28
category
425742

Rằm tháng 7 đốt vàng mã: Thói quen lãng phí!

02/09/2020 11:24

Vào dịp Rằm tháng 7, nhiều người dân vẫn mua sắm các loại vàng mã “không tiếc tiền” theo quan niệm “trần sao, âm vậy”, đây không chỉ là hành vi gây lãng phí còn thể hiện sự mê tín dị đoan.

Bước vào tháng Bảy, đây mùa lễ hội Vu lan – Báo hiếu, vào dịp này, các Phật tử, người dân mua sắm lễ cúng ông bà cha mẹ đã mất để tưởng nhớ công ơn của họ.

Một trong những lễ vật để cúng không thể thiếu đó là vàng mã. Người dân mua sắm các loại vàng mã như quần áo, ti vi, tủ lạnh, xe máy, ô tô…để đốt sau khi cúng là rất lãng phí, ô nhiễm môi trường, có nguy cơ xảy ra hỏa hoạn…

Với quan niệm “trần sao, âm vậy” người dân không tiếc tiền để sắm các loại vàng mã bắt mắt, đắt tiền để đốt, đây là biểu hiện của sự mê tín dị đoan cần phải có giải pháp ngăn chặn, hạn chế sự biến tướng, phản cảm trong việc thực hành lễ nghi tín ngưỡng của người dân.

Câu chuyện đốt vàng mã luôn là đề tài “nóng”, được tranh luận sôi nổi và bàn cải về việc có nên đốt vàng mã khi thờ cúng hay không.

Việc đốt vàng mã vừa làm mất mỹ quan đô thị, vừa làm biến tướng nét đẹp văn hóa tâm linh. Chỉ vì suy diễn thiếu căn cứ mà người dân mua vàng mã với những kiểu dáng kỳ dị khác nhau để đốt, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình.

Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng mã cũng vì thế mà tăng cường thiết kế, in ấn các loại vàng mã khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người dân.

Rằm tháng 7 đốt vàng mã: Một thói quen lãng phí! - Ảnh 1.
Việc đốt vàng mã quá nhiều là sự lãng phí lớn

Việc đốt vàng mã không chỉ ở những nơi thời tự mà nó hiện hữu ở từng gia đình; khi nào phát sinh việc thờ cúng thì khi đó sẽ phát sinh việc đốt vàng mã.

Đốt vàng mã là tập tục có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác, người dân chỉ biết “trước bày nay làm” mà không có sự nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, khoa học để hạn chế hoặc dần loại bỏ nó.

Theo tôi, để hạn chế việc đốt vàng mã khi thờ cúng của người dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tăng ni, phật tử hạn chế việc đốt vàng mã ở nơi thờ tự và ở gia đình mình; Nhà nước cần vận động cán bộ, công chức không đốt vàng mã khi thờ cúng.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp quản lý chặt các hoạt động kinh doanh, mua bán vàng mã như nghiêm cấm việc sản xuất, buôn các loại vàng mã có kích thước lớn, phản cảm; thắt chặt các điều kiện kinh doanh; đánh thuế vào các mặt hàng, phụ gia dùng để sản xuất vàng mã; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nếu xảy ra vi phạm…

Tăng cường vận động người dân thực hiện việc đốt vàng mã một cách kín đáo, không phô trương, đảm bảo môi trường, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống cháy nổ có thể xảy ra.

Có như vậy, người dân sẽ dần thay đổi thói quen đốt vàng mã đã và đang gây ra sự lãng phí, phản cảm, ô nhiễm môi trường… góp phần loại bỏ, bài trừ các hoạt động mê tín dị đoan trong đời sống tâm linh của một bộ phận người dân hiện nay.

PV/DV

Tags :
Đọc nhiều