2
category
399276

Quốc hội chính thức phê chuẩn EVFTA và EVIPA

08/06/2020 11:15

Sáng 8/6, Quốc hội vừa thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA).

Ảnh minh họa

Với Hiệp định EVFTA, 457/457 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,6% tổng số đại biểu). Như vậy 100% số đại biểu Quốc hội nhất trí phê chuẩn EVFTA.

Đối với Hiệp định EVIPA, có 461/462 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Theo nội dung nghị quyết được thông qua sáng nay, Quốc hội giao Chính phủ thực thi hiệp định. Hiệp định EVFTA được ký tại Hà Nội vào ngày 30/6/2019. Quốc hội Việt Nam đồng ý gia hạn hiệu lực của Hiệp định với Vương quốc Anh đến hết 31/12/2020, có thể gia hạn 24 tháng theo thỏa thuận giữa Anh và EU khi nước này rời khỏi EU.

Trước đó, tại phiên họp Quốc hội sáng 20/5, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thừa ủy quyền Chủ tịch nước trình bày tờ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EVFTA cùng Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA.

Theo tờ trình, Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp

Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý – thể chế.

Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày tờ trình tại phiên họp
EVFTA được thông qua sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,2-3,3% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện) và 4,6-5,3% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo). Cho 5 năm tiếp theo, mức tăng trưởng bình quân là 7,1-7,7%.
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Khi EVFTA được thông qua, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu của Việt Nam từ EU sẽ tăng khoảng 33,1% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng, tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
EVFTA cũng là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
PV
Đọc nhiều