Quốc hội cho phép Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Chiều 27/11, với 81,16% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Việc thí điểm mô hình này được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt thí điểm.
Theo mô hình thí điểm này, Hội đồng nhân dân cấp quận, thị xã sẽ quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán thu, chi ngân sách; phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, trong đó bao gồm ngân sách của các phường trực thuộc, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; đồng thời quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công tại các phường trực thuộc…
Còn với Ủy ban nhân dân quận, thị xã có nhiệm vụ xây dựng, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các nội dung liên quan và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân; Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao và điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các phường trực thuộc, quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách…
Đối với Ủy ban nhân dân phường chỉ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với Ủy ban nhân dân quận, thị xã; tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Ủy ban nhân dân phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về cơ cấu tổ chức, Ủy ban nhân dân phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác của phường. Ủy ban nhân dân phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch; phường loại III có 1 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường.
Nghị quyết nêu rõ: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân phường nhiệm kỳ 2016 – 2021 kết thúc nhiệm vụ vào ngày 30/6/2021. Kể từ ngày 1/7/2021, Ủy ban nhân dân phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết này. Như vậy, trong giai đoạn thí điểm sẽ không tổ chức Hội đồng nhân dân phường.
“Bỏ HĐND phường” là cách hiểu không đúng
Dự thảo nghị quyết này lúc đầu có tên gọi là Nghị quyết thí điểm “không tổ chức Hội đồng nhân dân phường”, sau đó được đổi thành Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.
Lý giải về việc thay đổi tên gọi nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đề xuất đổi tên gọi của các đại biểu là hoàn toàn xác đáng. Bởi tên gọi của dự thảo Nghị quyết là thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường chưa thể hiện đầy đủ bản chất của việc thí điểm là tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tên gọi này cũng dễ dẫn đến cách hiểu không đúng khi cho rằng việc thí điểm chỉ nhắm đến việc “bỏ Hội đồng nhân dân phường”.
Cũng theo ông Tùng, có ý kiến đề nghị mở rộng việc thí điểm tại các tỉnh, thành phố khác như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc thí điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là vấn đề rất hệ trọng, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.
“Hiện tại, Chính phủ mới trình Quốc hội cho thực hiện thí điểm ở thành phố Hà Nội. Đối với các địa phương khác đáp ứng đủ điều kiện, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thí điểm thì đề nghị báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Tùng cho hay.
Theo tờ trình của Chính phủ, có tổng cộng 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của thành phố Hà Nội trong diện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân.