8
category
454683

Phường ra thông báo, hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh “phát sốt”

08/12/2020 06:09

Hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh dọc trục đường Cổ Linh (quận Long Biên) “phát sốt” khi nhận được thông báo yêu cầu di dời cây cối quá gấp gáp để thu hồi mặt bằng.

Mấy ngày qua, vợ chồng anh Nguyễn Anh Tài (chủ cửa hàng kinh doanh cây cảnh Đại Ngọc Thạch, đường Cổ Linh, phường Long Biên đứng ngồi không yên khi nhận được thông báo phải di dời cây cối, trả lại mặt bằng kinh doanh theo thông báo của phường.

“Thông báo được gửi vào ngày chủ nhật, phường yêu cầu chúng tôi phải di dời toàn bộ cây cảnh trong vài ngày, nếu không sẽ thực hiện cưỡng chế vào ngày 10/12 tới đây. Thông báo này khiến chúng tôi trở tay không kịp” – anh Tài cho hay.

Phường ra thông báo, hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh “phát sốt”
Hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh dọc đường Cổ Linh “phát sốt” vì thời hạn di dời cây trồng đang cận kề

Cùng chung hoàn cảnh của chủ cửa hàng cây cảnh Đại Ngọc Thạch, hàng chục vựa cây dọc trục đường Cổ Linh cũng phải di dời để hoàn trả mặt bằng.

Các hộ kinh doanh cho biết, họ thuê mặt bằng buôn bán cây cảnh khoảng 5 – 6 năm nay. Khu vực này là đất nông nghiệp xen kẹt của các hộ dân phường Long Biên, chưa biết thuộc dự án nào.

Với đặc thù riêng của nghề cây, cây cảnh phải trồng đất, tưới tắm hàng ngày…, việc di dời trong một sớm một chiều là rất khó khăn.

“Theo thông báo, chúng tôi phải di dời trong 3 – 4 ngày. Điều này không khác gì đánh đố, bởi phải có mặt bằng chúng tôi mới có chỗ để di chuyển cây sang chỗ đó.

Phường ra thông báo, hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh “phát sốt”
Anh Nguyễn Anh Tài một hộ thuê mặt bằng kinh doanh hoa, cây cảnh trên khu đất đang bị thu hồi

Mặt khác, mặt hàng cây cối toàn đồ nặng do trồng trong chậu, chưa nói những cây trồng dưới đất, phải có thời gian đánh cây, chuyển cây, phải thuê xe cẩu mới cẩu được. Nó không như những mặt hàng khác, cứ đóng bọc, cất vào kho là được” – anh Tài lập luận.

Theo các chủ cây, để di dời một một vựa cây chí ít cũng phải mất cả tháng trời, do những cây trồng dưới đất phải đánh bầu, truyền… trong thời gian một vài tuần, sau đó mới di chuyển sang chỗ khác được.

Dọc đoạn đường Cổ Linh từ ngã tư cầu vượt xuôi theo đường dẫn ra Quốc lộ 5, có khoảng 30 – 40 cửa hàng kinh doanh cây cảnh. Từ lâu, khu vực này là địa chỉ quen thuộc cung cấp cây cảnh cho người dân Hà Nội về trang trí, làm đẹp cho ngôi nhà của mình.

Các hộ thuê mặt bằng kinh doanh cây cảnh đều là người ngoại tỉnh, những vùng có nghề trồng hoa cây cảnh nổi tiếng như Hưng Yên, Nam Định… Nguồn thu nhập chính của cả gia đình đều trông chờ vào vựa cây thuê mặt bằng trên đất xen kẹt như thế này.

Phường ra thông báo, hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh “phát sốt”
Gần 1 tháng qua, việc kinh doanh của các vựa cây gặp khó khăn do mặt tiền biến thành công trường… thi công rãnh thoát nước

Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Nam Trực, Nam Định) cho hay: mỗi một tháng, tiền thuê mặt bằng 15 – 20 triệu đồng. Vì là đất kẹt, thuộc dự án nên chủ đất không thể giao dịch chuyển nhượng hay xây nhà, công trình kiên cố. Đất bỏ không cũng phí, các hộ kinh doanh cây cảnh tìm đến thuê để trưng cây, bán cây, dần dần thành “phố hoa”.

Bà con đi qua khu vực này luôn bị cuốn hút bởi sắc màu sặc sỡ của nhiều loại cây cảnh cùng khoe sắc. Tuy nhiên, trái ngược với vẻ tươi tắn của hoa, những chủ kinh doanh phải sống trong điều kiện chật hẹp, tạm bợ, vì không được xây cất công trình kiên cố trên đất nông nghiệp xen kẹt, bị quy hoạch làm dự án.

