130649
category
556617

Quyền tự do cá nhân nhìn từ đoạn ghi âm do hacker Nhâm Hoàng Khang chiếm đoạt

Hạnh Văn 08/10/2021 09:06

Vào thời điểm tháng 5/2021, nằm trong “series livestream” của mình, bà Nguyễn Phương Hằng đã công khai một đoạn ghi âm trong nhóm Zalo được cho là của Nghệ sĩ Hồng Vân. Trong đoạn ghi âm, người ta nghe thấy những lời tục tĩu, vô văn hóa, chửi bới và miệt thị khán giả – những người đã yêu mến và làm nên tên tuổi của một nghệ sĩ. Và chính Nhâm Hoàng Khang đã tự thừa nhận mình là người đã hack và lấy được đoạn chat đó.

Khi đoạn ghi âm xuất hiện, dư luận lập tức “dậy sóng”. Họ bức xúc, phẫn nộ trước thái độ coi thường khán giả và lối ăn nói phản cảm của nhân vật chính. Dù thực hư của đoạn ghi âm như thế nào, thì mọi mũi dùi đều hướng về phía NS Hồng Vân. Phản ứng của khán giả dù sao cũng là điều dễ hiểu, bởi họ cảm thấy tình cảm nhiều năm qua dành cho một nghệ sĩ đã bị phản bội.

Thế nhưng, khi tất cả mọi tiếng nói đều dồn vào gọi tên Hồng Vân, dường như chẳng ai quan tâm đến 2 khía cạnh khác của sự việc, đó là “Luật pháp”“Quyền tự do cá nhân”.

Bất kể chủ đích của Nhâm Hoàng Khang là gì khi hack đoạn ghi âm đó, thì hành vi của anh ta đã cấu thành tội phạm. Khang đã dùng những chiêu trò để đánh cắp dữ liệu riêng tư của người khác, phục vụ cho động cơ cá nhân của mình. Nghịch lý ở chỗ cộng đồng mạng và thậm chí cả báo chí chỉ mải mê đu đeo theo cái tên “Hồng Vân” mà chẳng mấy ai buồn nhắc đến hành vi phạm pháp của Nhâm Hoàng Khang. Một số trang mạng thậm chí còn đăng tải cả lời thách thức của Khang, số khác tô vẽ anh ta như “người hùng”… Duy chỉ có cơ quan điều tra là những người ngay từ đầu đã nhìn vào vấn đề pháp luật của vụ việc, nhiều lần triệu tập Nhâm Hoàng Khang phục vụ điều tra.

Vi phạm luật An ninh mạng đã đành, nếu nhìn sâu xa hơn sự việc, điều mà Nhâm Hoàng Khang đã làm còn là sự xâm phạm nhân quyền một cách trắng trợn, mà đây còn là giá trị cốt lõi nhất của nó: Quyền tự do cá nhân của mỗi người.

Bất luận những ai là thành viên của nhóm chat đầy ngôn từ phản cảm trên, chí ít họ đã làm điều đó trong một không gian cá nhân. Ở chốn riêng tư đó, họ cảm thấy an toàn và thoái mái trong lời nói, ứng xử của mình.

Mỗi người chúng ta đều mang 2 bộ mặt: Trước và sau lưng xã hội. Bước ra ngoài xã hội, chúng ta tuân theo những quy tắc và chuẩn mực đạo đức, ứng xử được đặt ra. Ở đó, những lời văng tục bị chê trách, còn những hành vi phản cảm bị lên án. Còn khi trở về thế giới riêng của mình là lúc chúng ta mang lên bộ mặt thứ 2. Chúng ta được tự do thể hiện cảm xúc “hỉ – nộ – ái – ố”, thoải mái trong ngôn từ, ứng xử. Bộ mặt thứ 2 của chủ nhân đoạn ghi âm khiến chúng ta bàng hoàng, nhưng dù sao người đó đã không mang nó trước mặt thiên hạ.

Và một khi đã ở sau lưng thiên hạ, tránh khỏi tai mắt của người đời, có ai trong chúng ta dám tự vỗ ngực nói rằng mình chưa từng nói xấu sau lưng bất kỳ ai, chưa từng một lần nói tục, chửi thề hay không? Trừ khi là trẻ em, còn lại không một ai trong sạch trước những “tội lỗi” này. Nhưng đó là nhân quyền, là quyền riêng tư của mỗi người. Nó được pháp luật bảo vệ và xã hội tôn trọng, miễn là chúng ta tuân thủ pháp luật và đừng mang bộ mặt đó ra ngoài xã hội.

Nhưng Nhâm Hoàng Khang lại xâm phạm thô bạo quyền con người và ngụy biện nó bằng lý lẽ trơ tráo là “phanh phui sự thật”. Chẳng ai tin hacker này thật tâm và không chút vụ lợi, đặc biệt là khi anh ta vừa bị khởi tố, bắt tạm giam vì tấn công mạng và tống tiền đến 400 triệu đồng… Những lý do “đao to búa lớn” thực chất cũng chỉ để lấp liếm cho hành vi trục lợi cho bản thân của anh ta.

Nếu một mai đây, một tên tội phạm khác cũng bằng lời ngụy biện “phanh phui sự thật” để tấn công hết người này đến người khác, liệu những người từng bênh vực cho Khang có dám gọi đó là điều hay ho, đúng đắn? Sẽ còn ai được an toàn khi tội phạm như Khang lại được tung hê, ca ngợi?

Nhâm Hoàng Khang không phải là anh hùng, anh ta chỉ là một tên tội phạm đã bị bắt giữ. Đó là cái giá phải trả cho hành vi đe dọa nghiêm trọng an ninh xã hội và xâm hại trắng trợn quyền tự do của con người.

Và hỏi chăng, những “nhà dân chủ”, những tổ chức nước ngoài với cái mác “nhân quyền”, sao không một lời tố cáo hành động của hacker Nhâm Hoàng Khang?

Hạnh Văn

Đọc nhiều