130115
topics
388061

Phòng chống COVID-19: Còn đó bài học Singapore

26/04/2020 11:54

Không ít người dân và hộ kinh doanh đã “vui quá mức” khi sớm mở cửa bán buôn song lại lơ là các biện pháp phòng dịch như đón lượng khách quá đông, kê bàn ghế san sát và tổ chức ăn nhậu không đảm bảo khoảng cách tối thiểu trong các hàng quán.

Phòng chống COVID-19: Còn đó bài học Singapore - Ảnh 1.
Các khu ẩm thực truyền thống của Singapore giờ chỉ được bán mang về – Ảnh: LÊ NAM

Mấy hôm nay, cả nước được nới lỏng giãn cách xã hội sau một thời gian áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch giúp tỉ lệ nhiễm bệnh mới giảm, số bệnh nhân được xuất viện tăng. Với những biện pháp “như thời chiến” vừa qua, chúng ta đã làm tốt được khâu khoanh vùng, cách ly để dập dịch, giảm tiếp xúc tối đa giữa người mang mầm bệnh với người thường và ngược lại.

Việc nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa các dịch vụ thiết yếu và khôi phục đi lại giữa các tỉnh là bước đi thận trọng để cứu nền kinh tế. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh đang giảm sút trầm trọng doanh thu do đóng cửa, ngưng kinh doanh trong thời gian qua.

Tuy vậy, không ít người dân và hộ kinh doanh đã “vui quá mức” khi sớm mở cửa bán buôn song lại lơ là các biện pháp phòng dịch như đón lượng khách quá đông, kê bàn ghế san sát và tổ chức ăn nhậu không đảm bảo khoảng cách tối thiểu trong các hàng quán.

Như vào các tối 23 và 24-4, nhiều hàng quán vỉa hè ở TP.HCM đã có tình trạng tụ tập ăn uống “xả hơi” đông người và nếu không kiểm soát tốt thì đợt lễ 30-4 tới đây sẽ càng phức tạp hơn khi người dân được nghỉ ngơi, người lao động, sinh viên… trở lại TP tăng lên.

Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát những ổ dịch nhỏ lẻ ở các địa phương khi chính Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định vẫn còn nguy cơ mắc COVID-19 trong cộng đồng. Mặt khác, nghiên cứu dịch tễ thực hiện với 245 trường hợp dương tính với COVID-19 ở VN cho thấy có hơn 40% người bệnh lại không mang biểu hiện bệnh.

Hơn thế nữa, đã có những trường hợp dương tính trở lại khi số liệu cập nhật đến ngày 25-4 ở VN có 5 ca tái dương tính dù đã xuất viện và trên thế giới cũng có những ca dương tính trở lại khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) buộc phải điều tra hiện tượng này.

Nói như vậy để thấy rằng việc tự giác thực hiện những biện pháp phòng dịch ở mỗi cá nhân, gia đình, hộ kinh doanh và xã hội… là hết sức quan trọng bởi vẫn còn đó bài học “vỡ trận” ở Singapore. Hơn một tháng trước, thế giới ca ngợi Singapore là hình mẫu ngăn chặn đại dịch COVID-19 khi đã thực hiện lệnh kiểm soát biên giới chặt chẽ, “truy” dấu vết những người nhập cảnh, xét nghiệm trên diện rộng và cho nhập viện tất cả những ai có triệu chứng bệnh…

Điều này đã giúp Singapore kiểm soát tốt trong làn sóng đầu tiên khi dịch bùng nổ ở Trung Quốc và ngay cả khi châu Âu lây lan trên diện rộng. Tuy vậy, điều kỳ diệu không kéo dài khi số ca nhiễm ở Singapore hiện nay đã lên hơn 12.500 người, đẩy đảo quốc này thành ổ dịch lớn bậc nhất Đông Nam Á và buộc phải kéo dài cách ly đến ngày 1-6.

Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia nhận định đó là người dân Singapore đã “thư giãn” quá sớm và chưa thực sự thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly xã hội. Với một quốc gia chỉ 5,7 triệu dân, tức chỉ tương đương phân nửa dân số của TP.HCM nhưng số ca lây nhiễm tăng lên theo cấp số nhân như vậy càng khiến người dân tại các TP lớn ở VN như Hà Nội, TP.HCM phải đặc biệt cẩn trọng.

Chính vì thế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đặc biệt lưu ý ngoài nguy cơ người đã chữa khỏi tái nhiễm, người Việt ở nước ngoài trở về, thì nguy cơ từ các đối tác thương mại, nhà đầu tư hay khách du lịch sẽ rất lớn khi TP mở cửa trở lại. Do đó, cần phải tập một thói quen giãn cách mới khi mỗi người dân phải chủ động tự lo phòng dịch cho bản thân, cho cơ quan và cho cộng đồng dân cư.

Và nói như Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn dài, những gì mà chúng ta đạt được thời gian qua chỉ là một trận chiến nhỏ trong một cuộc chiến. Không ai được chủ quan, lơ là, bỏ qua những biện pháp phòng dịch khi bài học Singapore vẫn còn đó!

NGỌC HIỂN/TT

Đọc nhiều