8
category
448713

Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam sơ tán dân trước bão số 13

13/11/2020 22:31

Lãnh đạo 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam yêu cầu khẩn cấp rà soát vùng lở núi, nguy cơ xảy ra lũ quét hay những vùng trũng thấp để sơ tán dân tránh bão.

Chiều 13/11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên ký gửi công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với cơn bão số 13.

Theo ông Phiên, đây là cơn bão rất mạnh, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Dự báo từ đêm 14 và ngày 15/11, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển ven bờ và đất liền khu vực Bắc và Trung Trung Bộ. Trong đó, tại Quảng Ngãi, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng được xác định các địa phương phía bắc và huyện đảo Lý Sơn.

Núi đồi sạt lở kéo theo đất đá, bùn nhão chảy tràn xuống sát khu vực dân cư ở thôn Cưa, xã Trà Hiệp, huyện vùng cao Trà Bồng.

Quảng Ngãi nghiêm cấm tất cả tàu thuyền ra biển hoạt động (bao gồm phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển ở địa phương có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Các địa phương hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền, lồng bè an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.

Tỉnh khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi bão bắt đầu ảnh hưởng. Các huyện, thành phố huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở làm việc, nhà xưởng, cột tháp an ten viễn thông, chặt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn; chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời dân ở các vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ chia cắt đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở núi tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.

Bình Định rà soát các điểm sạt lở

Chiều cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định đã họp triển khai công tác ứng phó cơn bão số 13.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu các địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác ứng phó với bão, mưa lũ lớn, nhất là đối với việc xử lý tình trạng sạt lở, sơ tán các hộ dân sinh sống ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Các địa phương cần cử lực lượng kiểm tra, kiên quyết không cho thuyền viên ở lại trên tàu, trên các lồng bè, chòi canh.

Ông Thanh cũng yêu cầu Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn tàu vận tải, tàu vãng lai di chuyển ra ngoài vùng ảnh hưởng bão, sắp xếp neo đậu tàu an toàn.

Phó chủ tịch Bình Định cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát lại các điểm có nguy cơ bị ngập lũ, triều cường, các điểm có nguy cơ sạt lở, xác định số hộ sinh sống ở những vùng có nguy cơ thiên tai để sơ tán đến nơi an toàn.

so tan dan truoc bao anh 2
Núi lở cuốn theo đất đá, bùn nhão tràn xuống phá hỏng ngôi nhà gia đình ông Võ Quang ở thôn RaPân, xã Sơn Long, huyện vùng cao Sơn Tây (Quảng Ngãi).  

Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhấn mạnh mưa lũ kéo dài làm xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đất tại các huyện: Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân và uy hiếp nhiều khu dân cư, gây chia cắt giao thông.

“Trước mắt, các địa phương cần tổ chức sơ tán, hỗ trợ đưa người dân đến nơi an toàn tránh bão số 13. Về lâu dài, chính quyền sẽ hỗ trợ tái định cư cho các hộ gia đình sống ở các vùng nguy hiểm sạt lở núi, vùng nguy cơ ngập lụt, lũ quét…”, ông Dũng nói.

Quảng Nam cho công nhân nghỉ việc nếu không đảm bảo an toàn

Cũng trong hôm nay, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, yêu cầu các đơn vị khẩn trương phòng, chống trước khi bão số 13 đổ bộ, gây ảnh hưởng đến địa phương.

Ông Thanh yêu cầu các huyện, thị tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Trong đó, các địa phương cần chủ động triển khai sơ tán theo phương án ứng phó bão mạnh; đối với ngập lụt triển khai phương án sơ tán theo mức ngập báo động 3 và hoàn thành trước 12h ngày 14/11.

Các địa phương phải triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.

Đồng thời, hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; di chuyển, gia cố đảm bảo an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè.

Lãnh đạo Quảng Nam yêu cầu các biện pháp này phải hoàn thành trước 12h ngày 14/11.

Ngoài ra, Chủ tịch Quảng Nam yêu cầu chủ doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm chằng chống cơ sở vật chất nhà xưởng, bảo đảm an toàn tính mạng công nhân và người lao động trong doanh nghiệp; trường hợp không đảm bảo an toàn thì cho công nhân và người lao động nghỉ việc để tránh bão.

Minh Hoàng – Thanh ĐứcZF

Đọc nhiều