419
category
408713

Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cũng chỉ là một người cha mà thôi

Han Cao 12/07/2020 09:00

Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cũng từng trả lời trên báo “Xe đón tôi, con cháu trong nhà mà lẽ nào mình bỏ”. Từ câu chuyện bố Nobi, bố Guido và ông bố Lương Minh Sơn, họ là những người bố sâu sắc và dám đứng ra giải quyết vấn đề. Họ hiểu một đứa trẻ không phải chỉ cần ăn ngon, mặc đủ, đến trường là thành người, họ hiểu vai trò của một người bố trong gia đình. Thương yêu, bảo vệ che trở, dám đứng ra nhận trách nhiệm là những đặc điểm chung của họ.

Chuyện Phó Bí thư tỉnh ủy Phú Yên điều xe công vụ đi đón con gái ở sân bay ở góc độ người cha thương con là chuyện “nước mắt chảy xuôi” xưa nay vẫn vậy

Câu chuyện về ông bố của Nobita

Còn nhớ cuốn truyện tranh Doraemon nổi tiếng của Nhật Bản, nó không hẳn là một bộ truyện chỉ dành cho thiếu nhi, mà qua đó chúng ta nhận được những thông điệp sâu sắc về gia đình và cuộc sống. Đối với tôi, Nobita không hẳn là một đứa trẻ bất hạnh, đáng thương. Cậu yếu đuối, vụng về nhưng lại có một người bố rất tuyệt vời.

Chuyện Phó Bí thư tỉnh ủy Phú Yên điều xe công vụ đi đón con gái ở sân bay ở góc độ người cha thương con là chuyện “nước mắt chảy xuôi” xưa nay vẫn vậy

Ông Nobi là người làm trụ cột kinh tế trong gia đình, đi làm rất vất vả và phải bon chen trong những chuyến tàu điện, một người đàn ông coi trọng giờ giấc và rất có trách nhiệm đúng như phẩm chất tốt của người Nhật Bản. Mặc dù, đi làm vất vả và là người làm kinh tế duy nhất trong nhà 4 miệng ăn nhưng không để cho gia đình thiếu thốn, nợ nần. Ông vẫn mua cho Nobita những món quà cậu thích cho dù cậu con trai thi thoảng có đòi hỏi những món hơi mắc tiền. Có lần Nobita buồn vì đòi đồ chơi đắt tiền mà không được, vì thương con nên ông Nobi vẫn cố gắng để mua được cho con vì cũng chả mấy lần con được đồ chơi như vậy, cũng thấy con hơi thiệt thòi.

Bà Nobi không đi làm nhưng tính khí rất dữ dằn, thường xuyên quát mắng chồng con, bắt ông Nobi dọn dẹp sửa sang nhà cửa cuối tuần. Nhưng ông Nobi vẫn hành xử rất bình tĩnh, hiền lành, nhã nhặn, tôn trọng vợ, thi thoảng có cãi nhau vì bất đồng quan điểm nhưng vẫn thường là người điều hòa, xuống nước.

Có tập thấy ông Nobi gặp gỡ Nobita và giãi bày về việc ông rất yêu thương con nhưng lại không thể mang đến cho con một cuộc sống tốt hơn, tự nhận lỗi và nhìn thấy trách nhiệm về bản thân. Không bao giờ thấy ông Nobi gắt gỏng, nóng nẩy lên người khác, không bao giờ kể công với vợ con mà luôn thấy đó là trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình.

Nobita có một người bố yêu thương và tốt bụng như vậy nên dù không phải sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng cậu vẫn là một đứa trẻ hiền lành, tốt tính với bạn bè, hay giúp đỡ mọi người và luôn luôn muốn trở thành một người đàn ông mang lại hạnh phúc cho Xuka sau này.

Câu chuyện về ông bố Guido

Trong phim “Cuộc sống tươi đẹp” (Life is beautiful – 1997), ông bố Guido là một người đàn ông hài hước, thông minh và luôn luôn nhìn cuộc sống rất lạc quan. Ông cưới người vợ Dora xinh đẹp và có cậu con trai 5 tuổi Joshua. Có thể nói Guido là một ông bố tuyệt vời, là người bạn của con trai, không ngần ngại trả lời tất cả những thắc mắc và câu hỏi của cậu con trai bé nhỏ.

