Phó thủ tướng: Biển Đông là quan tâm chung của tất cả các nước

Tùng Lâm 15/01/2020 09:05

Năm 2019, thế giới chứng kiến bất ổn gia tăng ở một số khu vực. Chính sách bảo hộ mậu dịch tác động tới thương mại toàn cầu, khiến mức tăng trưởng chung ở dưới mức dự đoán.

Các xu hướng trên sẽ còn tiếp tục, khó lường, trong năm 2020. Dù vậy, năm 2020 vẫn sẽ mang lại những thuận lợi cho Việt Nam. Đó là đánh giá của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng ngày 14/1 tại Hà Nội.

Điểm lại năm 2019, ông nhìn lại những điểm sáng như việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc với số phiếu cao kỷ lục, và tổ chức thành công hội nghị Mỹ – Triều.

Đối với năm 2020, Phó thủ tướng đã có những nhận định lạc quan. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được triển khai sẽ đóng góp những phần trăm mới vào thương mại với nhiều nước. Quan hệ Việt – Mỹ và Việt – Trung sẽ tiếp tục tăng cường. Vai trò kép ở cả HĐBA và ASEAN sẽ giúp Việt Nam thắt chặt quan hệ với các đối tác.

 

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Thế giới 2020: chủ nghĩa bảo hộ sẽ còn ảnh hưởng – Phó thủ tướng có thể đánh giá về tình hình thế giới và khu vực năm 2019?

– Năm 2019, kinh tế thế giới tăng trưởng dưới mức dự đoán, chỉ hơn 2,5%. Nguyên nhân có thể do tăng trưởng chậm ở các nước phát triển, nhưng đánh giá tổng thể, có thể thấy thương mại thế giới chậm lại đã tác động đến tăng trưởng kinh tế – một yếu tố đáng chú ý.

Thương mại chậm lại do những chính sách bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh về thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc, trái ngược với xu thế tự do hóa thương mại mà chúng ta nhìn thấy những năm trước. Đây là tác động tiêu cực.

Thứ hai, tình hình thế giới, khu vực có chiều hướng chung là hòa bình, ổn định. Nhưng bất ổn tăng lên nhiều, nhất là các điểm nóng như Trung Đông. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, tình hình Trung Đông xuất hiện những bất ổn. Trong cả năm 2019 có cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), chống khủng bố, rồi đến cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tác động đến khu vực chúng ta. Năm 2019 bất ổn xuất hiện nhiều hơn.

Năm 2019, Biển Đông hết sức phức tạp với việc vi phạm của nhóm tàu khảo sát HD8 vào vùng đặc quyền của chúng ta làm tình hình phức tạp, không những thế, cả vùng biển các nước khác ở Biển Đông.

Về điểm tích cực, phải nói cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang lan tỏa đến tất cả các nền kinh tế. Các nền kinh tế đang phát triển theo hướng kinh tế số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

– Dự báo tình hình thế giới 2020 sẽ như thế nào, thưa ông?

– Tình hình sẽ tiếp tục khó khăn bất ổn. Dự báo chiều hướng kinh tế vẫn có khó khăn, vấn đề thương mại toàn cầu vẫn sẽ có tác động. Cho dù có giải pháp tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn còn đâu đó chính sách bảo hộ mậu dịch, ảnh hưởng tới tự do thương mại, sẽ tiếp tục trong năm 2020.

Trên thế giới, khả năng vẫn còn nhiều bất ổn khó lường, vì chưa có giải pháp căn cơ, nhất là ở Trung Đông và châu Phi. Đó là những vấn đề trong năm 2020 chúng ta phải đối phó.

– Ông có thể chia sẻ về các thành tựu đối ngoại năm 2019?

– Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn, bất ổn ở các khu vực, chúng ta vẫn duy trì phát triển quan hệ với tất cả các nước, đặc biệt các nước lớn, các nước quan trọng, các nước láng giềng.

Chúng ta không những làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, mà chúng ta còn mở rộng thêm được hai nước nữa trong các đối tác chiến lược và toàn diện của chúng ta, nâng tổng số đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước.

Đầu năm 2019, chúng ta tổ chức thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Việt Nam. Như vậy, chúng ta đã vươn ra khỏi những vấn đề trực tiếp liên quan với lợi ích chúng ta mà còn sẵn sàng đóng góp vào cái chung như đem lại hòa bình, ổn định ở khu vực bán đảo Triều Tiên.

