2
category
320109

Phú Quốc sơ tán 1.200 người dân khỏi nơi ngập nguy hiểm

09/08/2019 21:33

Đến tối 9/8, mưa vẫn đổ xuống Phú Quốc khiến tình hình ngập lụt trên đảo càng nghiêm trọng, người dân tiếp tục được sơ tán đến nơi cao ráo.

Chính quyền địa phương huy động hơn 1.000 người thuộc các lực lượng gồm: Lữ đoàn 950 (Quân khu 9), quân sự, biên phòng, công an, dân quân tự vệ, đoàn thể cùng nhiều ôtô, thuyền, phao bè cứu sinh thực hiện cứu hộ, hỗ trợ người dân tại hàng chục điểm ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn.

Lực lượng cứu hộ sơ tán dân tại đường Mạc Cửu, thị trấn Dương Đông. 
Lực lượng cứu hộ sơ tán dân tại đường Mạc Cửu, thị trấn Dương Đông.

Các con đường ở khu phố 1, 3, 6, 9, 10 (trung tâm thị trấn Dương Đông) đều mênh mông nước như các dòng sông. Đường vào khu khu phố 9 nước ngập ngang đầu. Nhiều người dân phải vòng qua con đường nhỏ ở khu phố 10, nơi đầu rạch Ông Trì. Do nước chảy xiết nên mọi người giăng dây thừng rồi bám đi vào khu phố 9. Khoảng bốn, năm người mới khiêng được một xe máy qua đoạn đường nguy hiểm này.

Còn tại đường Mạc Cửu (khu phố 4), nhiều nơi nước ngập gần cả mét, hàng trăm hộ dân sơ tán, cửa nhà đóng kín. Đường Cách Mạng Tháng Tám, Trần Phú, Nguyễn Trung Trực ngập sâu, giao thông tê liệt. Chính quyền huy động ghe, xuồng để di chuyển người dân cùng xe máy đến nơi an toàn. Trong khi đó, tại ấp Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài ở xã Cửa Dương giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều nơi nước ngập sâu gần 3 m.

Ông Trần Văn Thanh, 45 tuổi, cùng bốn người thân trong gia đình ở xã Cửa Dương vừa được sơ tán vào nhà người quen cho biết, mưa cả đêm qua, nước dâng liên tục, gần chục gia đình chung xóm ai cũng lo sợ, không dám ngủ. Sáng sớm mưa không ngớt, nhà ngập cả mét, đúng lúc đoàn cứu hộ đưa xuồng đến chở đi, ai cũng mừng rỡ.

“Nhà tôi bây giờ nước ngập chắc gần tới nóc rồi, mưa gió kiểu này thì chưa biết khi nào quay lại được. Từ nhỏ tới giờ mới thấy trận mưa và ngập lụt kinh hoàng thế này”, ông Thanh nói.

Tối cùng ngày, chính quyền địa phương vẫn đang cứu trợ cho những gia đình gặp nạn. Các chủ nhà nghỉ, khách sạn ở khu vực cao ráo đã chủ động mở cửa cho người dân bị ngập nhà tá túc. Nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm tự bỏ kinh phí mua nhu yếu phẩm, nấu cơm mang đến các điểm sơ tán phát miễn phí cho người dân.

Tại Trường tiểu học Dương Đông 1 và tiểu học Dương Đông 4, hàng chục người dân đang ở tạm, nằm vật vờ. Anh Trần Văn Toàn (quê huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết cùng vợ ra đảo Phú Quốc được hai tháng. Hàng ngày anh bốc vác ximăng thuê. Khi nhà trọ bị ngập cao đến ngực, vợ chồng anh và nhiều người được lực lượng cứu hộ đưa đến trường học. “Khi vào đây, tôi thấy rất an toàn. Mọi người được phát cơm ăn miễn phí nên mừng lắm”, anh Toàn nói.

Một điểm cung cấp bánh mì miễn phí cho người dân bị ngập lụt tại thị trấn Dương Đông.  
Một điểm cung cấp bánh mì miễn phí cho người dân bị ngập lụt tại thị trấn Dương Đông.

Trong ngày lực lượng cứu hộ đã sơ tán khoảng 1.200 người dân tại các vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn. Họ tiếp tục ứng trực 24/24 ở những nơi xung yếu để ứng phó tình huống xấu xảy ra.

Trận ngập nặng nhất từ trước đến nay cũng làm đường băng sân bay Phú Quốc đọng nước, tầm nhìn thấp… khiến sân bay phải đóng cửa, dự kiến hoạt động trở lại lúc 20h30 hôm nay. Hơn 1.500 hành khách đang bị kẹt.

Ông Huỳnh Quang Hưng (Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc) cho biết, trong vòng 15 tiếng qua, lượng mưa đo được là 355 mm, cao nhất từ trước đến nay. Lượng nước mưa cộng với triều cường dâng cao đã làm hơn 3.000 căn nhà bị ngập tập trung ở hai thị trấn Dương Đông, An Thới và các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Cửa Cạn.

Lãnh đạo UBND huyện Phú Quốc cho biết sẽ tổ chức tiêu độc khử trùng và phòng chống dịch bệnh; đồng thời nạo vét khơi thông cống rãnh, tập trung xử lý các khu vực sông suối bị lấn chiếm.

Về lâu dài, Phú Quốc kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang cho khảo sát, quy hoạch đồng bộ hệ thống sông, suối, thoát nước cho toàn đảo; nâng cấp hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông cho phù hợp với tốc độ phát triển; xây dựng kè chống lấn chiếm sông Dương Đông, rạch Ông Trì; nghiên cứu đầu tư hồ điều tiết nước cho thị trấn Dương Đông. Đồng thời, chính quyền vận động người dân nâng cao ý thức về thoát nước đô thị, trách nhiệm cộng đồng…

Các tỉnh đang bị ảnh hưởng của mưa lũ.  
Các tỉnh đang bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Ngoài Phú Quốc, những ngày qua, do ảnh hưởng gió mùa Tây Nam và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, mưa lũ ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp.

Tại Lâm Đồng, hàng trăm căn nhà cùng nhiều diện tích hoa màu của người dân huyện Bảo Lộc, Lạc Dương bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Trong lúc tham gia cứu hộ, ông Hoàng Minh Tú, công an viên xã Lộc Châu (huyện Bảo Lộc) bị nước cuốn chết.

Tại Đăk Lăk, gần 800 căn nhà và hàng nghìn hecta hoa màu ở huyện Ea Sup và Buôn Đôn bị ngập nặng, giao thông chia cắt. Ông Hoàng Trung Tùng (65 tuổi, ở huyện Cư Mgar) bị nước lũ cuốn chết khi men theo con suối về nhà.

Tại Đăk Nông, chiều 8/8, thi thể anh Trần Văn Hiệu (28 tuổi) cùng vợ Đỗ Thị Yến (25 tuổi) và con gái Trần Thị Diệu (2 tuổi) được tìm thấy trong căn nhà sập hoàn toàn do sạt lở đồi ở giữa hồ thủy điện Đăk Sin 1. Đập thủy điện Đăk Kar được cảnh báo có nguy cơ vỡ, 400 hộ dân xung quanh phải sơ tán.

Ở Gia Lai, bé Rơ Châm Khải (7 tuổi, huyện Chư Prông) đã chết khi bị dòng chảy mạnh cuốn vào cống.

(Theo VnExpress)

Đọc nhiều