420
category
321902

Quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam

23/08/2019 15:05

Trước việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Việt Nam khẳng định luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế

Nhiều câu hỏi về việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại và tiếp tục hành vi xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được phóng viên quốc tế và trong nước đặt ra trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22-8.

Trung Quốc phải chấm dứt ngay các hành động phi pháp

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng trước việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng vừa qua có nói vùng biển mà tàu Trung Quốc hoạt động thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc? Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Về hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam của nhóm tàu Hải Dương 8, phía Việt Nam đã nói rõ nhiều lần, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tàu Hải Dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam: Quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp - Ảnh 1.
Tàu Cảnh sát biển hoạt động trên khu vực nhà giàn DK1 vùng biển Việt Nam Nguồn ảnh: CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

Về những phản ứng và hành động cụ thể của Việt Nam sau khi nhóm tàu Trung Quốc quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp hình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông cũng như ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và theo đúng pháp luật Việt Nam.

“Với quyết tâm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Một lần nữa, Việt Nam đề nghị các quốc gia liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh trong khu vực, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật ở biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982” – người phát ngôn khẳng định.

Thẳng thắn trong các cuộc đàm phán

Năm 2016, trong phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc vì những yêu sách ở biển Đông, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 đã bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” và quyền lịch sử của Trung Quốc về những vùng biển nằm bên trong yêu sách “đường 9 đoạn” này.

Theo GS Carl Thayer, ĐH New South Wales (Úc), Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ với Việt Nam và cộng đồng quốc tế rằng họ có quyền chủ quyền đối với tất cả các nguồn tài nguyên biển nằm trong yêu sách “đường 9 đoạn” mà họ đưa ra ở biển Đông, ngay cả khi yêu sách này chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cố chứng tỏ rằng họ bác bỏ phán quyết cách đây 3 năm của Tòa Trọng tài. Nhà nghiên cứu lâu năm về khu vực cho rằng những nỗ lực trên mặt trận chính trị – ngoại giao của Việt Nam vừa qua nên tiếp tục, cùng với sự hiện diện thường xuyên của lực lượng chấp pháp tại khu vực Trung Quốc điều nhóm tàu Hải Dương 8 là cần thiết. Đồng thời, ASEAN cần mạnh mẽ hơn trong tuyên bố chung sau các cuộc họp cấp cao, cần thẳng thắn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), khẳng định rằng sẽ không có tiến bộ nào được thực hiện cho đến khi Trung Quốc dừng các hành động phi pháp của mình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước có chủ quyền ở biển Đông.

Nói về việc Trung Quốc không sử dụng lực lượng quân sự chính quy mà tăng cường sử dụng lực lượng dân quân biển của mình để khẳng định các yêu sách ở biển Đông, ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) – Mỹ, cho rằng việc sử dụng hải quân để đòi hỏi các yêu sách chủ quyền sẽ quá “chướng tai gai mắt” và gây tranh cãi trong cộng đồng quốc tế. Do vậy, Trung Quốc đang sử dụng lực lượng dân quân hàng hải hoạt động ít bị chú ý để thực hiện phần lớn công việc thúc đẩy các yêu sách chủ quyền của nước này.

Ông Murray Hiebert đánh giá có vẻ như Trung Quốc đang tìm cách để làm cho hành vi của nước này ít nghiêm trọng hơn bằng cách thể hiện thiện chí trong việc thúc đẩy hoàn tất các cuộc đàm phán về COC trong 3 năm tới. “Trung Quốc sẽ chỉ dừng các hành động hiện nay của nước này ở biển Đông nếu cái giá về kinh tế và ngoại giao mà nước này phải trả vì hành vi của mình quá cao” – ông Murray Hiebert nhận định.

Việt Nam tham gia diễn tập hàng hải ASEAN – Mỹ

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết cuộc diễn tập hàng hải ASEAN – Mỹ sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6-9. Đây là hoạt động được tiến hành theo thỏa thuận giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và Mỹ năm 2018. Là thành viên của ASEAN, Việt Nam sẽ tham gia cuộc diễn tập này.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 22-8 cho biết Washington quan ngại sâu sắc trước hành động can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam.

Tuyên bố của bộ này nhấn mạnh những hành động của Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngại nghiêm trọng về cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển của Bắc Kinh.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc Trung Quốc tái triển khai tàu khảo sát Hải Dương 8 được hộ tống bởi tàu vũ trang ở ngoài khơi Việt Nam ngày 13-8 là “hành động leo thang” của Bắc Kinh trong “nỗ lực nhằm hăm dọa các bên còn lại từ bỏ phát triển tài nguyên trên biển Đông”.

Tùng Lâm  

Đọc nhiều