phá rừng được phát hiện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký công văn khẩn, chỉ đạo các cấp, ngành liên quan làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 20/4, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết, Ban này được giao quản lý, bảo vệ tổng cộng trên 21.000 ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bến Hải nhưng do “lực lượng mỏng”, chỉ có vỏn vẹn 16 bảo vệ rừng chuyên trách (bình quân 1 người phải quản lý, tuần tra, bảo vệ trên 1.200 ha) nên không thể làm tròn trách nhiệm. Giám đốc BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cũng đề cập đến nguyên nhân khách quan khác là từ tháng 1/2021 đến nay, có 7/16 bảo vệ rừng chuyên trách hưởng lương từ nguồn thu của BQL, dẫn đến sao nhãng trách nhiệm.

Trước khi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hùng, chúng tôi đã tiếp cận các khu vực rừng bị phá, chứng kiến hàng loạt gốc cây to bị cưa cắt sắc lẹm bởi cưa máy cùng những vệt mòn do xe “đặc chủng” Uran kéo gỗ lớn ra khỏi rừng.

Đoàn kiểm tra của Sở NNPTNT Quảng Trị tại khu vực rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải bị phá đầu năm 2021.

Đây không phải là lần đầu tiên gỗ lớn của rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải của Quảng Trị bị chặt hạ không thương tiếc. Trước đó, vào ngày 17/8/2016, Báo Đại Đoàn Kết có bài viết “Vĩnh Linh, Quảng Trị: 10.000 ha rừng bị phá”.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã tìm cách thâm nhập vào các cánh rừng thuộc quyền quản lý của BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải ở xã Vĩnh Ô và Vĩnh Hà huyện Vĩnh Linh, chứng kiến xe trâu và phương tiện cơ giới được “độ”, “chế” lại cho phù hợp, vận chuyển gỗ khai thác trái phép ra khỏi rừng trong khoảng thời gian từ 17h đến 20h hàng ngày tại vị trí có tên gọi “18 vòng cua” (bản 4, xã Vĩnh Hà).

Tại đây 18 lối mòn được mở dẫn vào các cánh rừng lưu vực sông Bến Hải. Vị trí “18 vòng” cua cũng là nơi đóng chốt của lực lượng liên ngành nhưng theo người dân địa phương thì họ (lực lượng liên ngành) chỉ có mặt ở đây vài ngày trước khi báo chí vào cuộc và cơ quan chức năng tiến hành truy quét.

Theo thống kê, khoảng 10.000 ha rừng (chủ yếu là rừng phục hồi) bị chặt hạ. Liên quan đến vụ việc, giữa tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Quảng Trị xử lý nghiêm vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng tại BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải và các địa phương khác trong tỉnh (nếu có). Thủ tướng cũng đồng thời chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức cá nhân có liên quan vụ việc, không để xảy ra tình trạng tương tự.

Theo ghi nhận của chúng tôi, gần 100 cây gỗ lớn bị chặt hạ từ đầu năm 2021 đến nay lại tái diễn ở các tiểu khu của rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải từ năm 2016.

Họp kỷ luật, đợi trời mưa (?!)

Ngày 20/4, trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vụ phá rừng xảy ra liên tục từ đầu năm đến nay ở các tiểu khu của rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải; ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: đang chỉ đạo BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải họp lại một lần nữa, đề xuất hình thức kỷ luật tương xứng đối với tập thể, cá nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã họp, tự nhận các hình thức kỷ luật. Tại cuộc họp này, tập thể Ban Quản lý đề xuất với cấp trên hình thức kỷ luật “khiển trách”; ông Nguyễn Ngọc Hùng (Giám đốc) tự nhận kỷ luật “cảnh cáo”; ông Hoàng Duy Quang (Phó Giám đốc) tự nhận kỷ luật “khiển trách”; ông Trần Quang Long (Trưởng phòng Bảo vệ – Kỹ thuật) tự nhận kỷ luật “khiển trách”; ông Nguyễn Đăng Quốc (Phó Trưởng trạm phụ trách Trạm quản lý, bảo vệ rừng Vĩnh Hà – Vĩnh Ô) chuyển về làm việc tại Phòng Bảo vệ – Kỹ thuật.

Theo ông Hồ Xuân Hòe, hình thức kỷ luật mà BQL rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đề xuất là chưa tương xứng nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo họp lại. Liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Hùng, chúng tôi được ông cho biết, đã nhận được chỉ đạo của cấp trên nhưng chưa thể tổ chức họp được do thời tiết nắng nóng. “Nếu có mưa xuống, anh em sẽ ngồi lại họp ngay”, ông Hùng chia sẻ.

Tường Vi

Đọc nhiều