Quốc gia ĐNA bất ngờ cho TQ “ra rìa” danh sách đầu tư quỹ mới

08/02/2021 13:05

Indonesia đang trong quá trình chuẩn bị ra mắt một quỹ mới sau khi bổ nhiệm ban cố vấn và nhận được cam kết đầu tư từ 50 tổ chức, nhưng một quốc gia lớn và đầy tiềm lực lại vắng mặt trong danh sách các nhà đầu tư tiềm năng: Trung Quốc.

Tổng thống Indonesia, Joko Widodo. Ảnh: AP

Tờ SCMP hôm 8/2 đưa tin, quỹ mới, có tên gọi là INA, sẽ được sử dụng để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, bao gồm các tuyến đường thu phí, cảng, cầu và sân bay.

Jakarta đang có kế hoạch gây quỹ cho INA, dự kiến đi vào hoạt động trong quý đầu tiên năm nay, với số vốn ban đầu là 5 tỷ USD, trong đó 1 tỷ USD tới từ ngân sách nhà nước. 4 tỷ USD còn lại sẽ được lấy từ việc chuyển nhượng vốn chủ sở hữu và tài sản của các doanh nghiệp nhà nước. Indonesia dự kiến sẽ có 20 tỷ USD trong quỹ INA.

5 tổ chức quản lý quỹ của nước ngoài đã cam kết chắc chắn hoặc đảm bảo đầu tư khoản tiền 9,8 tỷ USD cho INA, nhưng trong số này không có sự góp mặt của các tổ chức tới từ Trung Quốc. Theo Kevin O’Rourke, nhà phân tích chính trị và chính sách ở Indonesia, việc Trung Quốc “bị loại” khỏi danh sách các nhà đầu tư cho quỹ INA làm dấy lên nghi ngờ rằng, Indonesia đang cố “tránh” các khoản đầu tư của Trung Quốc vì lo ngại Bắc Kinh có thể “kiểm soát” cơ sở hạ tầng quan trọng của Jakarta.

“Có cơ sở để cho rằng, lý do sâu xa mà Indonesia cố gắng duy trì hoạt động về cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của nhà nước là vì lo ngại Bắc Kinh sẽ ‘nắm quyền kiểm soát’ các cơ sở hạ tầng quan trọng”, ông O’Rourke nhận định.

Khi INA được chính thức hoạt động, các nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào “quỹ tổng thể” (quỹ mẹ) hoặc “quỹ chuyên biệt”, cho phép nhà đầu tư bỏ tiền vào một ngành hoặc dự án cụ thể.

Theo Ban Đầu tư của Indonesia (BKPM), Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 ở Indonesia trong năm 2020, với số tiền 4,8 tỷ USD. Theo sau Trung Quốc là Hong Kong và Nhật Bản với số tiền lần lượt là 3,5 tỷ USD và 2,6 tỷ USD. Đứng đầu là Singapore với 9,8 tỷ USD.

Từ năm 2015 đến quý 3 năm 2020, đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia tăng mạnh, bao gồm hơn 10.000 dự án từ các công trình cơ sở hạ tầng đến hoạt động khai thác mỏ. Vì vậy, việc không có nhà đầu tư Trung Quốc nào trong quỹ INA được xem là một bất ngờ.

Esther Sri Astuti, một nhà kinh tế thuộc Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính, có trụ sở tại Jakarta, cho rằng, chính vì số lượng lớn dự án đầu tư mà Trung Quốc đã có ở Indonesia là một trong những lý do khiến Bắc Kinh “không được tiếp cận” việc đầu tư vào INA.

“Indonesia đang tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm rủi ro và có được nhiều khoản đầu tư hơn bằng cách tiếp cận nhiều nước khác, chứ không chỉ lệ thuộc vào Trung Quốc”, Esther nói.

Theo ông O’Rourke, INA được thành lập để duy trì quyền kiểm soát tài sản nhà nước và các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Indonesia có kế hoạch chi hơn 6.400 tỷ rupiah (450 tỷ USD) vào các dự án cơ sở hạ tầng đến năm 2024, trong đó 30% số tiền này tới từ ngân sách nhà nước và phần còn lại được các doanh nghiệp nước ngoài và tư nhân tài trợ.

(Theo SCMP)

Tags :
Đọc nhiều