Trong khi những ông bố bà mẹ khác có thể “phát điên” vì những thắc mắc trẻ con và không đủ kiên nhẫn thì với Guido đó là một việc làm vô cùng vui vẻ và hạnh phúc. Guido chở vợ và con trai trên chiếc xe đạp, vừa đi vừa nói những lời động viên, khích lệ. Guido chuẩn bị tiệc sinh nhật cho Joshua và luôn nhìn nhận những lỗi lầm của con trai một cách tích cực và sửa phạt nhẹ nhàng, không xem việc gì xảy ra là đến mức quá nghiêm trọng, đồng thời vẫn dạy con biết làm những điều tốt đẹp, lễ phép với mọi người, không bao giờ xấu hổ và phủ nhận mình là người Do Thái.

Ngay cả với tình huống khó khăn nhất, anh và con trai bị bắt vào trại tập trung trong bối cảnh xã hội nước Ý phân biệt chủng tộc gay gắt với người Do Thái. Nhưng Guido đã biến trại tập trung và những màn bóc lột lao động trở nên như một trò chơi hài hước trước mặt con trai. Với điều kiện con phải vượt qua được tất cả các thử thách của trò chơi và đạt 1000 điểm, sẽ được nhận giải thưởng là một chiếc xe tăng.

Ở trong trại tập trung, anh chỉ có thể bảo vệ con bằng những trò cười, như một chú hề với trí trưởng tượng phong phú. Anh hiểu những ám ảnh về tâm lý với một đứa trẻ sẽ gây ra hậu quả suốt đời nên luôn cố gắng để con không nhìn thấy thực tế phũ phàng mà luôn đồng hành với con trong những trò chơi thú vị. Cuối cùng, anh đã bảo vệ con bằng cái chết của chính mình đổi lại là nụ cười và những bài học vô giá cho con trai sau này.

Đây đều là những tác phẩm không chỉ có giá trị về thương mại, nghệ thuật mà còn mang tính giáo dục cao, là những hình mẫu về một người bố chuẩn mực và những phẩm chất cần có của một người đàn ông trong gia đình.

Cả ông Nobi và Guido đều không phải là những người đàn ông quá giàu có, là nhân viên công chức và bồi bàn khách sạn nhưng họ vẫn lo cho gia đình một cuộc sống đầy đủ, cả về vật chất và tinh thần. Những ông bố luôn luôn nhận trách nhiệm về bản thân, đối xử bao dung với vợ con và luôn kiểm soát tốt cảm xúc của mình. Họ không để những sự mệt mỏi sau giờ làm, những khó khăn bộn bề trong cuộc sống, những căng thẩng, áp lực làm ảnh hưởng đến không khí của gia đình.

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ là một người cha mà thôi

Chuyện Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên điều xe đón mình, con gái và cháu trai gần đây bị cộng đồng mạng hết sức chú ý và các báo liên tục đưa tin. Ở góc độ nào đó, việc dùng xe công cho mục đích tư là chưa đúng chuẩn mực. Nhưng ở góc độ là người cha, người ông thì có thể thông cảm phần nào. Ai chẳng muốn điều tốt đẹp cho con cháu mình, ai chẳng muốn che chở, bảo vệ người thân của mình. Có trách thì trách ông Phó Bí thư tỉnh ủy thương con thương cháu quá.

Phó Bí thư tỉnh ủy Phú Yên cũng từng trả lời trên báo “Xe đón tôi, con cháu trong nhà mà lẽ nào mình bỏ”. Từ câu chuyện bố Nobi, bố Guido và ông bố Lương Minh Sơn, họ là những người bố sâu sắc và dám đứng ra giải quyết vấn đề. Họ hiểu một đứa trẻ không phải chỉ cần ăn ngon, mặc đủ, đến trường là thành người, họ hiểu vai trò của một người bố trong gia đình. Thương yêu, bảo vệ che chở, dám đứng ra nhận trách nhiệm là những đặc điểm chung của họ.

Chúng ta không phải ai cũng may mắn sinh ra trong một gia đình mà vai trò của người bố thực sự đúng đắn và lành mạnh. Có những đứa trẻ có bố ít quan tâm, chìm ngập trong bê tha rượu chè, cờ bạc, đối xử tàn nhẫn với vợ con, xem nhẹ giáo dục. Thường xuyên nói với con của họ rằng nó là một đứa trẻ bất tài, vô dụng, một người không tốt và không xứng đáng được yêu thương. Thay vì dùng những cụm từ nặng nề như “ăn trên ngồi tróc”, “sử dụng xe công vụ tùy tiện” chúng ta có thể nhìn ở góc độ rộng hơn, bao dung hơn với tư cách ông Sơn là một người cha.

Han Cao

*Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Tags :
Đọc nhiều