Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ

05/11/2019 05:00

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ GD & ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ TB & XH chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở có hoạt động giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ để đảm bảo quyền của trẻ em; kiến nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ.

Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ
Những người thầy giáo, huấn luyện viên của Tâm Việt dọa nạt học sinh trong một giờ học

Trước đó, tháng 7/2019, nhóm phóng viên VietNamNet đã tìm cách thâm nhập, trong vai trò là giáo viên tìm hiểu hoạt động của Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (thời điểm đang đóng ở KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh (Bắc Ninh).

Mặc dù trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trung tâm quảng cáo với những lời hết sức hấp dẫn: ‘Huấn luyện trẻ tự kỷ thành nghệ sỹ, kỷ lục gia’; ‘Nơi duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì’… nhưng sự thật lại trái ngược với mong đợi.

Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ tự kỷ
Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Theo ghi nhận của PV VietNamNet, trung tâm có khoảng 40 học sinh, chia làm 4 lớp nhưng mỗi lớp chỉ có 1 -2 thầy cô đảm nhiệm. Do vậy chỉ có một số em được quan tâm, số còn lại bị bỏ bơ vơ trong giờ học.

Mặc dù thu học phí với mức 9.8 triệu/ tháng; 14.8 triệu/ tháng và 19.8 triệu/ tháng nhưng trung tâm này lại để nhà vệ sinh bốc mùi, dụng cụ học tập thì sơ sài, chỉ là những con lăn bằng sắt, vài tấm ván gỗ. Trung tâm cho học sinh luyện tập các bộ môn tung bóng, đi con lăn, đi xe đạp một bánh… nhưng không có đồ bảo hộ. Các em cũng không được đào tạo về giao tiếp, cách hòa nhập với xã hội.

Tâm Việt còn tuyển dụng giáo viên không có bằng cấp, trình độ, hiểu biết về trẻ tự kỷ. Nhiều học sinh không chịu luyện tập còn bị các giáo viên, nhân viên của Tâm Việt chửi bới, đe dọa thậm chí là đánh đập.

M. Hà/Vietnamnet

Đọc nhiều