425
category
434999

Phụ huynh bị cô lập vì phản đối tiền quỹ lớp ở Hà Nội, Bộ GD-ĐT nói gì?

01/10/2020 19:49

Việc một phụ huynh bị xúc phạm và cô lập ngay trong nhóm phụ huynh của lớp con mình vì không đồng ý các khoản thu quỹ lớp đã gây xôn xao dư luận mấy ngày gần đây. 

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) nói về sự cần thiết của Ban đại diện cha mẹ học sinh /// ẢNH THẾ ĐẠI
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) nói về sự cần thiết của Ban đại diện cha mẹ học sinh

Phụ huynh và học sinh bị cô lập vì không nộp quỹ lớp

Trong những ngày qua, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh xôn xao bàn tán câu chuyện 1 người mẹ bị xúc phạm trong nhóm trao đổi chung của lớp do từ chối đóng khoản tiền do ban đại diện phụ huynh của lớp con chị  đưa ra. Người mẹ này có con trai đang học lớp 10 tại Trường THPT Trương Định (Hà Nội).

Theo lời của vị phụ huynh này, trong buổi họp đầu năm, hội phụ huynh của lớp đề nghị mỗi phụ huynh đóng 1,5 triệu đồng tiền quỹ lớp. Tuy nhiên, một số phụ huynh đã phản đối vì cho rằng số tiền này quá cao. Vì thế, hội phụ huynh lớp này đã đi đến thống nhất sẽ thu tiền quỹ là 700.000 đồng.

Trong số các khoản được hội phụ huynh liệt kê, phụ huynh này cho rằng có những khoản không đúng với những tiêu chí dành cho học sinh của lớp như: Đại hội Đoàn, sinh hoạt dưới cờ,… Người mẹ này cũng đã đề nghị giải thích rõ hơn nhưng không nhận được câu trả lời. Vì vậy, chị từ chối tham gia đóng góp vào quỹ này, mà chỉ đóng 237.000 đồng (bao gồm 100.000 tiền photo tài liệu học tập cho con và 137.000 cho tiền sinh hoạt lớp). Hội phụ huynh cũng đã đồng ý trả lại cho chị 500.000 đồng.

Tuy nhiên, hôm sau khi đi học, con chị lại bị các bạn trêu chọc vì “chỉ đóng hơn 200.000 tiền quỹ”. Phản ánh tới ban phụ huynh, vị phụ huynh này yêu cầu nếu 137.000 không để làm gì thì sẽ lấy lại. Chị cũng từ chối các hoạt động tập thể dùng đến tiền quỹ không phải do nhà trường tổ chức.

Trước phản hồi này, phụ huynh nói trên đã bị xóa tên khỏi nhóm trao đổi chung của lớp, đồng thời, bị nhiều phụ huynh khác “chấn chỉnh” bằng những lời lẽ cay nghiệt: “Đừng biến mình thành con rắn độc lên mặt dạy đời ai ở đây…”, “Hãy giữ cho con mình chút sĩ diện còn lại, đừng cướp mất tuổi thơ của chúng nó vì sự ngông cuồng của mình”, “Thật ghê tởm cho con người đó”,…

Phụ huynh bị cô lập vì phản đối tiền quỹ lớp ở Hà Nội, Bộ GD-ĐT nói gì? - ảnh 1
Phụ huynh phản đối các khoản thu quỹ lớp bị phụ huynh khác trong lớp “dạy dỗ” một cách cay nghiệt ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Trao đổi với báo chí, ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, cho biết ngày 29.9, nhà trường đã nhận được đơn thư phản ánh do vị phụ huynh này gửi tới. Trong thư, chị cũng đã đề cập đến áp lực của bản thân và con trai sau vụ việc. Theo ông Dương, do vấn đề này có liên quan trục tiếp đến học sinh, để tránh ảnh hưởng không tốt tới học trò, nhà trường đã tìm cách xử lý.

Ông Dương cho biết, sau sự việc, học sinh T.A có nghỉ học 1 ngày. Nhưng sau khi được động viên bởi các cô giáo, em đã quay trở lại lớp học tập bình thường. Ngày 30.9, một hiệu phó của trường đã phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm em T.A tới để trò chuyện cùng tập thể học sinh của lớp để các em hiểu và dừng các hành động trêu chọc, cô lập bạn…

Về phía phụ huynh, theo ông Dương, nhà trường cần thời gian để tìm hiểu, làm rõ sự việc theo đúng quy trình, từ đó sẽ đưa ra các giải quyết hợp tình, hợp lý.

Theo ông Dương, Ban giám hiệu nhà trường cũng hiểu với những gia đình có điều kiện kinh tế, khoản đóng góp này có thể không đáng kể gì, nhưng với nhiều gia đình, đó lại là một số tiền lớn. Chính vì vậy, mong muốn biết được số tiền bỏ ra sử dụng vào mục đích gì là chính đáng.

“Sự việc này xảy ra có thể do sự trao đổi giữa các phụ huynh chưa thực sự rõ ràng, từ đó đã gây ra sự hiểu lầm. Nhà trường sẽ tiếp tục lắng nghe phụ huynh và có hướng giải quyết cụ thể”, ông Dương nói.

Thu tiền phụ huynh mua một bó hoa tặng cô cũng là sai quy định

Sau một loạt những lùm xùm về việc lạm thu bắt nguồn từ khoản thu mang tên “quỹ lớp” do ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp đặt ra, không ít ý kiến lại nêu vấn đề có nên duy trì ban đại diện cha mẹ học sinh nếu chỉ thu tiền và gây cho phụ huynh ức chế như vậy?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh đã được quy định rõ ràng tại Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT. Luật Giáo dục năm 2019 quy định có ban đại diện cha mẹ học sinh.

Theo ông Thành, cần thực hiện nguyên lý giáo dục là kết hợp giữa gia đình – nhà trường và xã hội. Trách nhiệm phối hợp của gia đình với nhà trường trong giáo dục học sinh là đặc biệt quan trọng. “Do vậy, không phải vì xảy ra một số việc gây bức xúc mà đặt ra vấn đề không duy trì ban đại diện cha mẹ học sinh, mà phải giám sát và chấn chỉnh để hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích”, ông Thành nêu quan điểm.

Ông Thành cũng cho rằng, Thông tư 55 ban hành điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rất chặt chẽ về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban này ở mỗi nhà trường và lớp học.

Bên cạnh đó, điều 10 trong Thông tư quy định về kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh cũng nêu rõ: “Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”.

Ông Thành cũng dẫn lời Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ tại cuộc họp của Bộ này ngày 30.9: “Nếu thu tiền để mua 1 bó hoa tặng cô cũng không được, vì thu như thế là sai so với Thông tư 55 rồi”.

Những khoản ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu

Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT ban hành, quy định, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản như sau:

Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.

Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường;

Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Tuệ Nguyễn/TNO

Đọc nhiều