419
category
432629

Quyết định đầy tranh cãi khi cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học

Đỗ Mạnh 22/09/2020 18:19

Ngày nay điện thoại, đặc biệt smartphone là phương tiện phục vụ liên lạc và tra cứu thông tin vô cùng bổ ích đối với tất cả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên mới đây Bộ GDĐT quy định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học lại  là cả một vấn đề đang gây tranh cãi.

Phải nói một cách thành thật là điện thoại ngày nay, ngoài chức năng nghe gọi, tra cứu thông tin, còn có thể nói là một phương tiện có tính gây nghiện rất cao, nó gây nghiện chính cho các bậc phụ huynh mọi lúc mọi nơi, thậm chí cả khi đi ngủ thì thôi chứ tỉnh dậy là phải tìm điện thoại. Đó là với người lớn chứ nói gì đến cá em học sinh lứa tuổi rất nhanh nhạy và là chủ nhân của công nghệ mới trong tương lai.

Nhìn hình ảnh này liệu giáo viên có còn hứng thú để giảng bài không?

Trước hết xin được phép nói về cái được khi học sinh được phép sử dụng điện thoại trong giờ học:

Mong muốn của phụ huynh là muốn luôn luôn nhìn thấy con mình khi cần thiết. Điều này thật dễ dàng thực hiện đối với chức năng điện thoại hiện đại ngày nay. Tuy nhiên nếu chỉ vì mục đích đó thì các bậc phụ huynh không cần gửi con đến trường mà nên để con ở nhà cho yên tâm.

Thứ hai, trong giờ học các em có thể dễ dàng tra cứu những thông tin để mở rộng thêm tầm hiểu biết của các em. Tuy nhiên vấn đề này nhiều chuyên gia cho rằng ở tuổi học trò và những kiến thức các em cần cập nhật thì các em có thể tra cứu thông tin các em cần ngay chính ở thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng. Các thầy cô giáo được đào tạo đủ kiến thức để giải đáp mọi thắc mắc của các em. Một điểm lợi nữa là các em có thể dùng điện thoại để trao đổi với bạn bè cùng lớp hay khác lớp, cùng trường hay khác trường, cùng thành phố hay khác thành phố những vấn đề liên quan đến bài giảng và kiến thức các em cần cập nhật. Vấn đề này là cần thiết song không nhất thiết phải trao đổi trong giờ học. Một điểm lợi nữa nếu cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là chính các em sẽ là những giám sát viên của giáo viên trong giờ giảng. Những hành động không chuẩn mực của các thầy cô sẽ được các em ghi lại và phản ảnh với nhà trường và đưa lên mạng xã hội ngay lập tức, sẽ giúp cho đội ngũ giáo viên đứng lớp tự tu dưỡng và chấn chỉnh mình cho tốt hơn.

Nói về cái hại khi cho các em dùng điện thoại trong giờ học:

Các em có thể  sử dụng điện thoại phục vụ học tập khi được phép của giáo viên, vấn đề là làm sao để kiểm soát được các em có dùng điện thoại để tán gẫu, để chơi game,  tán tỉnh nhau trong giờ học mà sao nhãng bài giảng của thầy cô giáo. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều chất lượng bài giảng và làm giáo viên mất tập trung, mất hứng trong các giờ giảng vì sự thờ ơ của học sinh. Đặc biệt trong các giờ kiểm tra bài, nếu không quản lý tốt thì vô tình kiến thức của một em học sinh giỏi sẽ ngay lập tức thành kiến thức chung của cả lớp. Vì thế giáo viên không thể đánh giá được chất lượng của học sinh. Các em học sinh phổ thông là lứa tuổi ngây thơ trong trắng vì vậy chỉ cần một chút sơ sểnh là nhiễm ngay những thói xấu của xã hội mang lại. Trong trường học việc bị kích động bởi bạn bè luôn là yếu tố lôi kéo các em làm những điều bất chấp suy nghĩ kể cả phạm tội. Tuổi học trò là tuổi hiếu động, sự hiềm khích trong các nhóm học sinh là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy điện thoại cũng là phương tiện dùng để các em lôi kéo, kích động bạn bè đề tập trung giải quyết những mâu thuẫn. Mặt khác tuổi học sinh là tuổi còn bỡ ngỡ và muốn khám phá tình cảm của bạn bè khác giới. Vì vậy nếu các em trong lớp có tình cảm với nhau thì việc nhắn tin cho nhau trong giờ học sẽ làm cho các em sao nhãng, mất tập trung.

