Quan điểm của Chính phủ như thế nào khi làm cao tốc Bắc – Nam?
Đó là chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), còn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thì khẳng định: “Phải đảm bảo an ninh – quốc phòng cho Tổ quốc”.
Ngày 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên “tái chất vấn” các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau chất vấn và giám sát chuyên đề kể từ đầu nhiệm kỳ.
Có 15 bộ trưởng, trưởng ngành và Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội mời đến để trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Phiên chất vấn còn được kết nối trực tiếp đến các đoàn ĐBQH của 63 tỉnh, thành phố.
Dư luận rất quan tâm dự án cao tốc Bắc – Nam
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chất vấn về vấn đề đang được cử tri quan tâm nhất là thực hiện nghị quyết của Quốc hội về xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết quan điểm chính thức của Chính phủ trước những vấn đề dư luận đặt ra.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ triển khai dự án này dựa trên 3 nguyên tắc: Thứ nhất là thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra; Thứ hai là công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật; Thứ ba, đây là dự án tác động lớn đến kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng nên cần quan tâm đặc biệt.
“Đây là dự án có ý nghĩa kinh tế nhưng phải đảm bảo an ninh quốc phòng cho Tổ quốc” – ông Thể nói.
Trả lời chất vấn về tiến độ các dự án thuộc tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Bộ trưởng Thể khẳng định đây là tuyến quan trọng nhất đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Dự án này đã được triển khai chục năm nay, tiến độ chậm. Vừa qua Chính phủ đã bổ sung nguồn vốn hơn 2.000 tỉ đồng cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư cũng đã bỏ vào hơn 3.000 tỉ. Hiện cần khoảng hơn 6.000 tỉ đồng từ các tổ chức tín dụng” – Bộ trưởng Thể nói.
Ông cho biết vừa qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước VN cũng đã làm việc với các tổ chức tín dụng để có thể sớm bố trí được vốn cho dự án. Nếu huy động đủ vốn thì đến cuối năm 2020 thì tuyến Trung lương – Mỹ Thuận sẽ được thông tuyến.
Không để “não người Việt Nam ở nước ngoài”
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT về quản lý mạng xã hội. Theo ông Vượt, mạng xã hội bây giờ không phải là ảo mà là thật, có nhiều tác động xấu như đưa tin giả, kích động biểu tình chống Đảng, Nhà nước…
“Bộ trưởng nguyên là lãnh đạo một nhà mạng lớn có nhiều kinh nghiệm, xin cho biết khi nào VN có mạng mới, chất lượng, thay thế cho các mạng nước ngoài?” – đại biểu Vượt nêu chất vấn.
Đáp lời, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định điều đầu tiên muốn quản lý được thì phải nhìn thấy. Trong thời gian qua bộ đã đầu tư Trung tâm giám sát không gian mạng quốc gia, giám sát được thông tin trên không gian mạng, gồm báo chí, mạng xã hội. Trung tâm này mỗi ngày xử lý được khoảng 100 triệu tin, có thể đánh giá, phân loại thông tin tích cực, tiêu cực.
“Từ đó chúng ta tác động để giảm thông tin tiêu cực, hiện nay theo đánh giá thì thông tin tiêu cực chỉ còn khoảng 10% (trước đây hơn 30%)” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Như vậy, thông tin xấu, độc nếu trước đây chiếm tỉ lệ chủ yếu thì nay đã giảm đáng kể.
Người đứng đầu Bộ TT-TT cũng khẳng định thời gian qua các cơ quan chức năng đã làm việc tích cực với các nhà mạng nước ngoài như Facebook, YouTube để yêu cầu họ gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam. Đến nay, Facebook đã thực hiện 75% các yêu cầu của cơ quan nhà nước, YouTube cũng thực hiện 80% các yêu cầu…
Đối với yêu cầu xây dựng mạng xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng phân tích: Nếu VN không xây dựng được mạng xã hội của chính mình thì tất cả những dữ liệu chúng ta viết, đọc, mua bán đều lưu trữ ở nước ngoài, nói vui là “não người VN ở nước ngoài”. Điều này làm nảy sinh nguy cơ là các dữ liệu cá nhân của người Việt Nam có thể bị sử dụng vào những việc khác, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng hiện nay có khá nhiều cơ hội để các công ty công nghệ VN phát triển các mạng xã hội của Việt Nam, ngày càng thu hút được nhiều người Việt Nam tham gia. Một số mạng mới của chúng ta đã có bộ lọc để dọn rác ngay chính trên mạng đó.
LÊ KIÊN/Tuổi Trẻ