‘Rời khỏi Nhà Trắng, ông Trump vẫn nắm đội quân của riêng mình’

08/01/2021 11:36

Cảnh tượng hỗn loạn nổ ra ngay giữa phiên họp xác nhận tổng thống của quốc hội Mỹ khiến nhiều người không tin vào mắt mình, song đó dường như là điều khó có thể tránh khỏi.

Bắt đầu là tiếng reo hò, la ó của những người biểu tình. Rất nhanh sau đó là tiếng cửa sổ vỡ và tiếng súng nổ khi người biểu tình xông vào cơ quan lập pháp cao nhất của nước Mỹ, giữa lúc các nghị sĩ đang họp để xác nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020.

“Là một người Mỹ, tôi không thể tin vào mắt mình khi chứng kiến sự hỗn loạn tại tòa nhà quốc hội. Đây là điều chưa từng xảy ra ở nước Mỹ”, nhà báo Ted Anthony của AP bình luận.

Hành động của những người biểu tình không chỉ gây sốc cho người Mỹ, mà đây còn là một điều không tưởng đối với công chúng toàn thế giới. Hàng loạt quan chức chính quyền Tổng thống Donald Trump đã từ chức trong khi các lãnh đạo thế giới bày tỏ sự choáng váng trước cảnh tượng xảy ra ở nền dân chủ lâu đời và được xem ổn định như Mỹ. Dù vậy, nếu chúng ta nhìn những gì xảy ra 4 năm qua, sự kiện ngày 6/1 đã được báo trước.

“Đây là sự hỗn loạn”

“Ngày phán xử” 6/1 vốn đã dài hơn thường lệ do sự phản đối của một số nghị sĩ Cộng hòa. Sự xuất hiện của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump mang đến sự hỗn loạn và khiến ngày càng dài thêm.

Trong một ngày có quá nhiều thứ xảy ra thì hình ảnh đáng chú ý nhất, theo phóng viên của AP, là khi một người biểu tình ngồi trên ghế chủ tịch Thượng viện, chỉ ít phút sau khi Phó tổng thống Pence, người giữ vai trò chủ tịch Thượng viên, bị buộc sơ tán và rời bỏ chiếc ghế đó.

Hon loan o Quoc hoi My anh 1
Một người biểu tình ngồi trên ghế của chủ tịch Thượng viện Mỹ, chỉ ít lâu sau khi Phó tổng thống Pence được sơ tán khỏi vị trí này. Ảnh: Getty.

Rõ ràng rằng, sự hỗn loạn trên không phải là “sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình” mà người Mỹ luôn coi trọng, ông Anthony bình luận.

“Đây không phải là sự bất đồng quan điểm. Đây là sự lộn xộn và hỗn loạn”, theo ông Joe Biden, người sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 sắp tới.

Như nhiều công trình quốc gia khác, Điện Capitol được xây dựng nhằm đại diện cho cả một hệ thống chính trị đầy phức tạp và trừu tượng. Nó kiên cố, to lớn, bất biến và bất khả xâm phạm như cách người Mỹ hy vọng về nền dân chủ.

Vì thế, sự hỗn loạn diễn ra tại ngay chính “ngôi đền của nền dân chủ”, theo cách gọi của Thượng nghị sĩ Chuck Schummer, rõ ràng mang những thông điệp còn sâu sắc hơn nhiều.

“Họ đã cố gắng phá vỡ nền dân chủ của chúng ta, song họ đã thất bại”, lãnh phe đa số tại thượng viện Mitch McConnell tuyên bố sau khi trật tự được tái thiết tại Điện Capitol.

“Chưa từng có thời điểm nào như lúc này”

Nhà báo Anthony bình luận rằng sự kiện trên đã nhấn mạnh sự mong manh của luật lệ và của cả nơi tạo ra chúng. Tất cả có thể bị tác động bởi nhóm những người đủ giận dữ và đủ quyết tâm.

Sự giận dữ và quyết tâm của người biểu tình càng được củng cố khi người mà họ ủng hộ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, tiếp tục sử dụng Twitter cá nhân để lan truyền các thông điệp về gian lận bầu cử và không lên tiếng ngăn cản những người biểu tình.

Hon loan o Quoc hoi My anh 2
Ông Trump xuất hiện trong buổi mít tinh vào ngày 6/1. Ông kêu gọi những người ủng hộ mình hãy tụ tập trước Điện Capitol. Ảnh: New York Times.

“Trong nhiều điều không chính xác mà ông Trump nói, có một điều lại đúng một cách cay đắng: ‘Chưa từng có thời điểm nào như lúc này'”, nhà báo của AP đánh giá.

“Tôi rất thất vọng. Đây là một nỗi nhục. Ông ta (Trump) không hành động như một tổng thống. Đảng Cộng hòa đã bị hoen ố và chúng ta cần một nhà lãnh đạo giỏi để thay đổi cách nhìn nhận”, Micheal Hobson, 61 tuổi, một người luôn ủng hộ đảng Cộng hòa trả lời phỏng vấn của AP.

“Đây dường như là một quốc gia khác, một nơi mà các cuộc đảo chính xảy ra”, bà Bev Jackson, một thành viên của đảng Dân chủ, bình luận đầy thất vọng.

Điều không thể tránh khỏi

Một số người sốc, nhưng một số người nghĩ rằng tất cả đều được dự báo trước và không thể tránh khỏi.

“Tôi nghĩ mọi người đều sợ rằng điều này sẽ đến. Nó rất buồn và bi kịch những tôi nghĩ mọi người đã chuẩn bị đón nhận nó”, bà Jackson nói thêm.

Các cáo buộc của ông Trump đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, khi những thuyết âm mưu dần trở thành điều mà nhiều người tin vào. Họ tin vào những thuyết âm mưu rằng các chính trị gia sẵn sàng giở trò gian lận để tác động các cuộc bầu cử. Vì vậy, đối với họ, tham gia vào các quy trình chính trị truyền thống sẽ không có hiệu quả bằng đấu tranh vũ trang.

Hon loan o Quoc hoi My anh 3
Những người ủng hộ ông Trump biểu tình trước Điện Capitol. Ảnh: NBC.

“Chúng ta đã được cảnh báo trước. Trong những ngày trước khi biểu tình nổ ra, những lời lẽ đe dọa sử dụng bạo lực xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn cực hữu”, cây bút Shane Burley bình luận trên NBC.

Ông Burley cho rằng những người cực hữu chỉ tin vào việc chính quyền Trump đã bị cướp đi nhiệm kỳ thứ hai và cách đáp trả duy nhất là bạo lực. Vì thế, dù thất bại, quyền lực của ông Trump “không còn liên quan đến Nhà Trắng”, vì thế ông “vẫn nắm trong tay đội quân của riêng mình”.

Quốc Tuệ/ZN

Tags :
Đọc nhiều