Phong cách của ông Suga sẽ thúc đẩy hợp tác Nhật – ASEAN
Chuyên gia đánh giá Thủ tướng Suga tiếp tục coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và phong cách chính trị thực dụng của ông có thể giúp tăng cường hợp tác thiết thực.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã gửi đi thông điệp rõ ràng về tầm quan trọng của quan hệ đối tác ASEAN – Nhật Bản cũng như việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở, theo các chuyên gia.
Thủ tướng Suga đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức hồi giữa tháng 9. Trong chuyến thăm, nhà lãnh đạo cũng lần đầu tiên phát biểu về chính sách đối ngoại của Tokyo.
Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN
Bình luận về bài phát biểu của ông Suga tại Đại học Việt – Nhật chiều 19/10, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường nói nhà lãnh đạo Nhật Bản đã cho thấy ông coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở (FOIP) của Tokyo.
“Nhật Bản muốn cùng ASEAN và các nước khác đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Ông Suga nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN, coi trọng những bản sắc riêng của ASEAN và muốn tăng cường hợp tác với ASEAN”, ông Cường nhận định với PV.
“Tôi nghĩ rằng thông điệp này có ý nghĩa quan trọng khi đây là phát biểu đầu tiên của tân thủ tướng Nhật trước cộng đồng quốc tế về chính sách đối ngoại”, ông Cường, đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015-2018, người cũng từng giữ chức thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bình luận.
FOIP là chiến lược được người tiền nhiệm của ông Suga, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, đề ra từ năm 2007, ông Cường cho hay. Theo Tokyo, đây là một ý tưởng, một khái niệm, chứ không phải là lời kêu gọi thành lập một tổ chức hay liên minh mới tại khu vực.
“Họ mong muốn các nước tham gia đóng góp vào ý tưởng đó để xây dựng một khu vực tự do và mở, trong đó ASEAN đóng vai trò quan trọng”, cựu đại sứ tại Tokyo nói.
Theo tiến sĩ Yasuyuki Ishida của Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Nhật Bản (JIIA) ở Tokyo, chính sách của Nhật Bản với ASEAN hiện nay được xây dựng dựa trên Học thuyết Fukuda. Học thuyết này, được đặt tên theo cố Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda, hình thành từ một bài phát biểu của ông ở Manila trong chuyến thăm các nước Đông Nam Á năm 1977.
Ông Fukuda nói rằng Nhật Bản, một quốc gia cam kết vì hòa bình, sẽ không bao giờ trở thành cường quốc quân sự và Nhật Bản sẽ xây dựng mối quan hệ tin cậy lẫn nhau với các nước Đông Nam Á trong nhiều lĩnh vực, với tư cách đối tác bình đẳng.
“Đông Nam Á là khu vực mà chính sách ngoại giao các đời thủ tướng Nhật Bản đã khởi xướng các sáng kiến và tầm nhìn sáng tạo, đặc biệt kể từ sau khi Học thuyết Fukuda ra đời”, ông Ishida, người phụ trách các dự án về châu Á – Thái Bình Dương tại JIIA, nói với Zing.
“Bằng việc nhấn mạnh rõ ràng quan hệ đối tác bình đẳng, từ trái tim đến trái tim và tư thế phi quân sự của Nhật Bản, học thuyết Fukuda đã trở thành nền tảng cho chính sách của Tokyo đối với ASEAN”.
Phong cách thực dụng của ông Suga
Tuy nhiên, ông Ishida cũng chỉ ra rằng bản chất quan hệ đối tác Nhật Bản – ASEAN đã chuyển biến, từ chỗ chỉ có quan hệ song phương trở thành các đối tác bình đẳng, đóng vai trò trụ cột trong các cơ chế khu vực đa tầng do ASEAN dẫn dắt như EAS (Cấp cao Đông Á), ASEAN+1 và ARF (Diễn đàn khu vực ASEAN).
Thủ tướng Abe đã đề ra 5 nguyên tắc cho chính sách ASEAN của Nhật Bản trong chuyến công du đầu tiên của ông tại Đông Nam Á hồi tháng 1/2013. Kể từ đó, quan hệ giữa hai bên ngày càng được củng cố và như một số quan chức chỉ ra, ASEAN đang trở nên quan trọng hơn với Tokyo do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, tiến sĩ Ishida cho hay.
Hồi đầu năm nay, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định Tokyo ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như tuyên bố được khối nêu ra trong “Tầm nhìn của ASEAN” về khu vực (AOIP).
“Đi theo định hướng của ông Abe, chính sách ASEAN của Thủ tướng Suga tìm kiếm sự hiệp trợ giữa FOIP của Tokyo và AOIP của ASEAN, tăng cường hợp tác Nhật Bản – ASEAN để hỗ trợ xây dựng cộng đồng ASEAN và trật tự khu vực dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Ishida nói.
Mặt khác, theo chuyên gia của JIIA, Thủ tướng Suga dường như theo đuổi phong cách lãnh đạo thực dụng hơn so với người tiền nhiệm, đặt trọng tâm vào các nhiệm vụ chính sách thực tế và cụ thể, có thể hoàn thành trong khoảng thời gian nhất định.
“Thủ tướng Suga là một người tự lập cánh sinh, một chính trị gia đi theo con đường riêng của mình. Vì vậy, bài phát biểu của ông thể hiện quan điểm của những người dân bình thường, nhấn mạnh giao lưu nhân dân và phát triển nguồn nhân lực trong quan hệ đối tác Nhật Bản – ASEAN”, ông Ishida đánh giá.
“Phong cách chính trị thực dụng của ông có thể giúp từng bước tăng cường hợp tác thiết thực và cụ thể giữa Nhật Bản và ASEAN”.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Suga cũng dành nhiều thời gian để nói về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo ông Cường, đây không chỉ là thông điệp cho khu vực hay quốc tế mà còn là lời nhắn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
“Các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản mà tôi có trao đổi dịp này cũng bày tỏ sự phấn khích trước thành quả tốt đẹp của chuyến thăm, trước tình cảm của hai nước, cũng như trước quyết tâm của ông Suga trong việc tăng cường đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, ông Cường nói với Zing.
“Họ mong muốn hai nước sớm khôi phục giao thương, đi lại bình thường”.
Vũ Mạnh/ZN