130115
topics
516823

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: ‘Thủ tướng ngày nào cũng hỏi có cần biện pháp mạnh hơn chưa?’

11/05/2021 19:48

“Cái đầu tiên mà chúng ta phải làm là không được để số lượng người nhiễm Covid-19 quá lớn. Nếu một nền kinh tế như Việt Nam mà nhiều người nhiễm thì hậu quả khôn lường”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam /// Ảnh VGP
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Việt Nam vẫn là một trong những nước chống dịch tốt nhất thế giới

Trao đổi về tình hình dịch bệnh và chiến lược chống dịch của Việt Nam với lãnh đạo các cơ quan báo chí sáng nay, 11.5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã giải đáp những thắc mắc về chiến lược chống dịch của Việt Nam, về lộ trình tiêm vắc xin và chặng đường sắp tới Việt Nam phải đối mặt.

Theo Phó thủ tướng, Việt Nam là một trong những nước từ đầu có nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, và là một trong những nước nhiễm Covid-19 sớm nhất.

Tuy nhiên, cho đến giờ, Việt Nam vẫn là một trong những nước chống dịch tốt nhất thế giới.

Hôm nay, 11.5, với số ca bệnh cập nhật nhất, thì Việt Nam đang đứng thứ 176 thế giới về số lượng ca bệnh; còn nếu tính số ca bệnh trên 1 triệu dân, thì ta đứng thứ 214/220 quốc gia và vùng lãnh thổ; chỉ vài quốc gia có số ca bệnh ít hơn Việt Nam.

Phó thủ tướng khẳng định cho đến nay, những vấn đề mang tính nguyên tắc, chiến lược chống dịch vẫn hiệu quả và không thay đổi, trong đó, mục tiêu đầu tiên mà Việt Nam phải giữ vững là không được để số lượng người nhiễm quá lớn.

“Chúng ta đã nói điều này từ đầu năm 2020 (khi dịch bệnh vừa mới xuất hiện – PV). Bây giờ chúng ta đã biết, nếu một nền kinh tế như Việt Nam mà nhiều người nhiễm thì hậu quả khôn lường. Các bước đi, phương châm, chúng ta nói rất rõ là: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch”, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cũng chia sẻ thêm việc cũng có người “góp ý này nọ, chê”, nhưng thực tế là Việt Nam đang làm rất tốt.

Theo ông Đam, mục tiêu của Việt Nam là mục tiêu kép, chúng ta không những dập dịch tốt mà kinh tế vẫn tăng trưởng. Chi phí chống dịch của Việt Nam là thấp. “Tổn thất cũng lớn, nhưng mà là ít nhất, nếu so sánh với nguy cơ”, ông Đam đánh giá, và cho rằng rõ ràng là vị thế của Việt Nam đi lên sau phòng, chống dịch.

“Thủ tướng gần như ngày nào cũng hỏi tôi, có cần chính sách nào mạnh hơn, kiểu như giãn cách hay chưa?”

Theo ông Đam: “Mục tiêu kép là luôn đi thăng bằng trên 1 sợi dây. Đứng về giác độ y tế, chúng tôi muốn giãn cách sớm nhất, khoanh vùng rộng nhất có thể và tuyệt đối không cho người nhập cảnh, nhưng mà chúng ta phải cân nhắc. Có những người đề nghị phải giãn cách sớm ngay, cách ly thật rộng. Tôi nói, đây chính là bản lĩnh của lãnh đạo các cấp, không phải bản lĩnh chính trị thuần túy, mà dựa trên hiểu biết khoa học, lúc nào cần đến mức nào”.

“Thủ tướng gần như ngày nào cũng đặt câu hỏi với tôi, là có cần chính sách nào mạnh hơn, kiểu như giãn cách hay chưa? Tôi trả lời rằng: chưa. Chúng ta luôn làm xuyên suốt là khoanh vùng gọn nhất có thể. Trường hợp chưa đủ chứng cứ để khoanh gọn, thì tạm thời khoanh rộng hơn, nhưng phải khẩn cấp xác định những yếu tố dịch tễ để có thể thu hẹp”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Nhấn mạnh nhiều lần chiến lược chống dịch của Việt Nam chưa bao giờ thay đổi, ông Đam cho biết cách dùng từ trong các văn bản cũng như chỉ đạo trong cuộc họp, là thể hiện từng thời điểm nên tập trung khâu gì và làm đến tinh thần nào, chứ không phải thay đổi các vấn đề mang tính chiến lược.’

“Chắc chắn tới đây cuộc chiến vắc xin là cực kỳ căng thẳng”

Liên quan đến vắc xin và thực tế hiện Việt Nam là một trong những quốc gia triển khai tiêm vắc xin chậm nhất trong khu vực, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chắc chắn tới đây cuộc chiến vắc xin là cực kỳ căng thẳng, và nước nào có vắc xin sớm nhất sẽ tranh thủ được cơ hội.

Ông Đam cũng khẳng định Việt Nam đã chuẩn bị rất sớm với chủ trương là có vắc xin mới là căn cơ của chống dịch, báo cáo Bộ Chính trị, tìm mọi cách để có vắc xin, từ nhập khẩu, đến sản xuất trong nước – cả từ nhận chuyển giao công nghệ đến tự nghiên cứu. Tuy nhiên, do vắc xin trên thế giới đều trong tình trạng khan hiếm, nên đến giờ phút này, Việt Nam chỉ nhập được một lượng vắc xin rất nhỏ.

“Bộ Y tế đang rất tích cực bàn cách để có sớm nhất, nhưng dự kiến đến cuối năm nay mới có một lượng vắc xin nhất định, mà nếu tiêm hết cũng chưa thể đạt miễn dịch cộng đồng. Ít nhất từ giờ đến cuối năm, chúng ta vẫn phải thực hiện biện pháp giống như lúc chúng ta chưa có vắc xin”, Phó thủ tướng thông tin.

Ông Đam cũng nhắc lại rằng, ngay từ đầu đã giao thẩm quyền cho các địa phương với phương châm 4 tại chỗ, các địa phương phải căn cứ vào chuyên môn và tình hình thực tiễn để chuẩn bị lực lượng, vật tư, thiết bị cho địa phương mình theo kịch bản chung của toàn quốc; chỉ có việc giãn cách toàn tỉnh thì phải báo cáo Thủ tướng, còn việc giãn cách cục bộ nằm ở thẩm quyền của các địa phương.

Vũ Hân

Đọc nhiều