Phòng, chống tham nhũng: Những con số cho thấy ‘không có vùng cấm’

13/12/2020 12:26

Hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý trong giai đoạn 2013-2020 chứng minh việc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong phòng, chống tham nhũng. Không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 1/2/2013) đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có một bước tiến mạnh, đột  phá đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn nổi bật, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận.

Theo ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham, nhũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong giai đoạn 2013-2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó, có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

“Điều này đã khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào” – ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Phòng, chống tham nhũng: Những con số cho thấy 'không có vùng cấm' - 1
Ông Phan Đình Trạc – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương trình bày Báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

Ngành Thanh tra, Kiểm toán cũng được đánh giá có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình; có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân rất đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế trọng điểm, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án/814 bị cáo; trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự, gồm: 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt khá cao. So sánh, năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013- 2020, đạt 32,04%.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế – xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Một trong những bài học kinh nghiệm, theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương là trong công tác phòng, chống tham nhũng trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng mà trực tiếp thường xuyên là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người đứng đầu cấp ủy..

“Sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước là nhân tố hàng đầu quyết định thành công của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua” – ông Phan Đình Trạc nói, đồng thời nhấn mạnh công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài nên phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực.

Muốn làm tốt công tác này đòi hỏi phải phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, một cơ chế răn đe trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng, một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng.

Khẳng định quyết tâm đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thời gian tới, ông Phan Đình Trạc cho biết trước mắt cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ, về kiểm soát tài sản, thu nhập, tài sản bất minh của cán bộ, công chức, viên chức. Cơ chế khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó là tiếp tục rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở bất cập trong công tác tổ chức cán bộ; đảm bảo vừa lựa chọn, sử dụng, bổ nhiệm được những cán bộ có đủ phẩm chất năng lực, uy tín, ngăn ngừa được tiêu cực, tham nhũng có hiệu quả.

PV/VTC

Đọc nhiều