8
category
444304

Phó thủ tướng nói về nguyên nhân gây ra lũ cao, sạt lở đất

30/10/2020 16:24

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan…”

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói như thế tại phiên họp thường kỳ tháng 10 về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, sáng 30-10.

Phó thủ tướng nói về nguyên nhân gây ra lũ cao, sạt lở đất - ảnh 1
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói về thủy điện tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Liên quan đến nguyên nhân lũ cao, gây sạt lở đất, ông Trịnh Đình Dũng đề nghị các cơ quan báo chí thông tin một cách khách quan, tránh thông tin sai lệnh về vấn đề này. Phó thủ tướng đề nghị như thế bởi theo ông Dũng, thời gian qua có những thông tin trên báo chí không khách quan.

“Lũ cao thì do mưa lớn kéo dài, nắng lắm mưa nhiều – đó là qui luật của trời đất. Rồi lũ lịch sử, tất cả đều có tần suất. Thế mà một số báo đưa thông tin không khách quan, như có bài báo viết “Các thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ, nhà dân ngập nước” – ông Dũng nói.

Ông Dũng cho rằng, mưa thì nước lên, không có thủy điện thì nước càng lên mạnh. Thủy điện cũng phải xả nước tràn để đảm bảo độ an toàn. “Nhưng không hề thấy nói về hồ thủy lợi” – ông Dũng nói và cho rằng một số hồ thủy lợi còn hơn cả hồ thủy điện. Đổ lỗi cho chính phủ, chính quyền là không khách quan.

Cũng theo ông Dũng, khi mưa nếu không có đập thủy điện thì nước lên càng nhanh và càng nguy hiểm. “Các nhà khoa học, các bộ ngành, các cán bộ công chức phải có ý kiến” – ông Dũng nói.

Còn đối với vấn đề sạt lở đất do mưa lâu ngày, đất chứa nhiều nước hay còn gọi là no nước làm cho tính kết dính rất kém. Khi có thêm tác động sẽ gây ra sạt lở đất rất mạnh. Đơn cử như ở Quảng Nam khi bão vào tác động mưa cục bộ thì sạt lở đất rất mạnh. “Khu vực đó rừng nhiều lắm chứ không phải không có rừng, các đồng chí xem ảnh kìa” – ông Dũng nói.

Nói thêm về rừng ở Việt Nam, ông Dũng cho biết hiện nay Việt Nam đứng thứ 50/193 quốc gia và phủ kín trên 40%, trong khi năm 1995 chỉ có 28%. “Như vậy công tác trồng rừng ở nước ta rất tốt. Một số nơi phá rừng nhiều, chủ yếu ở Tây Nguyên vì bà con di cư vào nhiều, tìm nguồn phát triển kinh tế nên không kiểm soát được rừng. Nhưng có những vùng như Trung bộ, Đông bắc… bây giờ rừng phủ kín” – ông Dũng nói.

Do đó, ông Dũng cho rằng một số mạng xã hội, thông tin trên báo chí đã đổ lỗi cho chặt rừng dẫn đến sạt lở đất, đổ lỗi cho thủy điện làm sạt lở đất là không khách quan.

“Thủy điện Rào Trăng 3, sạt lở đất không phải ở phía thủy điện. Thủy điện ở đó đang xây dựng chứ không phải thủy điện làm rồi. Còn rất nhiều khu vực khác sạt lở đất không có thủy điện” – ông Dũng nói.

Ông cũng đề nghị các nhà khoa học, các cơ quan có ý kiến, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia Bộ Giao thông Vận tải, chuyên gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có ý kiến, không để tình trạng Chính phủ làm nhiều việc nhưng vẫn có những thông tin sai, không đúng.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng chương trình đầu tư công trung hạn xây dựng nhà chống bão và lũ ở miền Trung.

TÁ LÂM/PLO

Tags :
Đọc nhiều