Quốc hội sắp miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ

24/04/2020 17:59

Theo chương trình dự kiến, Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ của ông Vương Đình Huệ tại kỳ họp 9, khai mạc trong tháng 5 tới.

Ông Vương Đình Huệ hiện đảm nhiệm cả 2 cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội và Phó thủ tướng Chính phủ /// Ảnh Ngọc Thắng
Ông Vương Đình Huệ hiện đảm nhiệm cả 2 cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội và Phó thủ tướng Chính phủ

Chiều 24.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 44 để cho ý kiến về chuẩn bị chương trình kỳ họp 9 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới.

Tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bổ sung nội dung về công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp, gồm việc phê chuẩn, miễn nhiệm và bầu nhân sự.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chốt lại việc bổ sung thêm nội dung công tác nhân sự vào chương trình kỳ họp 9 và đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư để sớm hoàn thành nội dung này.

“Chúng ta sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm, bầu nhân sự tại kỳ họp này. Vì vừa rồi có phó thủ tướng được phân công công tác mới”, bà Ngân cho hay.

Như vậy, tại kỳ họp 9 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét việc miễn nhiệm Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, người vừa được Bộ Chính trị phân công, bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay cho ông Hoàng Trung Hải từ ngày 7.2.

Trước đó, ngày 19.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành nghị quyết phê chuẩn kết quả bầu ông Vương Đình Huệ giữ chức vụ Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa 14 TP.Hà Nội.

Hiện tại, ngoài chức danh Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, ông Vương Đình Huệ vẫn là Phó thủ tướng của Chính phủ. Theo quy định, việc miễn nhiệm chức danh Phó thủ tướng của ông Vương Đình Huệ phải do Chính phủ đề xuất và được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội thường kỳ trong năm.

Bầu thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia

Một nội dung khác về nhân sự dự kiến tại kỳ họp 9 sắp tới là Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Theo chương trình dự kiến mà Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo, ngày 17.6 (trong đợt 2 của kỳ họp, họp bằng hình thức tập trung), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và công bố kết quả bầu.

Vào ngày 18.6, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia.

Theo quy định, Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ, có nhiều nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức, lãnh đạo cuộc bầu cử trong cả nước, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định pháp luật về bầu cử Quốc hội.

Hiện nay, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Lê Hiệp/TNO

Đọc nhiều