Phương châm “dân tin, Đảng cử” là giải pháp tốt cho công tác nhân sự

30/07/2020 06:04

Ông Ngô Văn Sửu cho rằng, không nên lấy ý kiến của một nhóm người rồi biến thành ý kiến của đa số người dân.

Mỗi kỳ đại hội Đảng, vấn đề nhân sự luôn được dư luận đặc biệt quan tâm, không phải nó là một trong 2 yếu tố quan trọng nhất của một nhiệm kỳ đại hội mà đây cũng là vấn đề cực kỳ khó khăn, nhạy cảm. Mục tiêu đặt ra là phải tìm được những người có đủ tâm, tầm và tài để lãnh đạo mới mong đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nhưng làm sao để nhân sự đại hội – ý Đảng phải hợp với lòng dân mới là câu chuyện đáng nói.

phuong cham "dan tin, dang cu" la giai phap tot cho cong tac nhan su hinh 1
 Phương châm “dân tin Đảng cử” là giải pháp tốt cho công tác nhân sự.   

Ở một vài đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở, nhân sự được giới thiệu đã không trúng cấp ủy, có thể hiểu là ý Đảng chưa hợp với lòng dân. Trước câu chuyện ấy, nhiều quan điểm khá bình thản cho rằng, đó là chuyện hoàn toàn bình thường, thậm chí đáng mừng, đáng hoan nghênh nếu đó là kết quả bầu thực sự vô tư, trong sáng, chứ không phải là kết quả của sự đấu đá bè phái. Như vậy cũng có nghĩa tính dân chủ trong Đảng đã được phát huy.

Cũng có hiện tượng, dù trúng cử vào cấp ủy, thậm chí được bầu vào vị trí Bí thư nhưng số phiếu thấp, chỉ đạt hơn quá bán, dù đúng quy định nhưng dư luận vẫn không khỏi băn khoăn. Thậm chí, có người được chỉ định vào vị trí cao nhất không qua bầu bán, dù không sai quy trình nhưng nhân dân chưa chắc đã tâm phục, khẩu phục. Với những trường hợp như vậy, rõ ràng, ý Đảng và lòng dân còn tồn tại khoảng cách.

Lý giải hiện tượng này, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: Nhân sự ở vị trí cao nhất thường nằm trong quy hoạch, được đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đặc biệt phải báo cáo, tham khảo ý kiến của đơn vị làm công tác tổ chức. Cho nên, trong câu chuyện này, có hay không việc “nâng đỡ không trong sáng” chắc chỉ có người chỉ định mới biết. Rồi trong quy hoạch cho vị trí đó, có bao nhiêu người, có ai nổi trội hơn người đã được chỉ định hay không, chỉ có cấp ủy ở đó mới biết. Dư luận băn khoăn là một chuyện, nhưng bản thân người chỉ định đã thực sự công tâm, gương mẫu hay chưa?.

“Công tác nhân sự Đại hội cực kỳ nhạy cảm, rồi sự “đứt gánh giữa đường” của nhiều cán bộ trẻ thuộc diện “con ông cháu cha” thời gian qua, tôi tin chắc người chỉ định cũng như cấp ủy ở đây đã có sự cân nhắc, đồng thời cũng phải đảm bảo quy trình về công tác cán bộ cũng như dân chủ trong việc lấy tín nhiệm của quần chúng nhân dân mới đưa ra quyết định như vậy”.

phuong cham "dan tin, dang cu" la giai phap tot cho cong tac nhan su hinh 2
Ông Ngô Văn Sửu

Ông Sửu bày tỏ như vậy, đồng thời cho rằng, không thể có việc lấy quyền hành để áp đặt, chỉ định. Nếu có thì cũng khó thực hiện. Trường hợp này chỉ xảy ra khi mà tính dân chủ không được đảm bảo đầy đủ, rộng rãi. Thông thường, công tác cán bộ phải qua tập thể cấp ủy xem xét, đánh giá cả quá trình công tác rồi lấy phiếu tín nhiệm. Trong công tác cán bộ, quy trình làm không chặt chẽ, cán bộ sau này sẽ rất khó làm việc.

“Thực tế nhiều vụ việc thời gian qua khiến dư luận “nhạy cảm” trước việc đề bạt, bổ nhiệm nhân sự nào đó thuộc diện “con ông, cháu cha”. Do vậy việc đánh giá cán bộ không thể tùy tiện mà phải thực sự khách quan, công tâm. Cùng với đó, tôi cho rằng, phương châm “dân tin Đảng cử” là giải pháp tốt cho công tác nhân sự. Không chỉ bây giờ mà trước đây, phương châm này đã được vận dụng nhiều. Tuy nhiên cần lưu ý không để xảy ra việc lợi dụng phương châm này để thực hiện được ý đồ. Nghĩa là người ta cũng thăm dò ý kiến, cũng lấy tín nhiệm nhưng ý kiến thăm dò, tín nhiệm có thực chất hay không?, dư luận có được phát huy đầy đủ dân chủ để nói lên thực tế hay không?. Đừng lấy ý kiến của dân bằng cách phổ biến những thứ chung chung, rồi lấy ý kiến, người dân đa số sẽ đồng tình chứ mấy ai phản đối. Thực ra họ không đồng tình, trong lòng vẫn thấy bức bối. Dân chủ ấy là rất nguy hiểm, là hình thức”, ông Sửu chia sẻ thêm.

Ông Sửu cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói dân chủ là làm sao phải làm cho dân “mở miệng” nói ra, đó mới điều quan trọng, mới là dân chủ thực chất, nếu không chỉ là hình thức. Bỏ phiếu đều 89, 90% nhưng chắc đâu là thật. Đây là việc khó. Nó tùy thuộc vào người đi lấy ý kiến của dân, cách họ lấy ý kiến ra sao, có thật lòng, có tôn trọng, lắng nghe dân hay không. Anh phải nghe hết, nghe một cách toàn diện, cụ thể kể cả những mặt trái để về báo cáo lại. Cấp ủy nghe báo cáo cũng phải nghe như thế, cả tập thể cấp ủy cùng phải nghe, chứ không chỉ riêng Bí thư.

“Muốn có dân chủ thực chất, theo tôi cần trở lại nguyên tắc cũ là dân chủ tập trung, đấy là cái gốc. Trước đây, trong quy luật phát triển của Đảng, yếu tố dân chủ luôn được nêu ra đầu tiên, dựa trên ý kiến của dân, sau đó mới tập trung lại thành ý kiến chung. Chứ không phải tập trung dân chủ, lấy ý kiến của một nhóm người biến thành ý kiến của đa số người dân. Có vậy mới hạn chế được ý định của một nhóm người áp đặt cho một tập thể đa số”, ông Sửu nhấn mạnh.

Thanh Hà/ VOV

Đọc nhiều