Phòng chống tham nhũng: Kết quả tốt nhưng cần giải pháp đột phá

07/09/2021 07:20

 Theo Ủy ban Tư pháp, hầu hết những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Ngày 6-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên thường trực mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021.

Còn tình trạng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên

Đánh giá chung, báo cáo của Chính phủ cho rằng năm 2021, tham nhũng tiếp tục được ngăn chặn, có chiều hướng giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân… Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Phòng chống tham nhũng: Kết quả tốt nhưng cần giải pháp đột phá - ảnh 1
Ủy ban Tư pháp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2021.  

“Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội” – Chính phủ nhận định và dự báo năm 2022, hành vi tham nhũng “sẽ ngày càng tinh vi hơn, phức tạp, khó lường hơn”. Do đó, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá năm 2021, Chính phủ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đại diện nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng hầu hết hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng mà báo cáo của Chính phủ chỉ ra đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Đáng chú ý, ông Cường cho rằng việc thực hiện công khai, minh bạch trong một số lĩnh vực còn hạn chế. Còn tình trạng công khai thông tin không đầy đủ, đồng bộ hoặc không công khai, công khai trong phạm vi hẹp với lý do “bí mật công tác” hoặc “quy chế phát ngôn”, nhất là ở các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, tài chính, công tác cán bộ…

“Việc thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa đạt yêu cầu” – ông Cường nói.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập chậm được thực hiện, do vậy chưa phát huy được hiệu quả của biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trên thực tế.

Cạnh đó, việc bố trí công chức, viên chức còn có trường hợp không đúng với điều kiện, tiêu chuẩn theo vị trí việc làm đã phê duyệt. Một số tỉnh, thành phố còn có sai phạm trong tổ chức tuyển dụng, bổ nhiệm công chức; một số cơ quan, đơn vị có số lượng công chức giữ chức vụ lãnh đạo nhiều hơn số lượng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Gia tăng nguy cơ lợi ích nhóm, sân sau

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng nhận định trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ lợi ích nhóm, sân sau, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục… Trong đó, có sự câu kết, “thổi giá” giữa cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá.

“Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 với một số hành vi phổ biến như mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng chống dịch để trục lợi” – ông Nguyễn Mạnh Cường nói.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu dẫn chứng chính sách của Nhà nước là tiêm vaccine miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, còn có hiện tượng thu tiền để được tiêm chủng vaccine tại một số cơ sở tiêm chủng; một số đối tượng yêu cầu người dân trả phí để được ưu tiên tiêm trước…

Cùng với đó là tình trạng làm giả giấy nhận diện mã QR để vào luồng xanh vận tải; lợi dụng luồng xanh để vận chuyển người, hàng hóa trái phép xảy ra ở một số địa phương. Điển hình là vụ Hoàng Thị Thanh Nga, chuyên viên của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có hành vi cấp trái phép trên 1.000 thẻ chứng nhận ô tô luồng xanh, thu lợi 200 triệu đồng.

Nêu ý kiến, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Vũ Trọng Kim đánh giá công tác phòng chống tham nhũng triển khai “quyết liệt, mạnh”, nhân dân rất đồng tình. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự đau lòng khi những lĩnh vực như y tế, giáo dục cũng có tham nhũng, vi phạm.

“Trong lĩnh vực y tế đã phát hiện, xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế như vụ BV Tim Hà Nội, BV Bạch Mai… Tôi thấy đau đớn quá” – ông Kim nói.

Ông cũng đề xuất tới đây, bên cạnh việc phòng chống tham nhũng cũng phải chống cả tiêu cực: “Báo cáo của Chính phủ lần này không nói đến vấn đề tiêu cực. Tôi cho rằng cần phải đánh giá xem tiêu cực diễn biến như thế nào”.

 

Cần đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân

Báo cáo của Chính phủ chưa có thống kê về hiện tượng không giải trình nguồn gốc tài sản tăng lên đáng kể của người có chức vụ, quyền hạn. Do vậy, cần nghiên cứu tiếp tục nội luật hóa Điều 20 Công ước Quốc tế về phòng chống tham nhũng theo hướng đặt ra tội danh làm giàu bất hợp pháp đối với hành vi nói trên.

Báo cáo cũng chưa có đánh giá về hiện tượng xung đột lợi ích, một trong những nguyên nhân chính gây nên hành vi tham nhũng, khi một cán bộ, công chức lại có thẩm quyền đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của chính họ.

Chính phủ cần phân tích, làm rõ những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng do đâu là chính, do hệ thống pháp luật hay tổ chức thực hiện, hay đặc biệt là những tác động của đại dịch COVID-19 tới cả những mặt được và chưa được.

Ngoài ra, việc triển khai hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất cấp CCCD chính thức được vận hành từ ngày 1-7-2021. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ thời điểm và cách thức tích hợp các cơ sở dữ liệu khác vào hệ thống này để bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng. Ví dụ, tích hợp việc kê khai tài sản thu nhập hay quá trình giao dịch mua bán tài sản…

Về phương hướng năm 2022, Chính phủ đã chỉ ra phương hướng xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ nhưng cần gắn nó với việc phát huy quyền tiếp cận thông tin của người dân, bảo đảm yêu cầu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN,

Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ

Các con số đáng chú ý

– Từ ngày1-10-2020 đến 31-7-2021, có 51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó có 16 người đứng đầu bị xử lý hình sự; 35 người bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức chín người).

– Các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành hơn 3.100 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; phát hiện 276 vụ việc và 376 người vi phạm; xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi hơn 50 tỉ đồng, đã được thu hồi 43 tỉ đồng.

– Đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại hơn 5.500 cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý 80 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

– Bốn trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị với số tiền 350 triệu đồng, hai người bị xử lý do vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ…

– Gần 1,3 triệu người kê khai tài sản, thu nhập.

Đức Minh 

Đọc nhiều