Quân đội Mỹ phá lệ, không làm lễ tạm biệt ông Trump

18/01/2021 13:25

Tổng biên tập của trang Defense One, chuyên đưa tin về quốc phòng Mỹ, dẫn nguồn Lầu Năm Góc cho biết quân đội sẽ không làm lễ tạm biệt ông Trump, khác với các tổng thống trước.

“Lầu Năm Góc, trái với truyền thống gần đây, sẽ không tổ chức Lễ tạm biệt của Lực lượng Vũ Trang dành cho Tổng thống Trump”, ông Kevin Baron viết trong một bài bình luận cũng trên trang Defense One. “Hai nguồn tin quốc phòng xác nhận với Defense One ngày 14/1 rằng hiện không có lễ tạm biệt nào của quân đội được lên kế hoạch cho ông Trump”.

Bình luận thêm về điều này, ông Baron nói việc quân đội không làm lễ tạm biệt tổng thống mãn nhiệm là một điều “đáng tiếc, nhưng cũng không ngạc nhiên”.

“Ông Trump sẽ rời cương vị một cách hỗn loạn – 1 tuần sau khi Hạ viện luận tội ông lần thứ hai, 2 tuần sau khi người ủng hộ ông gây bạo loạn chết người ở Điện Capitol, 6 tháng sau khi ông khiến chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân bị vướng vào bê bối chính trị, và sau 4 năm liên tiếp bẻ cong sự thật”, ông Baron viết.

le nham chuc ong Biden anh 1

Ông Trump coi quân đội là “con bài chính trị”

“Bê bối chính trị” của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley – cũng là quan chức quân đội cao nhất của Mỹ – mà ông Baron nhắc đến là việc ông Milley xuất hiện cạnh Tổng thống Trump khi tổng thống đi đến nhà thờ chụp ảnh hồi tháng 6/2020.

Sự kiện xảy ra trong lúc phong trào biểu tình vì mạng sống của người da đen (Black Lives Matter) đang dâng cao ở Mỹ. Ngay trước chuyến đi của ông Trump, người biểu tình ôn hòa bị dẹp đi một cách bạo lực để mở đường cho tổng thống ra trước nhà thờ.

Tướng Milley sau đó đã phải xin lỗi vì xuất hiện cạnh ông Trump. Ông thừa nhận việc làm đó tạo ấn tượng xấu rằng quân đội Mỹ đang tham gia vào chính trị hoặc đứng về phía tổng thống, giữa lúc phong trào biểu tình phản đối cái chết của George Floyd đang lan rộng cả nước.

“Có lẽ như vậy là tốt nhất”, ông Baron viết về việc không làm lễ tạm biệt cho Tổng thống Trump. “Ông Trump đã dùng quân đội như con bài chính trị kể từ ngày đầu tiên lên nắm quyền, từ việc ký mũ ‘Make America Great Again’ cho quân lính, đến việc có những diễn văn đầy chính trị đảng phái ở ngay trong Lầu Năm Góc”.

le nham chuc ong Biden anh 2
Người biểu tình ôn hòa bị cảnh sát giải tán bằng hơi cay để Tổng thống Trump ra chụp ảnh trước nhà thờ hồi tháng 6/2020. Ảnh: AFP.

Vinh dự dành cho các tổng thống trước Các tổng thống tiền nhiệm từng tạm biệt quân đội bằng những buổi lễ trang trọng. Chẳng hạn, lễ tạm biệt của Lực lượng Vũ trang đầu tiên được tổ chức năm 1989 cho cựu Tổng thống Ronald Reagan.

Ông Reagan biến buổi lễ thành dịp để vinh danh những người khoác quân phục, và để động viên quân đội, nhất là khi thời kỳ trước đó quân đội bị chỉ trích vì Chiến tranh Việt Nam.

“Uy tín của lực lượng chiến đấu đã được khôi phục sau thời kỳ… chê bai, lên án những người nhập ngũ như các bạn. Sẽ không bao giờ có những ngày như vậy nữa”, ông phát biểu.

Bốn năm sau, ông George H. W. Bush cũng được tổ chức lễ tạm biệt, tận dụng bài phát biểu để kêu gọi người kế nhiệm Bill Clinton không cắt ngân sách quốc phòng.

Đến năm 2001, ông Bill Clinton trong lễ tạm biệt đã cảm ơn quân đội vì đã góp phần “xây dựng một châu Âu hòa bình, không bị chia rẽ, và dân chủ sau thập niên 1990”.

“Nhờ các bạn, nhờ việc chung tay với các đồng minh NATO, mà nạn thanh trừng sắc tộc ở Nam Tư (cũ) đã chấm dứt, người tị nạn đã trở về nhà, và tự do lại có cơ hội được nảy nở”, ông phát biểu.

Tại lễ tạm biệt năm 2009, ông George W. Bush cảm ơn quân đội vì hai cuộc chiến đầy tranh cãi mà vị tổng thống tiến hành ở Afghanistan và Iraq.

Đến lượt lễ tạm biệt của mình, ông Barack Obama được quân lính hò reo hưởng ứng. Dù vậy, có một số người phê phán việc ông chụp ảnh với những binh lính đã chịu gian khổ nhất trong việc chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS), cho rằng ông chỉ muốn củng cố hình ảnh của mình.

le nham chuc ong Biden anh 3
Ông Obama duyệt đội danh dự trong lễ tạm biệt mà quân đội tổ chức cho ông tháng 1/2017. Ảnh: AP.

Về cá nhân, ông Obama có quan hệ tốt với một số lãnh đạo quân đội và cả cấp dưới. Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama dùng chức vị của mình để hướng sự chú ý của truyền thông tới các chương trình dành cho gia đình quân nhân và thương binh. Những chuyến thăm tới bệnh viện quân đội được mô tả sâu sắc trong cuốn tự truyện Becoming của bà.

Đệ nhất Phu nhân Melania Trump dành rất ít thời gian và ưu tiên cho các vấn đề cựu binh, theo ông Baron.

“Không rõ là ông Trump có chút quan hệ nào với quân lính hay không”, ông Baron bình luận. “Đến nước này, bất cứ ý định nào muốn tổ chức lễ với quân đội sẽ chỉ được đón nhận một cách hờ hững. Sẽ có những người cổ vũ, nhưng sẽ có nhiều người đặt câu hỏi về động cơ hay sự chân thành”.

Trong những ngày nước Mỹ đầy chia rẽ vừa qua, các lãnh đạo quân đội đã phải lên tiếng khẳng định quân đội có trách nhiệm bảo vệ và phục vụ theo Hiến pháp nước Mỹ, chứ không phục vụ cho Tổng thống Trump và nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử không hề có cơ sở của ông.

“Tổng thống Reagan từng nói năm 1989 rằng việc làm tổng tư lệnh là ‘nghĩa vụ quan trọng, thiêng liêng nhất của tổng thống Mỹ’”, ông Baron viết. “Ông Reagan dùng câu cuối cùng khi phát biểu trước binh lính để nói những từ đơn giản mà ông Donald Trump sẽ không bao giờ có cơ hội được nói, vì chính những hành xử của ông: ‘Thay mặt nước Mỹ, tôi cảm ơn các bạn’”.

Trọng Thuấn

Tags :
Đọc nhiều