Phòng thủ dân sự – “Vũ khí mới” để Việt Nam chiến đấu với “giặc Covid -19”
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, khi cả thế giới đã có 15 triệu người nhiễm bệnh với 617 nghìn người tử vong, không ai trong số mấy tỷ người trên địa cầu này dám có câu trả lời khi nào hết dịch. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta ngồi yên để cho nó hoành hành ngang ngược, gieo rắc cái chết như vậy!
Dịch bệnh ập tới quá nhanh và biến đổi hàng ngày về độ phức tạp. Mấy tháng qua cả nhân loại đem sức người vượt sức thiên nhiên nhưng quả thật sự hữu hạn của năng lực loài người chưa bao giờ thể hiện rõ như bây giờ. Khi mà hàng loạt doanh nhân đã nuốt nước mắt đóng cửa cơ nghiệp của mình. Khi mà thành phố sầm uất không một bóng người trên đại lộ. Khi lòng người nghi kỵ nhau trong từng nụ hôn, từng cái bắt tay. Khi khổ đau lan tràn, nghĩ lại những ngày bình yên trước đây sao mà quý giá.
Giờ đây, lãnh đạo tất cả các quốc gia đổ tiền chống dịch dường như không cần định lượng chỉ với mục tiêu cuối cùng là bình an cho đất nước mình. Kinh tế, tăng trưởng đến giờ không còn là thước đo trước sinh mệnh nhân dân. Hơi thở là cái cuối cùng chúng ta cần, và con virus này đang đánh vào hơi thở. Mặc dù, đây có thể là ngón đòn chí mạng của nó khiến hàng loạt vũ khí tối tân nhất thế giới trở nên gỉ sét, hàng loạt nền y tế được coi tiên tiến bậc nhất cũng gần như phải bó tay. Thế nhưng, không có nghĩa là tất cả bất lực trước nó. Và một minh chứng tiêu biểu nhất đó là Việt Nam – một đất nước nhỏ bé nhưng kiên cường, trong quá khứ đã đánh đuổi hàng nghìn quân xâm lăng và nay thời bình cũng đã tạm thời chiến thắng thứ “giặc covid -19” này.
Có thể rất nhiều nước lớn trên thế giới không ngờ được rằng, một đất nước nằm ngay sát bên nơi “sản sinh” ra thứ “giặc covid -19” này lại có thể “chiến đấu” tốt đến thế. Khi hơn nửa dân số thế giới còn đang phải cách ly, thì người dân Việt Nam đã được tự do đi lại, tự tin trao nhau hơi thở, và tiếp tục guồng quay của cuộc sống. Có được thành quả đó, là do Việt Nam đã chủ động ứng phó tốt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Việt Nam đã làm sớm hơn và cao hơn một bước, như khi WHO đưa ra mức “lây nhiễm hạn chế” thì ta đưa ra mức “lây nhiễm”. Ban đầu cũng có người nghi ngờ, tranh luận lại, nhưng các giải pháp đưa ra đến nay đã chứng minh rất đúng, rất sớm, hiệu quả cao nhất vì chi phí tổng chống dịch là thấp. Từ những quyết sách đúng đắn cùng sự chung tay đồng lòng của cả nước, Việt Nam nổi lên trên bản đồ thế giới với khẩu hiệu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Và điều tuyệt vời hơn nữa là tâm thế của chúng ta bây giờ không phải là chủ động phòng chống mà là tuyên chiến với thứ “giặc Covid -19” này. Một minh chứng tiêu biểu nhất, đó là Quyết định số 1040/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia mới được ban hành. Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự có 2 nhiệm vụ chính đó là phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, thiên tai, địch hoạ, xung đột vũ trang và thực hiện các biện pháp để bảo vệ nhân dân, tổ chức và nền kinh tế trước những mối nguy đó. Với Trưởng ban chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ cùng 3 Phó trưởng ban là Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an, sẽ tạo ra một sức mạnh tập thể rất lớn. “Đội quân hùng hậu” này không những giúp Việt Nam có khả năng đối phó nhanh chóng với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh một cách chủ động nhất mà bên cạnh đó còn phòng chống những hiểm hoạ về tác động xấu đến kinh tế.
Đặc biệt, khi sắp tới đây, Việt Nam sẽ giang tay đón hơn 50.000 đồng bào ta đang mắc kẹt ở khắp thế giới, được trở về quê hương để tránh dịch, với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ. Đồng thời, đón nhận một làn sóng ồ ạt đầu tư từ các nước trên thế giới đến với một đất nước an toàn như Việt Nam. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh trên toàn thế giới, với những biến chứng ngày càng khó nhận biết của virus Corona thì đây cũng chính là một cơ hội tốt đồng thời là một thách thức lớn. Chính vì thế, việc ra đời của Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia là hết sức kịp thời và cần thiết. Nó thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo khi phải thực hiện hai nhiệm vụ song hành là bảo vệ tính mạng cho người dân và phát triển kinh tế. Đặc biệt một ý nghĩa rất lớn của Ban chỉ đạo này, là công tác huy động mọi nguồn lực quốc gia, chủ động ứng phó với bất kỳ tác động tiêu cực nào của tình hình thế giới, những sự kiện sự cố chưa được lường trước và lên kế hoạch ứng phó sẵn. Vừa qua đại dịch Covid đã cho thấy rõ điều này, không một ai, một quốc gia nào có thể tiên liệu được con virus Corona lại có thể gây ra rồi loạn toàn cầu. Những giai đoạn đầu, mặc dù rơi vào thế bị động nhưng chúng ta đã chống dịch rất tốt, còn lần này không những “chủ động” mà còn tuyên chiến, tin chắc kết quả sẽ vô cùng lạc quan.
Tuy nhiên, không phải ai cũng vui mừng trước những thành quả và nỗ lực của Việt Nam trước chiến thắng “giặc Covid -19” này. Ngoài việc liên tục xuyên tạc rằng Việt Nam giấu dịch, không bảo vệ, đưa công dân nước mình từ khắp thế giới trở về … thì mới đây các đối tượng và trang mạng lại quay qua công kích việc thành lập Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia này. Như trang mạng Tiếng Dân xuyên tạc rằng, việc thành lập này để cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc củng cố lực lượng trước Đại hội XIII sắp tới. Thật ra, thì không cần phải nói quá nhiều về những lời lẽ xuyên tạc này bởi lẽ đến nay hơn 14 nghìn đồng bào ta ở khắp thế giới được trở về nước, Việt Nam tăng trưởng kinh tế 6 tháng là 1,81%, người dân hồ hởi đi du lịch nội địa khắp nơi… là minh chứng tiêu biểu nhất đập tan những luận điệu công kích này. Tuy nhiên, cần phải nói ra để thấy bên cạnh những người đang xây dựng đất nước cũng có lắm kẻ chống phá. Cùng là dòng máu Lạc Hồng nhưng lại phẫn nộ trước thành quả của dân tộc!
Thu An