Chúng ta không phủ nhận tác dụng của điện thoại, chúng ta cũng không nên cấm các em dùng điện thoại, nhưng vấn đề là dùng khi nào và dùng như thế nào mà thôi. Ai cũng biết các em rất thông minh, điện thoại lại là một công cụ vô cùng đắc lực hỗ trợ các em trong việc tìm hiểu và khám phá thế giới. Nhờ những tính năng vô cùng tiện lợi của điện thoại làm cho kỹ năng sử dụng các dịch vụ điện tử của các em cũng trở nên chuyên nghiệp hơn. Phải nói thế hệ của các em là nền tảng tốt cho việc đẩy nhanh cuộc cách mạng số mà chúng ta đang tiến hành. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta vội vàng cho phép các em sử dụng điện thoại trong giờ học. Lứa tuổi các em là lứa tuổi phải học tập những kiến thức cơ bản nhất nhằm có kiến thức nền để phát triển cho tương lai lâu dài. Việc cấm dùng điện thoại trong giờ học không có nghĩa là cấm các em sử dụng điện thoại. Ngoài giờ học các em còn rất nhiều thời gian để sử dụng, để khám phá. Thời gian trong một ngày ngoài giờ học, trong giờ giải lao giữa các tiết học đủ để cho các em thỏa mãn những đam mê khám phá.

Vì vậy quy định của Bộ GDĐT cho phép học sinh sử dụng ứng dụng điện thoại trong giờ học theo tôi là một quyết định hơi vội vàng và thiếu cân nhắc. Điều đặc biệt nó lại xảy ra trong bối cảnh một số trường đang thực hiện khá nghiêm túc và thành công trong việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Rất nhiều phụ huynh  học sinh tỏ ra hết sức ngỡ ngàng khi biết quy định này và rơi vào tình trạng lo lắng. Đó là chưa kể việc cho phép các em học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học cũng vô tình tạo nên một cuộc chạy đua khoe mẽ giữa các em học sinh. Các em sinh ra trong các gia đình khá giả, gia đình các em sẽ chẳng ngần ngại sắm cho các em những điện thoại  đắt giá thời trang. Điều này vô tình tạo áp lực cho những em sinh ra trong điều kiện khó khăn hơn trở nên tự ti với hoàn cảnh của mình. Để thỏa mãn bản thân về những đồ hàng hiệu sẽ dồn về đôi vai của những bậc phụ huynh. Đó là chưa kể sự khác biệt hoàn cảnh trong mỗi gia đình còn kích hoạt tính tham lam, kích hoạt những hiện tượng trộm cắp tài sản trong nhà trường. Như vậy vô tình việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học làm cho việc quản lý học sinh trong nhà trường trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

Vì vậy theo suy nghĩ chủ quan của người viết, chúng ta không nên cho học sinh trong các trường học được sử dụng điện thoại, đặc biệt là smartphone trong giờ học. Được biết việc cấm này không chỉ có ở Việt Nam mà hiện nó còn đang được áp dụng rất nghiêm ngặt ở Nhật Bản, Hàn Quốc và rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ai cũng biết kĩ năng sử dụng các phương tiện kĩ thuật là nền tảng giúp chúng ta  thực hiện cuộc cách mạng số mà chúng ta đang tiến hành. Tuy nhiên kỹ năng đó đòi hỏi phải được tôi luyên một cách hợp lý đúng thời điểm chứ không phải áp dụng khi các em đang rất cần tiếp thu kiến thức cơ bản phục vụ cho những kế hoạch lâu dài của đất nước.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags :
Đọc nhiều