Chúng ta được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) với số phiếu có thể nói là cao nhất trong lịch sử bỏ phiếu của LHQ. Đây cũng là sự đánh giá về vai trò, vị thế của Việt Nam, khả năng, trách nhiệm của Việt Nam.

Pho thu tuong: Bien Dong la quan tam chung cua tat ca cac nuoc hinh anh 2 3b583adc7d73982dc162.jpg
Đại diện phái đoàn Việt Nam ăn mừng lúc kết quả bỏ phiếu được công bố.  

Vai trò kép – vinh dự và trách nhiệm của Việt Nam – Trong năm 2020, khi đảm nhận “vai trò kép” (HĐBA và ASEAN), Việt Nam sẽ gặp những khó khăn hay thuận lợi gì?

– Tất nhiên, nếu không làm những vai trò này thì chúng ta nhàn hơn rất nhiều. Nhưng đây là chủ trương của chúng ta, là vinh dự cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc đóng góp vào các vấn đề lớn trên thế giới, vấn đề toàn cầu.

Chúng ta từng làm ủy viên HĐBA Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009, từng đóng góp cho vấn đề hòa bình, an ninh toàn cầu. Nhưng lần này, tình hình thế giới hết sức phức tạp, khác biệt trong HĐBA rất lớn. Đó cũng là cơ hội để chúng ta thể hiện được vai trò, trách nhiệm, đóng góp vào những vấn đề chúng ta có thể đóng góp được.

Ngay tháng đầu tiên, chúng ta đã là Chủ tịch HĐBA. Chỉ với vài ngày đầu, chúng ta đã được đánh giá cao, thể hiện khả năng, trách nhiệm của chúng ta. Vừa qua tôi vừa chủ trì phiên họp mở của HĐBA. Một điều đáng mừng và không khỏi ngạc nhiên là chủ đề mà chúng ta đề xuất được các nước tham dự với số lượng cao kỷ lục, tới mức 110 nước tham gia.

Điều đó thể hiện chủ đề của chúng ta rất phù hợp, đúng thời điểm các nước thấy rằng lúc này, hơn lúc nào hết, phải nâng cao vai trò, tầm quan trọng của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Đồng thời, chúng ta đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN. Chủ đề của chúng ta là “gắn kết và chủ động thích ứng” đáp ứng quan tâm chung của ASEAN là tăng cường đoàn kết trong nội khối để thích ứng được với tình hình thế giới.

Chúng ta cũng đề xuất tổ chức buổi thông tin về ASEAN với HĐBA, tăng cường quan hệ của ASEAN với HĐBA và các tổ chức của Liên Hợp Quốc.

– Ngoài vai trò kép, chúng ta có xác định trọng tâm đối ngoại khác trong năm tới hay không?

– Đảm nhiệm vai trò kép là nhiệm vụ hàng đầu của đối ngoại Việt Nam trong năm 2020, nhưng chúng ta vẫn phải duy trì và tăng cường quan hệ với các đối tác, các nước quan trọng, nước láng giềng trong khu vực.

Khi làm tốt nhiệm vụ kép, giải quyết vấn đề trong HĐBA hay trong ASEAN, chúng ta cũng đóng góp vào việc tăng cường quan hệ với các nước khác trên những lĩnh vực có chung quan tâm, lợi ích.

– Phó thủ tướng có thể đánh giá về trụ cột ngoại giao kinh tế trong năm 2019?

– Về kinh tế đối ngoại của chúng ta trong năm 2019, chúng ta có thành tích nổi bật thể hiện qua những con số. Lần đầu xuất nhập khẩu của chúng ta trên mức 500 tỷ USD, đạt mức 517 tỷ USD – đó là thành công chung của cả nền kinh tế, trong đó có đóng góp của kinh tế đối ngoại, trong việc thúc đẩy thực hiện các cam kết về thực hiện hiệp định thương mại tự do.

Sau khi phê chuẩn hiệp định CPTPP, từ tháng 1/2019 chúng ta phải thực hiện các cam kết, chính việc đó đã đóng góp những phần trăm nhất định vào thương mại của chúng ta, nhất là với các nước mà chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do.

