Quyền của người đứng đầu
Quyền lực phải đi cùng trách nhiệm, quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao, bên cạnh việc phải nhốt một số “quyền lực” vào chiếc lồng cơ chế, quy định thì việc mở rộng các quyền của người đứng đầu là điều cần thiết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thời gian tới, theo kịp xu hướng biến động nhanh và liên tục của toàn xã hội.
Thời gian qua, khái niệm “trách nhiệm của người đứng đầu” đã được nêu lên rất nhiều lần trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc xử lý các vi phạm liên quan đến cán bộ, lãnh đạo chủ chốt của Đảng.
Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, đã có hàng loạt các cán bộ lãnh đạo, kể cả lãnh đạo cấp cao phải “từ nhiệm” vì chịu “trách nhiệm của người đứng đầu”. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng trong việc đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo trong thời kỳ mới.
Thế nhưng qua thực tiễn, việc xử lý các cán bộ vi phạm hoặc yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó các thủ tục xem xét, xử lý các cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng đòi hỏi phải thực hiện trong quá trình dài, yêu cầu phải có đầy đủ các ban/bệ xem xét, từ đó đưa ra kết luận và quyết định xử lý.
Các thủ tục này mất rất nhiều thời gian, trong nhiều trường hợp là hàng tháng trời xem xét trước khi có kết luận và quyết định xử lý. Từ đó không chỉ gây khó khăn cho tổ chức Đảng trong quá trình đó vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ, trọng trách được giao. Gây khó khăn cho người đứng đầu trong việc chỉ đạo các nhiệm vụ đối với các cán bộ đang bị xem xét xử lý nhưng chưa có quyết định xử lý.
Bên cạnh đó là chính bản thân cán bộ trong diện bị xem xét, xử lý cũng rất khó khăn trong việc đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian bị xem xét xử lý. Ngoài những tác động tiêu cực về tâm lý của cán bộ trong thời gian bị xem xét, còn là những ảnh hưởng về mặt thời gian trong quá trình này vừa phải đáp ứng các thủ tục xem xét xử lý, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Đây được xem là điều không thể, thế nhưng thực tế lại không hề có bất cứ quy định nào cho phép cán bộ được dừng công tác trong thời gian này khi chưa có bất kỳ kết luận, quyết định xử lý được ban hành.
Ngoài ra, xét về mặt tổ chức quản lý, cần chú trọng 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đó là tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; kỷ luật nghiêm minh, tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng. Nếu xa rời 5 nguyên tắc này thì tổ chức đảng sẽ không mạnh.
Trong khi các quy định về “quyền lực tập thể” đã được củng cố, bổ sung đầy đủ trong thời gian qua thì thực tế quyền của người đứng đầu vẫn còn chưa đầy đủ. Đặc biệt là quyền của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới. Do đó, việc ban hành Quy định số 148-QĐ/TW của Bộ Chính trị vừa qua được xem là bổ sung một phần quyền của người đứng đầu trong các tổ chức Đảng.
Thế nhưng, như đã nói, quyền lực vừa phải đi cùng trách nhiệm, vừa đảm bảo được “nhốt” trong lồng cơ chế. Do đó, để thực hiện quyền tạm đình chỉ công tác của cán bộ cấp dưới, người đứng đầu cũng phải hết sức cân nhắc các căn cứ được quy định, và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi thực hiện quyền lực của mình đối với cán bộ cấp dưới. Cụ thể các căn cứ:
Trong trường hợp cần thiết
1) Cán bộ có hành vi vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức, cá nhân.
2) Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3) Cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ.
4) Cán bộ đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong quá trình xem xét, xử lý vi phạm của bản thân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác để tác động, gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
5) Cán bộ bị kỷ luật đảng bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức và đang trong thời gian chờ xem xét, xử lý chức vụ chính quyền mà nếu tiếp tục công tác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.
Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng
1) Cán bộ bị khởi tố để phục vụ công tác điều tra.
2) Trong quá trình xem xét, xử lý hành vi vi phạm của cán bộ, có cơ sở xác định phải xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc xử lý bằng pháp luật hình sự mà cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có văn bản đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ.
Bên cạnh các căn cứ là các quy định rất rõ về thẩm quyền, thủ tục khi người đứng đầu thực hiện quyền của mình đối với cấp dưới. Từ đó cho thấy Đảng đã xem xét, lường trước các trường hợp nhằm cân đối hài hòa giữa quyền lực và trách nhiệm thực thi quyền lực của người đứng đầu.
Thực tế, nếu xem xét công việc hàng ngày hàng giờ của người đứng đầu các tổ chức Đảng, thì việc bổ sung quyền lực “tạm đình chỉ công tác” đối với cán bộ cấp dưới có vẻ chỉ là một vấn đề rất nhỏ. Thế nhưng, bước chân nhỏ sẽ dẫn đến con đường lớn, việc bổ sung các quyền lực khác cho người đứng đầu chắc chắn sẽ được mở rộng hơn trong thời gian tới.
Thành An