Xin gia hạn di dời

Anh Tài cho hay, nguyện vọng của các hộ kinh doanh cây cảnh là được gia hạn qua Tết âm lịch để có thời gian tìm mặt bằng mới. Ngoài ra, lý do quan trọng nhất là cái Tết đang sắp đến, đây là thời điểm mặt hàng hoa, cây cảnh bán được nhiều nhất trong năm.

“Cả năm chúng tôi chỉ trông chờ vào mỗi dịp này để kiếm cái Tết về cho con. Năm nay đã khó khăn do dịch dã, nếu phải đóng cửa, di chuyển sang chỗ khác thì cây cối của chúng tôi chết hết, vì không có chỗ để đồng nghĩa với việc cây không được chăm sóc, tưới tắm”.

Phường ra thông báo, hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh “phát sốt”
Theo anh Tài, những đống đất to án ngữ, bịt kín lối đi không khác gì việc ngăn cản khách đi đường dừng xe xem cây

Anh Tài cho biết, sáng nay, 7/12, đại diện các hộ kinh doanh đã gửi đơn tập thể xin gia hạn di dời.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, chủ trương thu hồi đất nông nghiệp xen kẹt tại đường Cổ Linh (phường Long Biên, quận Long Biên) được quận triển khai từ năm 2017 nhưng vấp phải phản đối của các hộ dân.

Nhiều đơn thư, khiếu kiện, thậm chí đơn khởi kiện quyết định hành chính của quận Long Biên liên quan tới việc thu hồi khu đất này đã được người dân khởi kiện ra TAND TP.Hà Nội.

Theo đó, QĐ số 5473/QĐ-UBND ngày 31/10/2017 của UBND quận Long Biên về việc phê duyệt dự án có tên “hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật ô đất thuộc ô quy hoạch G.2 phụ cận tuyến đường 40m phường Long Biên” với mục tiêu: giải phóng mặt bằng, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật để quản lý theo quy hoạch; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường…

Phường ra thông báo, hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh “phát sốt”
Các hộ kinh doanh đã ký đơn xin lùi thời hạn di dời vì đang bước vào vụ bán cây cảnh dịp Tết sắp cận kề

34 hộ dân có đất thuộc khu đất ký hiệu G.2 bị thu hồi đã phản đối với lý do: quận Long Biên thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khi chưa có dự án. Trong khi đó, những hộ dân này đã có nhà ở ổn định từ năm 1987 đến nay.

Các hộ dân cho rằng, đất thu hồi sau đó sẽ được chuyển đổi, phân lô bán đất chứ chưa có dự án rõ ràng, cụ thể.

Thông tin với VietNamNet, Chủ tịch phường Long Biên Nguyễn Đức Hùng cho hay, chủ trương thu hồi đất phục vụ dự án thuộc thẩm quyền của UBND quận. Phường được giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, yêu cầu các hộ kinh doanh trên đất bị thu hồi phải di chuyển tài sản, cây trồng vật nuôi trên đất, trả lại mặt bằng.

Một cán bộ địa chính phường Long Biên xác nhận, các hộ kinh doanh cây cảnh đã có đơn xin gia hạn lùi thời gian di dời cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, phường không có quyền, thẩm quyền thuộc UBND quận.

“Chúng tôi được giao nhiệm vụ chuyển thông báo tới các hộ kinh doanh. Về mặt pháp lý, họ không phải là chủ đất nên phải tuân thủ, thực hiện theo thông báo. Nếu không thực hiện, sẽ bị cưỡng chế vào thời gian tới đây” – cán bộ địa chính thông tin.

Phường ra thông báo, hàng chục hộ kinh doanh cây cảnh “phát sốt”
Sự lo lắng của các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ dự án cải tạo hạ tầng.

Ngày 24/11/2020, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường đã có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội về công tác GPMB, thu hồi đất dự án Hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật ô số ký hiệu G.2.

Theo báo cáo này, UBND quận Long Biên sẽ tiến hành thu hồi khu đất có diện tích hơn 2.000m2 nằm đối diện với Trung tâm thương mại Aeon, nằm sát mặt đường Cổ Linh có bề rộng 40m.

Quận Long Biên giao Trung tâm phát triển quỹ đất quận trực tiếp làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB, tuy nhiên các hộ dân không hợp tác, không nhận tiền, không chấp hành việc bàn giao mặt bằng.

Ngày 23/11/2020, UBND quận Long Biên đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với 34 hộ dân nói trên.

Phó Chủ tịch quận Long Biên cho biết, do dự án có nhiều đơn phức tạp, để thống nhất nội dung thực hiện dự án, UBND quận báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính để thu hồi đất của 34 hộ dân.

Theo phương án thu hồi, mỗi hộ dân được nhận đền bù với mức tiền 1,515 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá đất giao dịch tại khu vực mặt tiền đường Cổ Linh đang ở mức hàng trăm triệu đồng/m2.

Kiên Trung/VNN

Tags :
Đọc nhiều