5
category
609807

Phim truyện có thể hư cấu nhưng lịch sử phải là sự thật 

An Diễm 26/09/2022 17:03

Mới đây, cộng động mạng Việt Nam sửng sốt khi xem bộ phim “Ba chị em” (Little Women) của Hàn Quốc mới phát hành. Sửng sốt không hẳn là vì phim hay, mà bởi trong đó có những tình tiết sai sự thật lịch sử khi ca ngợi những quân nhân Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam là anh hùng và đòi người Việt Nam phải cảm ơn, cúi đầu trước Hàn Quốc. 

Bộ phim “Ba chị em” (Little Women) của Hàn Quốc có những tình tiết sai sự thật lịch sử khi ca ngợi những quân nhân Hàn Quốc tham gia chiến tranh Việt Nam là anh hùng và đòi người Việt Nam phải biết ơn.

Cụ thể, tại tập 5 của bộ phim, họ coi những người xâm lược Việt Nam là anh hùng trong chiến tranh và phải biết ơn. Họ còn trơ tráo cho rằng “lính Hàn Quốc đã giúp người dân Việt Nam chống lại sự độc tài, họ đã hy sinh anh dũng cho công cuộc canh tân đất nước, vì tự do của người Việt Nam, người Việt Nam cần cảm ơn, cúi đầu trước người Hàn Quốc”. Anh hùng nói đến những người chiến đấu vì chính nghĩa. Vậy một cuộc chiến xâm lăng nước khác thì “chính nghĩa” ở đâu và những hành động giết hại dân thường, chiếm đóng đất đai thì làm sao có thể ngưỡng mộ?

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu phim truyền hình Trung Quốc xuất hiện tình tiết xuyên tạc về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam. Trước đó, bộ phim The Roundup của nước này cũng có nội dung làm sai thực tế về tình hình trật tự xã hội và hình ảnh Công an Việt Nam trong mắt người xem.  Những chi tiết tưởng nhỏ trong phim nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều hậu họa lâu dài. Đó là bởi chúng nằm liền mạch trong diễn biến, được đạo diễn dùng kỹ xảo hết sức tinh vi để thu hút sự chú ý của khán giả. Ai đó thích thú với diễn biến bộ phim và hài lòng với mạch phim có thể vô tình cho rằng những chi tiết lồng ghép ca ngợi những kẻ xâm lược là điều bình thường, dẫn đến hợp lý hóa và công nhận cuộc chiến phi nghĩa của những quân nhân Hàn Quốc ở Việt Nam.

Người dân, quân đội Hàn Quốc hoàn toàn có quyền tự hào về sự anh dũng, tài giỏi của cha ông họ, nhưng không đồng nghĩa với việc hình tượng hóa hình ảnh những vị tướng ấy bằng cách xuyên tạc lịch sử của quốc gia khác, xúc phạm dân tộc, lịch sử của đất nước khác. Tội ác mà lính Hàn Quốc gây ra là thật, đau đớn mà người dân Việt Nam phải gánh chịu cũng là thật. Bộ phim này đã làm cho không ít người, nhất là người dân Hàn Quốc hiểu sai về lịch sử, về tính chất cuộc chiến tranh Việt Nam mà Hàn Quốc tham chiến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người dân Việt Nam.

Vẫn nhớ, phát biểu của ông Kang U-il, Chủ tịch Quỹ Hòa bình Hàn Quốc – Việt Nam, vào ngày 11/3/2018 tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày 135 người dân vô tội ở Tây Hà My (Quảng Nam) bị binh sĩ Hàn Quốc sát hại: “Thành thật xin lỗi Việt Nam, chúng tôi sẽ không quên, chúng tôi sẽ luôn khắc nhớ, xin các vị hãy nguôi đi sự oán trách, buồn đau về những nỗi oan khiên phẫn nộ ngày nào mà ra đi thanh thản”. Vì vậy, phía nhà đài Hàn Quốc cần dừng lại những nội dung tuyên truyền sai lệch và bẻ cong quá khứ.

Người Việt Nam vốn có lòng bao dung “đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại”, chúng ta sẵn sàng tha thứ cho những người phạm sai lầm. Nhiều người Mỹ, người Pháp, người Hàn, người Nhật đến Việt Nam đều cảm nhận được điều này. Nhưng tha thứ không có nghĩa là phủ nhận, mà chỉ đơn thuần là khép lại quá khứ để hướng tới tương lai hợp tác. Chúng ta không cực đoan, nhưng tuyệt đối không bao giờ tha thứ cho những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái xuyên tạc lịch sử.

Phim ảnh đôi khi chỉ là để giải trí, nhưng nếu lẩn khuất trong đó là những thông tin độc hại thì rõ ràng là một “làn gió độc”. Cộng đồng mạng đã lên tiếng và thiết nghĩ các cơ quan quản lý cần có chế tài chặt chẽ để nghiêm cấm phát hành bộ phim này tại Việt Nam. Không thể để những cái sai lại ngang nhiên lộ diện ở tất cả mọi nơi, lâu dần sẽ dẫn đến những hiểu lầm sai lệch về lịch sử.

An Diễm 

Đọc nhiều