Thứ hai, chúng ta duy trì thương mại với các nước có nền kinh tế mạnh như Mỹ, Trung Quốc. Thương mại Việt – Mỹ tiếp tục tăng trưởng, năm 2019 tăng trên 24% so với 2018. Quan hệ thương mại với Trung Quốc trên 105 tỷ USD và cũng tăng trưởng trên 8% so với 2018.

Đó là thành quả chung của nền kinh tế, nhưng có đóng góp của ngoại giao kinh tế trong thúc đẩy, khai thác thị trường. Các nhà ngoại giao cũng tham gia vào quảng bá các thương hiệu, các mặt hàng nông nghiệp. Như Thủ tướng nói có đại sứ xoài, đại sứ thanh long…

Số vụ bảo hộ công dân tăng mạnh – Đâu là những thành tựu trong ngoại giao văn hóa của chúng ta năm qua?

– Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều là điển hình trong việc quảng bá, đưa Việt Nam ra thế giới rất nhiều. Có lẽ chưa bao giờ ta đưa được nhiều hình ảnh, văn hóa, ẩm thực trên những chương trình truyền hình lớn của thế giới như vậy.

Trong năm 2019, chúng ta đưa được hai di sản để UNESCO công nhận. Ngoài ra, chúng ta cũng tăng cường công tác bảo hộ công dân.

Pho thu tuong: Bien Dong la quan tam chung cua tat ca cac nuoc hinh anh 3 bat_tay_lich_su_Trump_Kim_Reuters.jpg
Phó thủ tướng cho rằng chưa bao giờ Việt Nam đưa được nhiều hình ảnh, văn hóa, ẩm thực ra thế giới như trong hội nghị Trump – Kim ở Hà Nội tháng 2/2019.  

Do hội nhập quốc tế, người Việt ra nước ngoài ngày càng nhiều. Mặt tốt là chúng ta học tập, lao động, nhưng có những khó khăn hay vi phạm luật lệ nước sở tại. Riêng năm 2019, việc bảo hộ công dân của chúng ta đã tăng mười mấy phần trăm, bảo hộ trên 13.000 trường hợp. Có những vụ chưa từng có trong lịch sử: xét xử Đoàn Thị Hương tại Malaysia, khách du lịch sang Ai Cập bị đánh bom, gần cuối năm là 39 công dân Việt Nam sang Anh.

Chắc chắn năm tới công tác bảo hộ vẫn sẽ nhiều vì công dân Việt Nam ra nước ngoài ngày càng nhiều.

– Chúng ta sẽ có biện pháp nào để tăng cường quyền lợi cũng như lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài?

– Trước tiên, công dân ta ra nước ngoài phải tôn trọng luật pháp bên ngoài, tôn trọng các luật lệ, quy định, tôn trọng, học tập, làm việc hợp pháp. Nếu vi phạm, nhà nước có trách nhiệm, các cơ quan ngoại giao có trách nhiệm bảo hộ sao cho công dân ta được xét xử công bằng, đúng pháp luật, không bị đối xử tàn bạo.

Chắc chắn khi các bạn ra nước ngoài, tin nhắn đầu tiên không phải là của bố, mẹ, vợ, chồng mà là của Cục Lãnh sự, thông báo với các bạn khi gặp khó khăn sẽ liên lạc với số điện thoại nào.

– Dư luận năm qua đã rất quan tâm tới Biển Đông. Trong bối cảnh Biển Đông diễn biến phức tạp, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ đóng góp như thế nào để duy trì hòa bình?

– Biển Đông là quan tâm chung của tất cả các nước, là tuyến đường thông thương hàng hóa hết sức quan trọng, liên quan tới tất cả các nước, không chỉ các nước trong khu vực. Đương nhiên các nước trong khu vực, trong đó có chúng ta, chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta có nhiệm vụ bảo vệ trên biển.

Các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật biển năm 1982. Khi chúng ta tham gia vào HĐBA cũng như các tổ chức quốc tế, chúng ta luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ở Biển Đông cũng vậy, nếu có sự vi phạm chủ quyền các nước, đương nhiên là ASEAN sẽ có lập trường chung là đấu tranh bảo vệ chủ quyền, yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982. Các nước ASEAN đang xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) với Trung Quốc để đảm bảo các mục tiêu và nguyên tắc như vậy.

Đọc nhiều