2
category
334187

Phụ huynh ở Thanh Hóa phát hoảng với nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm trầm trọng

26/11/2019 13:02

Nguồn nước mà học sinh trong các trường học và nhân dân đang sử dụng để sinh hoạt có thực sự an toàn nếu chứng kiến những hình ảnh dưới đây?
LTS: Sau sự cố nước sinh hoạt sông Đà bị nhiễm dầu thải ở Hà Nội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh học sinh ở các tỉnh thành về nguồn nước.

Đa số ý kiến tỏ ra lo lắng bởi nguồn nước đầu vào không đảm bảo; công nghệ xử lý không rõ ràng nhưng hàng ngày con em họ vẫn phải dùng khi đến trường.

Dưới đây là chuyện nguồn nước ở thành phố Thanh Hóa.

Kênh Bắc (hay gọi là sông Nông Giang) dài hơn 50 km, lấy nước từ đập thủy lợi Bái Thượng trên sông Chu, sau đó chảy qua các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa.

Ngoài nhiệm vụ tưới tiêu cho hơn 50.000 ha đất sản xuất nông nghiệp cho các địa phương, Kênh Bắc còn là nguồn cấp nước thô cho nhà máy sản xuất nước sinh hoạt phục vụ hàng vạn người dân thành phố Thanh Hóa với lưu lượng nước hơn 50.000m3/ngày, đêm.

Nhiều người dân tại khu vực này cho hay, tình trạng Kênh Bắc bị bủa vây bởi rác thải và xác chết động vật từ trên đầu nguồn chảy về ứ đọng tại các cống kênh, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân nơi đây. Họ cũng đề nghị các cấp chính quyền sớm quan tâm giải quyết tình trạng ô nhiễm này.

“Nguyên nhân Kênh Bắc bị ô nhiễm môi trường do người dân vứt các loại rác thải và xác chết động vật xuống kênh khiến nguồn nước bị ô nhiễm.

Xác động vật chết trôi theo dòng Kênh Bắc (Ảnh: QT).

Nhìn mắt thường cũng có thể thấy hàng tấn rác thải đang tồn đọng dưới lòng kênh gây ô nhiễm mà chưa được xử lý”, một người dân (đề nghị giấu tên) thông tin.

Theo quan sát nguồn dẫn nước qua Kênh Bắc là kênh mương hở, bất kỳ rác thải nào cũng có thể xuống kênh, đặc biệt các là người dân làm đồng có thói quen súc rửa thuốc bảo vệ thực vật, xác động vật và đủ thứ rác thải sinh hoạt từ các nhà máy, chợ dân sinh, khu dân cư…

Tình trạng trên khiếu nhiều người dân tỏ vẻ băn khoăn, liệu từ trước tới nay, nguồn nước con em họ đang sử dụng trong các nhà trường, nguồn nước sinh hoạt hàng ngày tại thành phố Thanh Hóa liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn?

“Chúng tôi cần được biết, hiện nay nhà máy nước Mật Sơn, nhà máy nước Quảng Xương (cấp nước cho người dân thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn) và một số nhà máy khác đang sử dụng công nghệ gì? Chất lượng ra sao? Có đảm bảo cho sức khỏe không?

Người dân chúng tôi rất muốn có hệ thống ống nước như đường ống dẫn nước Sông Đà để chống ô nhiễm từ nguồn.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay kênh mương này vẫn hở toang, vẫn nhận tất các rác thải theo dòng chảy về nhà máy, ô nhiễm ngày càng trầm trọng”, một hộ dân khác kiến nghị.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, trước mắt cấp chính quyền cần có phương án xử lý hệ thống dẫn nước, phải có đường ống, không để hở như hiện nay.

Các chỉ số như về chất lượng nước, về sức khỏe người dân cũng cần được đánh giá khoa học, khách quan để trả lời rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để dân được yên tâm.

Dưới đây là một số hình ảnh ô nhiễm thường thấy trên Kênh Bắc:

Đủ loại rác thải đủ xuống Kênh Bắc (Ảnh: QT).
Ngay cả tại hồ lắng trước khi vào nhà máy xử lý cũng được bảo vệ sơ sài, nếu ai đó có ý đồ xấu đầu độc nguồn nước thì rất nguy hiểm.
Ngay cả khi trơ đáy Kênh Bắc vẫn “nhận” đầy rác (ghi nhận ngày 28/9/2019).
Rác đầy Kênh Bắc khi trơ đáy (Ảnh ghi nhận ngày 20/11/2019).

Bình Nguyên

(Theo Giáo Dục Việt Nam)

Tags :
Đọc nhiều